Đến một ngưỡng mới của cuộc đời, suy nghĩ về các giá trị sống, Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên lại hướng tâm nguyện của mình về đất nước, để gầy dựng lại một lối sống, một cách canh tác, cách ăn uống hữu ích nhất cho người Việt.
Chủ tịch Vinamit Nguyễn Lâm Viên vẫn được đồng nghiệp trong giới kinh doanh gọi bằng cái tên trìu mến là "Ông hữu cơ"
Gặp ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Vinamit, người được giới doanh nhân tin yêu và kính trọng đặt cho biệt danh “Ông hữu cơ” ngay tại đại bản doanh của ông trên đường Nguyễn Du, thấy ông dạo này “nhuận sắc” hẳn, thần thái hồng hào tươi trẻ và mạnh mẽ.
Trong ngôi biệt thự bằng gỗ được thiết kế như một “phòng thí nghiệm” với đầy hương sắc, cỏ cây, cả tiếng gà gáy sáng… ông Viên vừa pha cho tôi ly nước rau má sinh học với nước mía còn giữ nguyên hương vị tươi ngon như vừa mới hái, vừa say sưa trò chuyện về những sản phẩm chế biến còn giữ nguyên “sinh mệnh sống” mà ông gọi là Enzime, như một nỗ lực không ngừng nghỉ suốt nhiều năm qua vì sức khoẻ con người.
Sự hài hoà giữa một nhà kinh doanh tử tế với một nhà khoa học, một người luôn tiên phong trong lĩnh vực trồng và chế biến sản phẩm nông nghiệp bằng những công nghệ “vì sự sống”, việc thiết kế bữa ăn lành mạnh cho hơn 1.000 công nhân của Vinamit bằng chính các sản phẩm của mình đã gặt hái được thành quả đầu tiên. Rất nhiều công nhân của ông đã được chữa lành những căn bệnh phổ thông như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hoá, kể cả bị dị ứng nhờ “ăn đúng cách”.
Khát vọng của Chủ tịch Vinamit là xây dựng bữa ăn lành mạnh và tiện dụng cho người Việt Nam, một khát vọng thực tế và vô cùng nhân văn. Bởi theo ông: “Không chỉ người giàu mới có thể dùng được nông sản sạch và tự nhiên, người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp cũng có thể sử dụng được”.
Người tìm ra “bí mật” của chế biến hữu cơ
Suốt 5 năm trời theo đuổi việc gầy dựng nông trại sản xuất sản phẩm hữu cơ cho Vinamit, từ các loại rau, trái cây, đến nuôi heo, nuôi gà… ông Nguyễn Lâm Viên mới tìm ra được “bí mật” của sản phẩm hữu cơ và từ đó hình thành quy trình chế biến hữu cơ, để làm sao giữ được những “sinh mệnh sống Enzime”.
Để giữ được rau trái tươi ngon đưa đến tận tay người tiêu dùng qua hệ thống các siêu thị lớn, Vinamit rất chú trọng bao bì đóng gói. Ông Viên lý giải: “Sản xuất bao giờ cũng đi đến bảo quản, chế biến. Một người sản xuất sản phẩm hữu cơ phải hiểu làm sao đưa sản phẩm tươi sống, còn nguyên giá trị đến người tiêu dùng. Thách thức lớn nhất với một nhà sản xuất hữu cơ như tôi là làm sao giữ được sự tự nhiên và tươi sống ấy trong suốt quy trình chế biến, để người tiêu dùng có lối sống lành mạnh chấp nhận được sản phẩm của mình.
Nhìn lại thực trạng của nông nghiệp chế biến Việt Nam, dân mình mua gạo thì mua bao tạ, bao 20kg, 10kg… bởi đó là thói quen truyền thống, nhưng người ta quên rằng gạo đã được xay sát rồi phải cố gắng ăn ngay. Gạo tươi sống phải đong trong gói 1 kg, rút chân không, ăn trong 1-2 ngày là hết thì gạo đó mới gọi là tươi sống. Nếu gạo không rút chân không sẽ ở trong tình trạng bị oxy hoá. Đi hội chợ quốc tế, tôi thấy gạo của họ không bao giờ để trong bao 50kg, chỉ 1-2kg trong rút chân không. Vì vậy gạo đen, gạo đỏ của Vinamit đều ở trong tình trạng rút chân không.
