Dù là đầu tư hay đầu cơ, hãy tranh thủ chớp cơ hội mua khi thị trường đang ở cực điểm bi quan và bán ra khi thị trường đang ở cực điểm lạc quan…
John Maynard Keynes (1883-1946) là một nhà kinh tế học người Anh và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong giới đầu tư nước Anh thế kỷ 20 thời bấy giờ.
Ông sinh ngày 5 tháng 6 năm 1883 tại Cambridge trong một gia đình có truyền thống học thuật giàu có. Cha ông là một nhà kinh tế học kiêm triết gia, còn mẹ ông là thị trưởng nữ đầu tiên của thành phố. Keynes là một sinh viên xuất sắc nổi trội tại trường Eton cũng như Đại học Cambridge, nơi ông theo học ngành toán. Nhóm bạn thân thời đi học của ông cũng là tập hợp của những nhà trí thức và nghiên cứu nổi tiếng thời bấy giờ.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Keynes làm việc tại Văn phòng Ấn Độ, đồng thời trong giờ làm ông cũng nghiên cứu viết một luận văn – nó đã giúp ông giành được một suất bổng cao học tại trường King University. Sau khi học xong cũng là lúc thế chiến thứ nhất nổ ra, ông được giao làm việc trong Bộ Tài chính. Và khi Hiệp ước hòa bình Versailles được ký kết, ông xuất bản cuốn "Những hệ quả kinh tế của Hòa bình" (The Economic Consequences of the Peace). Trong tác phẩm này ông chỉ trích việc đòi hỏi khoản bồi thường chiến tranh quá cao từ một nước Đức bại trận và dự đoán rằng điều này sẽ làm tăng khát vọng trả thù của người Đức. Cuốn sách bán chạy và khiến ông trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Trong những năm giữa hai cuộc chiến, Keynes tích lũy được một khoản lợi nhuận cá nhân đáng kể từ thị trường chứng khoán. Và với tư cách là người quản lý tài chính của trường King, ông đã xin phép hiệu trưởng trường dùng một khoản tiền quỹ của trường để tái đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhằm giúp cải thiện đáng kể tình hình tài chính của trường. Năm 1926, ông kết hôn với Lydia Lopokova, một vũ công ballet người Nga. Mặc dù bà không biết nhiều về thế giới tài chính nhưng chính bà cũng là người ủng hộ ông trên con đường đầu tư về sau.
Với Keynes, đầu tư là hành động ước đoán lợi nhuận trên tài sản, còn đầu cơ là hành động ước đoán tâm lý của thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế, những đồng lãi đầu tiên Keynes kiếm được là nhờ vào đầu cơ. Keynes cho rằng đầu cơ "vô hại như bong bóng trong dòng chảy kinh doanh liên tục" nhưng sẽ rất tai hại khi "kinh doanh trở thành bong bóng trong vòng xoáy của đầu cơ"
Bên cạnh đó, chính ông cũng là người xóa nhòa ranh giới giữa đầu tư và đầu cơ bởi ông cho rằng định nghĩa danh giới giữa đầu tư và đầu cơ là rất mong manh. Có nhiều người luôn cho rằng mình đang "đầu tư thật sự" , có thể bản chất của hành động là đầu tư, nhưng cách tư duy và tính toán lại là đầu cơ. Trên thực tế, đối với ông, dù đi theo bất cứ phương pháp nào, thì người thành công nhất vẫn phải là người kiếm được tiền từ "ngài thị trường". Sau này khi đã trải qua nhiều thăng trầm trong đầu tư và tìm ra một phương pháp của bản thân, ông có đúc kết lại một câu châm ngôn trong cuốn hồi kí của bản thân "Dù là đầu tư hay đầu cơ, hãy tranh thủ chớp cơ hội mua khi thị trường đang ở cực điểm bi quan và bán ra khi thị trường đang ở cực điểm lạc quan."
Sau này khi đã về hưu, ông đã dành nhiều thời gian đi chia sẻ về phương pháp đầu tư vượt lên mọi nghịch cảnh trong các trường đại học tại Anh Quốc. Bên cạnh đó, ông cũng dành một phần thời gian để viết nên tác phẩm nổi tiếng nhất của Keynes – cuốn "Lý thuyết chung về Việc làm, Lãi suất và Tiền tệ" (The General Theory of Employment, Interest and Money) – được xuất bản năm 1936 và trở thành chuẩn mực cho các tư tưởng kinh tế trên thế giới về sau. Tác phẩm này cũng khẳng định vị trí nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất ở Anh của ông.
Năm 1942, ông được bầu làm thượng nghị sĩ. Trong những năm chiến tranh tiếp tục sau đó, Keynes đóng vai trò quyết định trong những cuộc đàm phán nhằm định hình trật tự kinh tế quốc tế thời hậu chiến. Năm 1944, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Anh đến hội nghị Bretton Woods tổ chức tại Hoa Kỳ. Tại hội nghị này, ông đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế. Keynes qua đời vào ngày 21 tháng 4 năm 1946.
Quay trở lại với Keynes, nhờ cách thức nghiên cứu cẩn thận trong đầu tư đã khiến danh mục cổ phiếu thời đó của ông thành công rực rỡ, từng đạt tỷ lệ sinh lợi gấp hai lần chỉ số FTSE 100, bất chấp cả những giai đoạn của khó khăn nhất của thị trường chứng khoán Anh. Và tất nhiên, nguyên tắc đầu tư của ông chỉ gói gọn trong những điều cơ bản dưới đây:
-Tìm kiếm những công ty đang được bán với giá bằng một nửa lượng tiền mặt công ty đang nắm giữ. Ông còn gọi đây là chiến lược "mua 1 USD với giá 50 xu".
- Không bao giờ mua cổ phiếu của công ty với giá quá 10 lần lợi nhuận .
- Bán ra khi lợi nhuận đạt 50%.
- Nếu sau 2 năm cổ phiếu không tăng giá thì bán đi với mọi giá.
- Người nào không làm chủ được cảm xúc của mình thì không thể kiếm tiền từ hoạt động đầu tư.
- Để giảm thiểu tỉ lệ rủi ro phá sản của các công ty, nhà đầu tư hãy tiến hành đa dạng hóa danh mục đầu tư chứng khoán để tránh tình trạng "bỏ trứng vào chung một giỏ". Đối với ông, điều tối kị là dồn hết vốn liếng vào một cổ phiếu duy nhất mà chưa thực sự biết rõ thông tin hay tìm hiểu cặn kẽ về chúng.
- Hãy tìm kiếm những công ty có bảng cân đối thu chi tốt hoặc những công ty mắc ít nợ, lợi nhuận trên mức trung bình và có lưu lượng tiền mặt dồi dào
- Kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu theo đúng lộ trình và quy tắc vạch ra, đừng quá lo lắng trước biến động ngắn hạn theo giờ của thị trường cũng là một thước đo của thành công.
Bên cạnh đó, Keynes cũng khuyên người nắm giữ cổ phiếu nên quan niệm thoáng ra rằng họ đang nắm giữ một phần quyền sở hữu công ty. Vì thế, họ sẽ không phải bận tâm về những biến động khó lường của thị trường, bởi vì trong ngắn hạn, thị trường là máy biểu quyết (hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu của những người tham gia) còn trong dài hạn, thị trường luôn là bàn cân (trong dài hạn, giá trị thực sự sẽ được phản ánh vào giá cổ phiếu).
Trí Thức Trẻ