Theo Jang Kều, người ta chỉ hạnh phúc khi được làm điều mà người ta muốn, thế nên, khi đi thực hiện các dự án Nhà chống lũ, chị cũng thích mang lại thứ người ta muốn chứ không phải thứ người ta cần.
Tuy nhiên, từ tiết lộ của chị trong Forbes Vietnam Women’s Summit 2019, thì có một thời gian chị không cảm thấy hạnh phúc vì bị mất phương hướng. Và nếu không nhờ nụ cười rạng rỡ của cậu con trai khi ‘nhặt nắng’ hẳn chị đã không thức tỉnh, hoặc nếu chậm thay đổi nhận thức, có khi tinh thần của chị đã bị bào mòn kiệt quệ.
Chị Jang Kều kể: Ở thời điểm đó, chị một mình phải trông coi hơn chục công ty đồng thời còn phải chăm sóc cậu con trai bị tự kỷ. Như những người mẹ khác, chị đã rất buồn lòng với tình trạng của con cái, đồng thời có một nỗi ám ảnh là phải bằng mọi giá khiến em bé trở lại bình thường.
"Có bệnh phải vái tứ phương", chị Jang Kều đã mang con đi khắp nơi, tới những vùng đất xa xôi và làm những thứ mà mình từng không tin, như "tìm kiếm linh hồn" của con trai ở tận xứ Basque – Tây Ban Nha. Mỗi khi về nhà, chị lại bắt đầu uốn nắn con trai với những mệnh lệnh kiểu "con phải làm thế này, con không được làm thế kia".
"Một ngày nọ, một người bạn ở Hà Nội vào chơi và tặng tôi một bó hoa theo mùa mà Hà Nội mới có. Tôi rất vui! Vì vui nên tôi để con trai tự chơi theo ý thích, muốn làm gì thì làm. Trong lúc trò chuyện, tôi và bạn mình thấy thằng bé đưa tay ‘nhặt nắng’ và cười rất vui vẻ. Chưa bao giờ, tôi lại thấy con hạnh phúc như thế!
Chợt tôi nhận ra: người ta chỉ hạnh phúc khi làm điều mình muốn và vì tôi chưa hạnh phúc, nên tôi không thể khiến con trai hạnh phúc. Rằng, mỗi người khác nhau nên làm những điều khác nhau, chỉ cần chúng khiến chúng ta vui vẻ - thoải mái là được", chị Jang Kều hồi tưởng.
Sau đó, chị Jang Kều ngồi xuống và tự vấn bản thân: điều gì khiến mình hạnh phúc. Thế rồi, chị chợt nhớ đến những niềm vui mà mình có được từ những lần tham gia các dự án cộng đồng hay giúp đỡ các bạn cùng lớp đóng học phí thời sinh viên; nỗi day dứt khi thấy những ngôi nhà tan hoang trong những lần đi từ thiện cùng bạn bè.
Tình trạng ngôi nhà trước khi tham gia dự án Nhà chống lũ....
....đây là ngôi nhà sau khi tham gia dự án Nhà chống lũ.
Mặc dù, kể từ thời sinh viên đến sau này, chị đã dùng rất nhiều tiền kiếm được từ công việc kinh doanh để đi giúp đỡ mọi người, nhưng chị vẫn thấy đam mê với công tác hỗ trợ cộng đồng hơn là kinh doanh. Chị cảm thấy đi hỗ trợ những người yếu thế ở vùng sâu vùng xa vui hơn buôn bán hay làm dịch vụ.
Chị bảo, thêm cô Jang Kều làm kinh doanh giỏi cũng không tác động nhiều đến xã hội, nhưng có cô Jang Kều giỏi trong việc điều phối các dự án cộng đồng sẽ khiến ekip làm việc tốt hơn, tác động tốt đến xã hội trực tiếp và nhiều hơn.
Do đó, chị đã quyết định cho hoặc tặng bạn bè các công ty chỉ giữ lại vài công ty. Hiện tại, Jang Kều đang dành 80% đến 90% thời gian để điều hành quỹ xã hội Life Foundation cũng như dự án Nhà chống lũ, 20% đến 10% thời gian cho con trai và 5 công ty. Chị đang thuê Giám đốc cho 5 công ty, còn chị giữ chức Chủ tịch, phụ trách làm chiến lược hoặc chỉ tham gia những mảng mà mình có thế mạnh.
"Ước mơ của tôi là có thể dành 100% thời gian cho việc phát triển cộng đồng. Bây giờ tôi chưa thể làm điều đó, nhưng trong tương lai tôi tin là tôi có thể", chị Jang Kều khẳng định.
Quan điểm "người ta chỉ hạnh phúc khi người ta được làm những gì mình muốn", còn được chị áp dụng trong các dự án cộng đồng mà chị và các đồng sự thực hiện, ví dụ như Nhà chống lũ.
Ban dự án chỉ hỗ trợ 50% kinh phí cùng tư vấn kết cấu – thiết kế cơ bản, để làm sao xây một ngôi nhà an toàn nhất với ngân quỹ đó. Người dân sẽ góp 50% vốn cũng như chịu trách nhiệm chính cho việc xây dựng ngôi nhà của mình, ngôi nhà ấm áp hay rực rỡ, to hay dài đều phụ thuộc vào ý muốn của chủ nhà.
Lúc đầu, nhiều người cho rằng, nếu không trao cho người dân 100% số vốn sẽ không có ai chịu tham gia, nhưng với việc đã xây được 700 ngôi nhà kể từ năm 2013, chị và ekip của mình đã chứng minh ý kiến đó sai. Tiền không phải là tất cả, thông qua quá trình xây dựng ngôi nhà, chị muốn các thành viên trong gia đìn thay đổi nhận thức và có niềm tin hơn vào cuộc sống.
700 ngôi nhà đã thay đổi 700 gia đình, rất nhiều chủ nhà đã tìm được những kế sinh nhai ổn định như bán bánh xèo, cơm tấm…
Trí Thức Trẻ