Bảo quản cho rau cũng vậy, mọi người nói đựng rau trong túi nilon phải đục lỗ, Vinamit để rau trong bao kín, lý do làm điều đó vì rau được bơm loại khí lạnh sinh học để trong 1 tuần vẫn giữ được sự tươi sống. Còn rau để từ sáng tới chiều mới ăn đã héo, tức là rau đã chết. Phải biết làm cách nào để giữ sự tươi sống mới gọi thực phẩm tươi sống. Cho dù miếng khoai có luộc lên bán siêu thị cũng phải hút chân không. Đó là lý do công nghệ hút chân không ra đời, tránh việc oxy hoá sản phẩm, tiêu diệt sự tươi ngon.
Với những trường hợp như vậy, không cần thiết phải mang hoá chất gì vào trong đó để bảo quản. Đương nhiên hạn sử dụng chỉ có thể trong một thời gian nhất định, chứ không thể kéo dài lâu được. Với các gia đình, giữ rau trái tươi ngon tốt nhất xài xong bỏ trong tủ lạnh, sẽ đỡ hút oxy và khí ẩm”.
Riêng với chế biến các sản phẩm hữu cơ gần gũi với đời sống người Việt như nước mía , rau má, rau lang, củ dền, sầu riêng… hay đồ sấy khô là cả một câu chuyện dài thú vị. So với cách chế biến đại trà hiện nay, chế biến hữu cơ của ông Viên vô cùng khác biệt.
Ông Nguyễn Lâm Viên cùng các nhân viên trên cánh đồng hữu cơ
“Khi nói đến chế biến, tất cả sản phẩm muốn giữ tươi sống, việc thứ nhất phải sử dụng phương pháp sấy trong điều kiện chân không, không có không khí, sử dụng nhiệt độ thấp, không thể trên một trăm độ C. Có thể điều chỉnh nhiệt từ 30-40 độ thôi để duy trì sự sống. Chính vì vậy, ngành chân không mới là ngành không có chất bảo quản, không gia vị, không phụ gia, khi đó mới có thể duy trì sự sống.
Tất cả cách bảo quản còn không khí, hoặc gia nhiệt trên 115 độ là không còn sự sống, không còn vi khuẩn rồi. Công nghệ này có từ lâu, các nhà chế biến đều biết nhưng không phổ biến ở Việt Nam. Bởi vì, thứ nhất công suất còn nhỏ, giá thành rất mắc, trong khi thị trường Việt Nam thích đồ công nghiệp phải rẻ. Cũng giống như sản phẩm hữu cơ, nếu người tiêu dùng chấp nhận giá thì sản phẩm hữu cơ không thiếu đâu. Thứ hai, do người làm thương mại lấy giá mắc quá. Tôi hy vọng khi người nông dân có thể tiếp cận trực tiếp vào thị trường hữu cơ thì giá thành sẽ hạ.
Giá thành sản phẩm Vinamit hiện nay là rẻ so với thị trường, để người tiêu dùng tiếp cận được. Giá rau và trái cây khoảng từ 50-60 ngàn đồng/kg. Chúng tôi chia nhỏ mỗi bó rau 300gram khoảng mười mấy ngàn đồng để người tiêu dùng dễ mua hơn. Vinamit muốn mọi người dân đều có thể tiếp cận sản phẩm hữu cơ.
Nếu chúng ta có thói quen ăn đúng, ăn nhiều thực vật, sẽ không có bệnh, sẽ trẻ đẹp hơn, thì giá đó sẽ không mắc. Nếu ăn vào sẽ không bị dị ứng, tránh được bệnh về tiêu hoá, giải độc tố trong người, thì chắc chắc chắn bó rau, ký gạo đó không có mắc”, ông Viên chia sẻ.
