Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khách hàng gặp chuyện, môi giới bất động sản đổi sim số rồi “lặn mất tăm”

04/12/2019 18:10

Biết rõ dự án chưa đầy đủ về pháp lý, chưa được quyền huy động vốn nhưng nhiều môi giới BĐS vẫn vô tư quảng cáo đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”. >>Thủ đoạn của “cò đất” ngày càng tinh vi >>Đất Gia Lâm tăng giá chóng mặt, cò đất mỗi tháng gom đôi tỷ >>Cò đất tung hoả mù, thị trường bất động sản lên cơn sốt đất, giá ảo

Biết rõ dự án chưa đầy đủ về pháp lý, chưa được quyền huy động vốn nhưng nhiều môi giới BĐS vẫn vô tư quảng cáo đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Khách hàng băng rôn tố chủ đầu tư chây ì, chiếm dụng vốn tại dự án Asa light
Khách hàng băng rôn tố chủ đầu tư chây ì, chiếm dụng vốn tại dự án Asa light)

Chỉ trong vài tháng qua, khách hàng vô cùng hoàng mang khi hàng loạt dự án “ma” tương tự Alibaba đã bị chính quyền vào cuộc xử lý. Hàng loạt công ty bất động sản bị phanh phui về những chiêu trò câu kéo khách hàng trái luật, hàng nghìn nhà đầu tư, khách hàng bị lừa mua phải dự án chưa được cấp phép dẫn đến tiền vốn bị chôn một chỗ.

Nhiều người thậm chí gia đình tan vỡ, nợ nần chồng chất, con cái khổ sở theo vì bố mẹ đầu tư vào những dự án không thể ra hàng theo đúng quy định của pháp luật.

Thậm chí, có những dự sau 4-5 năm mở bán vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều nhà đầu tư sau thời gian chờ đợi mệt mỏi muốn rút vốn cũng không được, chấp nhận chịu lỗ cũng không xong nên đành chấp nhận buông xuôi.

Đáng nói, một trong những nhân tố đẩy khách hàng đến rủi ro không ai khác chính là các nhân viên môi giới bất động sản.

Nhiều môi giới không hề nắm rõ luật, không biết về pháp lý dự án, không tìm hiểu xem dự án có thật hay không nhưng vẫn thản nhiên rao bán cho khách hàng để lấy hoa hồng. Mong muốn có lợi nhuận khủng, nhiều môi giới sẵn sàng chèo kéo, thổi phồng dự án để bán được hàng rồi đẩy nhà đầu tư xuống hố sâu. Khi xảy ra chuyện, khách hàng tìm đến thì môi giới “lặn mất tăm”, đổi số điện thoại, bỏ mặc khách hàng chới với không nơi bấu víu.

Theo thống kê của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay có gần 300.000 người làm nghề môi giới, chủ yếu tập trung ở hai thị trường là Hà Nội và TP HCM (Hà Nội có gần 60.000 người, TP HCM gần 100.000 người). Các môi giới hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc tự hoạt động cá nhân. Trong đó số lượng môi giới được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ khoảng 35.000 người (tương đương 12%).

Đây là một con số đáng lo ngại khi hàng loạt nhân viên môi giới cứ vô tư đi chào bán các dự án với mục đích hưởng hoa hồng cao nhưng không hề đo lường rủi ro cho nhà đầu tư. Họ lên những bài diễn thuyết hùng hồn, tự tin giới thiệu về các căn hộ đẳng cấp và vô tư khẳng định các dự án đã đẩy đủ giấy tờ hợp lệ, được pháp luật thông qua và cam kết chắc chắn sẽ có lãi. Tuy nhiên trên thực tế có những dự án còn chưa được cấp GPXD hoặc thậm chí là không hề tồn tại. Tin lời mật ngọt của những nhân viên sales bất động sản này, nhiều gia đình rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng, Trưởng văn phòng Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, rất đông nhân viên môi giới bất động sản ở Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, chưa được đào tạo bài bản, chưa quan tâm đến các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Thậm chí, nhiều công ty khi tuyển chọn môi giới cũng thiếu sự sàng lọc. Chỉ cần có thể giao tiếp, tốt nghiệp THPT và chấp nhận lăn xả là những điều kiện cơ bản để tuyển nhân viên kinh doanh của các công ty môi giới.

Anh Hùng cho biết, bản thân anh từng đóng vai khách hàng và rất không đồng tình với những cá nhân và công ty môi giới lừa dối khách hàng.

"Họ quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sai vị trí, sai giá cả, các chương trình tri ân... Chẳng hạn như quảng cáo một dự án bất động sản ở quận Bình Tân thế nhưng lại dẫn khách hàng xuống tận Long An. Khi quảng cáo thì đưa giá một đường nhưng khi gặp mặt thì nói giá tăng so với quảng cáo 2-3 lần. Quảng cáo bán đất ở TP.HCM nhưng dắt ra tận Đồng Nai... rồi chèo kéo khách đặt cọc, ký hợp đồng”, anh Hùng bức xúc.

Cũng theo anh Nguyễn Văn Hùng, đối với những công ty vẽ dự án "ma" chiêu trò dễ nhận thấy là thường chào bán giá rẻ, cam kết lợi nhuận cao, khi khách hàng muốn được cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định phê duyệt dự án, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500... môi giới sẽ vòng vo hoặc hẹn sẽ cung cấp sau… Khách hàng muốn tìm được một tin quảng cáo chính xác rất mất thời gian, gây ngán ngẩm.

Theo anh Hùng, để trụ lại trong nghề thì các môi giới cần tự kiểm điểm lại bản thân. Trong trường hợp sơ ý nào đó lỡ gây ra thất thoát cho khách hàng thì phải rút kinh nghiệm để kỹ lưỡng hơn trong những lần sau.

“Nghề môi giới kinh doanh bất động sản là một nghề chân chính, đã được pháp luật và xã hội công nhận. Những người hành nghề trân trọng và gìn giữ sự trong sạch của nghề. Đừng vì đồng tiền mà bất chấp đạo đức, bất chấp pháp lý.

Bất động sản là nghề có nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro và rất nhiều cạnh tranh. Vì vậy, để trở thành một nhà môi giới nên chuẩn bị sẵn cho mình kiến thức, kinh nghiệm tạo cho mình sự nhạy bén, thiết lập nhiều mối quan hệ và biết cách lường trước rủi ro. Quan trọng nhất là phải nghĩ đến đạo đức làm nghề", trưởng đại diện Hội môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực phía Nam nhận định.

Khánh Hoà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/thi-truong/khach-hang-gap-chuyen-sales-bat-dong-san-doi-sim-so-roi-lan-mat-tam-594068.html