Hôn nhân chỉ là một bước ngoặt, nếu 20 tuổi không vượt qua thì chắc gì 30 sẽ vượt qua khi không có tính tự lập.
Sau bài viết 'Kết hôn sớm là tự giới hạn bản thân, tạo gánh nặng cho cha mẹ' độc giả Lam anh chia sẻ:
Tôi không đồng ý với quan điểm trong bài viết. Cá nhân tôi kết hôn khi hai vợ chồng vừa tròn 25 tuổi, cũng mới đi làm được một, hai năm. Khi hai vợ chồng quyết định cưới, chúng tôi phải tự lo tất cả cho đám cưới, bố mẹ hai bên chỉ việc mời bà con bạn bè tới tham dự.
Cưới xong, chúng tôi cũng sinh con ngay, cũng nhờ ông bà nội chăm nhưng chúng tôi lo chi phí sinh hoạt cho cả gia đình vì ông bà nội không có lương hưu hay thu nhập gì khác.
Bây giờ, ở tuổi 35 chúng tôi có 3 căn nhà và 3 đứa con. Vẫn sống chung với ông bà, mình lo cho ông bà, còn ông bà chăm cháu cho mình. Tôi nghĩ là lấy sớm hay muộn không quan trọng, quan trọng là bạn đã đủ sống có trách nhiệm hay chưa.
Độc giả có nickname Họ Và Tên kể rằng tuy kết hôn sớm nhưng vẫn cố gắng làm ăn, không phụ thuộc cha mẹ:
Tôi năm nay 27 tuổi vợ 26 tuổi, tháng 6 này là tròn 5 năm cưới. Tôi có hai đứa con, một "ông kẹ" 3 tuổi và một "bà thím" một tuổi. Năm năm nay tôi đã mở được một tiệm hủ tiếu nhỏ, một quán trà sữa, một quán cà phê (vốn là của hồi môn và các quán đều đã sang lại và đều lời tiền) giờ đang điều hành một quán cà phê khác và mở một tiệm bánh mì.
Thu nhập của tôi hiện tại tầm 15 triệu, trước khi có dịch là gần 5x triệu đồng. Tôi kể ra thứ nhất là để khẳng định mấy anh mấy chú đừng vơ đũa cả nắm, hiện tại giờ tôi không chu cấp cho ba mẹ hai bên nữa vì khá khó khăn (trước dịch tôi cho hai bên nội ngoại mỗi người 3 triệu đồng). Theo tôi tuổi kết hôn đẹp nhất là 24, 25 tuổi và sinh con đẹp nhất là trước 28 tuổi, sau này mình 50 tuổi con nó cũng xong đại học rất khoẻ. Thứ hai, là tôi khoe mình giỏi hơn đám cùng trang lứa.
Độc giả Quan Phan cho rằng kết hôn sớm có lợi thế về sức khỏe: Thật ra, tôi lại thấy cưới sớm, có con sớm lại hay. Chứ 30 tuổi mới lập gia đình 32 tuổi mới có con, phụ nữ sức khoẻ lúc ấy không như lúc trẻ, đẻ xong là đủ thứ chuyện nhớ chuyện quên, bệnh này bệnh nọ.
Chưa kể lớn tuổi, ở nhà chăm con vài năm rồi khó làm việc gì được nữa (tôi lớn tuổi, ông bà cũng lớn tuổi nhiều khi không đủ sức chăm cháu). Tóm lại tuổi tác không hẳn quan trọng nhất, mà là tài chính, tiềm lực gia đình.
Độc giả Real Madrid Hala cho rằng đưa ra một độ tuổi để giới hạn chuyện hôn nhân là không cần thiết, quan trọng là khi nào trưởng thành thực sự để sẵn sàng cho việc kết hôn:
Tôi nghĩ khác với tác giả. Cái quan trọng nhất là con người phải trưởng thành thật sự (trong suy nghĩ, độc lập tài chính...) thì cứ đủ 18 tuổi là có thể kết hôn. Có những bạn công nhân, 17 tuổi đi làm, 22 tuổi kết hôn và rất tự lập nhé.
Còn cá nhân tôi, tôi nói rõ với con tôi là cứ 18 tuổi thì được có bạn trai/ gái. Nếu kết hôn phải ra ngoài thuê nhà ở, tự đi làm kiếm sống, không có chuyện được mẹ bao cấp.
Có con là phải tự lo, mẹ giúp được thì giúp chứ không có nghĩa vụ làm osin. Mẹ chỉ nuôi đầy đủ, cho học hành không thiếu gì, giúp cho có nghề nghiệp tốt là hết nghĩa vụ. Cứ chuẩn bị trước tinh thần cho chúng nó là sau này mình không khổ mà chúng nó cũng trưởng thành.
Độc giả Canna Nguyen đồng quan điểm: Kết hôn chỉ là một bước ngoặt thôi. Ai vượt qua ai không vượt qua, 20 tuổi không qua nổi chắc gì 28 tuổi đã vượt qua. Gặp người mình yêu thì lo mà cưới liền, chờ dăm ba năm sau thời thế khác, chưa chắc đã có thể kết hôn.
Nếu đã trọng sự nghiệp trước, thì cũng có cái giá phải trả của nó thôi. Bạn tôi ra trường cưới và sinh con ngay, bây giờ vẫn ăn nên làm ra mua nhà cửa hơn hẳn người khác. Quan trọng ở nỗ lực thì tuổi nào cũng cưới được.
Về vấn đề cha mẹ chăm cháu, độc giả ngoclm.262 nêu:
Quan điểm không nên kết hôn trước 25 tuổi vì cần phải lo sự nghiệp, tài chính thì tôi đồng ý. Nhưng bảo là kết hôn sớm đẩy cha mẹ vào cảnh "trẻ nuôi con, già nuôi cháu" thì tôi không đồng tình.
Vấn nạn con cái chưa thể tự lập, luôn ỷ vào cha mẹ là do giáo dục từ nhỏ, nếu cha mẹ luôn luôn làm hộ con cái từ A đến Z và chưa từng dạy hoặc cho con tự lập thì có đến 30-40 tuổi con vẫn cứ dựa dẫm thôi.
Tôi biết có nhiều người than là việc gì cũng đến tay, nhưng để người khác làm giúp thì lại không ưng. Tôi là người vụng, nhưng cha mẹ không giúp tôi việc chăm cháu nhiều, lúc con còn ẵm ngửa, có những ngày hè nóng cao điểm tôi cứ bế con cả ngày mà còn chẳng được tắm luôn.
Sau này tôi mới biết ý nghĩa của việc tự chăm con, có nhiều đôi vợ chồng được ông bà chăm con cho suốt rồi, nên sinh ra tâm lý chây lười dành thời gian cho con, tới khi con lớn, dần rời xa vòng tay cha mẹ, lúc đó mới thấy hối tiếc khoảng thời gian tuy vất vả nhưng rất ý nghĩa mà không bao giờ có lại được. Lúc đó lại than ước chi con bé lại để cha mẹ được ẵm bồng.
Theo Vnexpress