Khát vọng vì bữa ăn lành mạnh cho người Việt
Là nhà sản xuất chế biến nông sản đã từng thành công ở thị trường các nước khó tính nhất như Mỹ, Nhật, châu Âu… gầy dựng được gia sản lớn và thương hiệu uy tín. Đến một ngưỡng mới của cuộc đời, suy nghĩ về các giá trị sống, ông Nguyễn Lâm Viên lại hướng tâm nguyện của mình về đất nước, để gầy dựng lại một lối sống, một cách canh tác, cách ăn uống hữu ích nhất cho người Việt. Đất nước nông nghiệp nhưng lại bị tàn phá nhiều nhất vì cách làm nông nghiệp sai lầm suốt bao nhiêu năm qua.
Đến nay, hầu như các kênh siêu thị từ cao cấp đến bình dân ở TP. HCM đều có sản phẩm rau tươi sống thương hiệu Vinamit hữu cơ vì giá rất hợp lý, mang đến chất lượng ổn định cho người tiêu dùng. Tiếng lành đồn xa, rau quả Vinamit hữu cơ đã từ từ lan sang các tỉnh thành khác và Hà Nội, lượng tiêu thụ khá tốt.
Chủ tịch Vinamit cho biết: “Nuôi mong muốn tham gia thị trường nội địa để giải bài toán ăn uống thế nào cho người tiêu dùng để không bị bệnh, để trẻ, đẹp hơn, đúng cái tuổi của mình. Tôi đã cùng anh em Vinamit làm một cuộc cách mạng với đồng ruộng, hướng đến nông pháp hữu cơ và chế biến hữu cơ, nhằm tạo ra những Enzimme của sự sống. Nhiều người cho rằng ung thư do di truyền, thực ra là sai. Nếu chúng ta có thói quen ăn đúng, sinh hoạt điều độ, lành mạnh, chắc chắn không thể bệnh tật được.
Về chế biến, nuôi trồng, Vinamit vẫn trong giai đoạn đầu tư, dĩ nhiên số tiền lên vài trăm tỷ đồng rồi, con số quả là không nhỏ nhưng nó nằm trong chiến lược 10- 20 năm của tôi, để đầu tư công nghệ, điều kiện căn bản phát triển các nông trường hữu cơ.
Kế hoạch 100 tỷ USD mới hoàn thiện 1 nông trường, bởi giống như con người, đất bị nhiễm hoá học hết rồi. Trồng ở núi xa thì làm sao vận chuyển về kịp, gần thành phố thì đâu còn miếng đất nào còn hệ sinh thái.
Đầu tư cải tạo hữu cơ mỗi năm tốn chục tỷ đồng là chuyện bình thường, sau 5 năm mới bắt đầu phục hồi hệ thực vật, nếu ngưng đầu tư tiếp cũng không được. Càng đầu tư tôi thấy đất càng phục hồi rất nhanh. Dùng sản phẩm hữu cơ rồi bạn sẽ hiểu nó quý hơn biết bao tiền thuốc, vì giúp mình trẻ hơn, khoẻ hơn rất nhiều, đó là hạnh phúc ai cũng mong muốn”.
Nhưng con đường trở về với nông nghiệp hữu cơ của ông Viên quả không dễ dàng. Phần vì nhận thức người dân chưa cao, chưa hiểu hết nỗi gian truân của người làm hữu cơ, chưa hiểu hết tác dụng của sản phẩm hữu cơ. Phần do cạnh tranh không lành mạnh, nhiều khi nhà sản xuất nỗ lực làm tốt cũng bị ném đá. Ví dụ như việc đóng bao bì bằng túi nilon của Vinamit chẳng hạn, ban đầu cũng bị ném đá, cho rằng không đúng với tinh thần hữu cơ. Nhưng ít ai biết ông đã bơm vào đó không khí để giữ cho rau tươi ngon suốt ngày.
