Hành khách di chuyển từ Vinh vào TP.HCM ngày 22/3 trên chuyến bay VJ219 của Vietjet Air chia sẻ đã bị hãng hủy chuyến và bán vé chuyến sau đó giá cao gấp gần 3 lần.
Theo hành khách Võ Xuân Y. (TP.HCM) cho hay, sau khi đặt vé từ Vinh đi TP.HCM vào ngày 22/3, anh đã tới sân bay làm thủ tục sớm trước giờ bay gần 3 tiếng, tuy nhiên chuyến bay lại không thuận lợi như anh mong đợi.
Sau khi có mặt tại sân bay vào lúc 17h30 ngày 22/3 để chuẩn bị cho chuyến bay lúc 20h15, anh Y. cùng các hành khách của chuyến bay VJ219 nhận được thông báo từ Vietjet Air rằng chuyến bay sẽ bị chậm chuyến, lùi giờ cất cánh xuống 21h50.
Vietjet Air bị khách hàng tố hủy chuyến rồi tăng giá gấp gần 3 lần. Ảnh: Ngô Minh. |
Các hành khách của hãng tiếp tục chờ chuyến bay thì nhận tiếp thông báo chuyến bay sẽ lùi tiếp giờ cất cánh xuống 22h20.
Sau đó các hành khách nhận được thông báo Vietjet Air đã thông báo hủy chuyến bay, yêu cầu hành khách xuống sảnh nhận lại hành lý và tiền vé sẽ được hoàn lại cho hành khách theo hình thức mua vé.
Anh Y. chia sẻ anh cùng nhiều hành khách "rất bối rối" khi nhận thông báo hủy chuyến từ Vietjet Air. Cá nhân anh phải bắt xe tìm khách sạn trong đêm và khi liên hệ với đại lý vé máy bay thì anh nhận được thông tin chuyến bay tiếp theo sẽ vào 8h sáng ngày 23/3 với giá vé cao gấp 3 lần giá vé anh đặt cho chuyến bay VJ219 vừa bị hủy.
Giá vé anh mua cho chuyến bay ban đầu là 1,3 triệu đồng nhưng chuyến bay 8h sáng ngày 23/3 lại có giá vé lên tới 3,5 triệu đồng.
Anh Y. cho rằng hãng đẫ cố tình hủy chuyến để buộc khách hàng phải mua vé giá cao sát giờ cho chuyến bay tiếp theo.
Theo anh Y., những hành khách như anh chịu rất nhiều thiệt hại do Vietjet Air gây ra như ảnh hưởng tới lịch làm việc, tốn chi phí khách sạn đêm 22/3 (trường hợp của anh Y. là 700.000 đồng), taxi đi lại cũng như giá vé chênh lệch tới 2,3 triệu đồng.
Trao đổi với Zing.vn, Vietjet Air cho biết chuyến bay VJ219 từ Vinh đi TP.HCM bị hủy vì thời tiết xấu. Hãng hàng không đã thông báo hành khách liên hệ với đại diện của hãng tại sân bay để được hỗ trợ.
Hãng hàng không đã đưa ra các hỗ trợ hành khách với nhiều lựa chọn, khách có thể chuyển sang chuyến bay khác còn chỗ không phát sinh phụ phí, đồng thời được hỗ trợ suất ăn tại sân bay. Trong trường hợp nếu khách quyết định không bay tiếp thì có thể yêu cầu hoàn vé bằng cách liên hệ với nơi đã đặt vé.
Với trường hợp của anh Y., do chưa hiểu hiểu rõ chính sách, thay vì liên hệ với đại diện tại sân bay để nhận được hỗ trợ, anh Y. đã liên lạc với đại lý, lựa chọn phương án hoàn vé để mua vé mới.
Sau khi biết sự việc này, đại diện Vietjet đã liên hệ giải thích về chính sách cho khách, đồng thời thực hiện việc hỗ trợ hành khách theo đúng chính sách, hoàn tiền chênh lệch giá vé.
Cũng theo đại diện hãng, hàng không là một ngành đặc thù với những quy định khắt khe về an ninh, an toàn. Rất nhiều những quy định cần được tuân thủ chặt chẽ, các quy định về quyền lợi của khách hàng cũng đã được Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không quy định. Khách bay được khuyến cáo tuân thủ các hướng dẫn và cần liên hệ với đại diện của các hãng tại các sân bay để có được hướng dẫn đúng, cụ thể, tránh những "bức xúc" không đáng có.
Theo số liệu từ Cục Hàng không từ 19/2 tới 18/3, Vietjet Air có 1.703 chuyến bay bị chậm chuyến, 11 chuyến bay bị hủy chuyến. Tỷ lệ cất cánh đúng giờ của hãng trong giai đoạn trên đạt 83,4%, trong khi của Vietnam Airlines là 89,9%.
Ngô MInh/Zing