Kể về nỗi gian truân của mình, ông Viên đầy tâm tư: “Thế giới đã bùng nổ xu hướng sử dụng sản phẩm hữu cơ, nhưng nói đến tươi sống, tôi không nghĩ đến thế giới mà nghĩ đến người tiêu dùng Việt Nam. Nhiều nước cũng đặt hàng nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao đến tay người tiêu dùng trong 5-7 ngày?
Các siêu thị đã mang rau quả của tôi ra Hà Nội, sang Singapore, mình muốn phục vụ cho dân mình trước đã. Còn sản phẩm sấy khô, tập đoàn Mỹ đang đặt hàng làm nước mía sinh học cho họ. Nước mía, rau má, nước cóc… sinh học có thể mang qua New York, còn rất nhiều sản phẩm dinh dưỡng nữa mà tôi chưa công bố.
Tuy nhiên làm tốt cũng bị đối diện với nhiều chiêu cạnh tranh bẩn. Sản phẩm chế biến của mình cùng công nghệ hút chân không, giữ được hương vị tự nhiên nhưng có người đánh động Vinamit làm giống snack, nhúng chuối, mít vào hoá chất, mình nói lại sao được? Truyền thông xấu khiến Vinamit nhiều lần bị hiểu nhầm, từng bị đấu, từng phải giải oan biết bao nhiêu lần.
30 năm nay tôi làm sản phẩm không có phụ gia, hoá chất, công nghệ đó từ lâu rồi nhưng trước đây nói có ai hiểu, tới giờ không muốn nói nữa, chỉ muốn marketing qua truyền miệng. Người tiêu dùng cầm sản phẩm lên sẽ hiểu để trong bao nylon kín có không khí sinh học là chống oxy hoá. Hơn ai hết mình phải bảo vệ mình trước, tôi hy vọng sự phát triển của ngành sinh học tương lai sẽ có vật liệu tốt hơn để bảo quản thực phẩm”.
Vào các siêu thị nước ngoài tại Việt Nam rất thuận tiện, nhưng có một nghịch lý là Vinamit lại không được chào đón ngay tại “sân nhà” Coop Mart.
“Mình là người đầu tiên hy sinh cho Coop Mart nhưng họ không ủng hộ mình, không để trong túi của mình mà để trong túi của họ, chất lượng sao ngon được, mình lãnh đủ. Lại còn ép mình 3 ngày không bán được phải mang hết hàng về, làm sao hợp tác được? Mình làm với họ một năm trời, lên bờ xuống ruộng, từ lỗ tới lỗ, ba bữa hốt về mà họ không cho nhân viên marketing, bán hàng của Vinamit tới giới thiệu, hướng dẫn cách sử dụng cho khách hàng ngay tại quầy, bao bì là của họ. Thế là phải rút lui. Trong khi Big C mở cửa cháo đón, cho cả nhân viên marketing của Vinamit vào quảng bá sản phẩm. Với sản phẩm hữu cơ, mình phải nói về cái khác biệt của nó chỗ nào thì dân mới tin dùng chứ”, ông Viên chia sẻ.
Tâm sự về mong ước cuối đời đang ấp ủ của mình, đó là hoàn thiện bữa ăn lành mạnh cho người Việt, ông Viên nói: “Tất cả bệnh về da, những vết đen trên da đều do độc tố làm nghẽn mao mạch, báo động cho mình phải thải nó ra. Phải giải quyết tận gốc về vi khuẩn sống. Đưa ra giải pháp phục hồi cơ thể bằng rau má, nước mía, bột rau… ấn định 1 ngày ăn 200 gram ngũ cốc sấy lạnh có sinh học, từ từ tôi sẽ tiến đến cung cấp bữa ăn hữu cơ cho khách hàng với các gói chế biến bằng phương pháp sinh học. Đó là phương pháp ăn uống cho tương lai, tạo ra thế hệ không còn bệnh tật nữa, đó chính là giấc mơ của tôi.
Tại sao y tế càng hiện đại lại không giúp cho con người không có bệnh? Mình là nạn nhân của bác sĩ, với đủ các loại bệnh, từ đau bao tử, tiểu đường, trĩ… cuối cùng phải tự tìm con đường cứu mình. Bắt đầu từ phát hiện rất vô tình: Tại sao mình chữa bệnh cho cây, cho heo được mà không chữa bệnh được cho mình? Mình giống như “chuột bạch” vậy, mới ăn sản phẩm của mình 1 năm nay thôi. Đầu tiên mình chưa chế biến được, phải mua sản phẩm của Nhật, Đài Loan, Mỹ, ép phê không có gì mạnh. Mình mới hiểu con vi khuẩn của Việt Nam mình mới mạnh nhất, vì nó là vi khuẩn bản địa, nằm trong khoai, trong đất. Việt Nam mình nhiều vi khuẩn tốt lắm, các nhà sinh học Việt Nam rất giỏi, nhưng họ không dám lên tiếng”.
Kể về lực lượng nghiên cứu, ông Viên cho biết: “Vinamit có rất đông các kỹ sư, chuyên gia bán chính thức có thù lao từ công ty, là thạc sĩ, tiến sĩ ở các trường đại học, Viện nghiên cứu. Vinamit làm trung tâm sinh học nhưng chưa công bố. Khi hệ sinh thái sản phẩm của mình đủ rồi, mọi người có niềm tin Vinamit rồi thì mình sẽ công bố. Ngành này bước ra thị trường đụng chạm đến quá nhiều người, từ sữa, thịt, bia rượu, thức ăn nhanh…
Tương lai Vinamit sẽ có bữa ăn tốt và lành mạnh cho người Việt, từ gạo, nước mắm, cá gà, rau trái cây, nước tương, nước mắm… đưa ra nguyên concept sinh y. Lúc ấy thì người tiêu dùng không cần phải nấu nướng, có ngũ cốc, rau quả đầy đủ cho một bữa ăn lành mạnh. Nhưng phải nâng nhận thức từ chính bạn lên, khi ăn bột sấy đông khô tức là đã không còn sự sống, bởi gia nhiệt trên 100 độ rồi xay thì sự sống chết ngắc rồi”.
Lúc chia tay ông, tôi không khỏi thán phục tâm huyết và sự quả cảm của một nhà doanh nghiệp đã đặt cược cả cơ nghiệp của mình vào sự nghiệp hữu cơ này.
Vẫn biết bao gian khó còn ở phía trước, nhưng giọng nói của ông đầy quyết liệt: “Cuộc chiến này còn vất vả lắm, nói ra người ta đập, nhưng mình không sợ, vì mình hiểu mà, quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm. Người nội trợ rất rành, mình đang làm đúng, khi người ta tin rồi thì không sợ gì cả.
Tôi sẽ mở quán ăn hữu cơ, bán bữa ăn cho người làm văn phòng ngay tại đường Nguyễn Du này. R&D (nghiên cứu phát triển) thì rất nhanh nhưng tất cả thiết bị của mình đã quá tải hết rồi, muốn ra dòng sản phẩm này thì phải mất 1 năm đầu tư máy móc thiết bị và công nghệ, có thời gian dùng thử, coi lượng người nhận thức tới đâu.
Sau 5 năm cải tạo, khi có hệ sinh thái thức ăn lành mạnh, các loài sinh vật tự nhiên kéo tới, nó đi tìm những loại rau củ quả bổ ích cho nó, đi tìm những loại côn trùng bổ sung đạm cho nó, rắn sẽ đuổi chuột, chim sẽ bắt sâu, cu đất sẽ ăn các loại bọ sâu trong đất, mình nuôi gà thả đi bới trùn khắp vườn, muôn loài sống rất mạnh khoẻ, chứ không sống èo uột.
Cũng như khu vườn của mình, tôi hy vọng nếu mình tạo ra một hệ sinh thái lành mạnh cho con người và tự nhiên sẽ phục hồi sự sống cho người xung quanh mình. Chúng ta cần thay đổi nhận thức để giúp chúng ta được khoẻ và đẹp hơn”.
Kim Yến/Nhà Quản trị