Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khái niệm 'vừa là bạn vừa là đối thủ' của giới công nghệ

19/11/2018 10:48

Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, cho biết các nền tảng công nghệ thành công nhất thị trường thế giới hiện nay đều có 5 đặc tính chung.


Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG, cho biết các nền tảng công nghệ thành công nhất thị trường thế giới hiện nay đều có 5 đặc tính chung.

Trong giai đoạn 2011 – 2016, thế giới chứng kiến sự thay đổi lớn về vị trí thống trị của ngành dầu khí và ngành công nghệ. Năm 2011, top 5 công ty hàng đầu thế giới về giá trị thị trường chủ yếu thuộc nhóm dầu khí nhưng đến năm 2016, nhóm công nghệ dần chiếm ưu thế. Thậm chí, nếu xét riêng trong lĩnh vực công nghệ, có nhiều công ty 5 năm trước chưa xuất hiện trên thị trường nhưng đến năm 2018 lại nằm trong top 20 doanh nghiệp có giá trị thị trường lớn nhất thế giới.

Xét về nền tảng công nghệ tăng trưởng nhanh nhất, iCloud của Apple và Android là những nền tảng tăng trưởng nhanh nhất, nhóm tăng trưởng nhanh rồi chững lại là máy tính để bàn (PC), và nhóm tăng trưởng mạnh rồi thất bại là AOL, Netscape, Siemens,…

Ông Vũ Minh Trí, Phó Tổng giám đốc VNG. Ảnh: PV.

Tại diễn đàn Shark Tank Forum 2018, ông Trí chia sẻ, những nền tảng công nghệ tăng trưởng nhanh và tiếp tục thành công đều hướng tới đáp ứng nhu cầu phát triển hoặc giải quyết vấn đề chung của nhân loại. “Thứ nhất, họ tập trung vào khách hàng và nhu cầu của khách hàng. Hai là họ đáp ứng được xu thế về công nghệ. Nhiều doanh nghiệp chỉ thành công trong một giai đoạn nhất định vì không đáp ứng được xu thế phát triển của công nghệ”.

Hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp công nghệ như Facebook hay Google, đều thành công vì họ phát triển dựa trên nhu cầu tìm kiếm và kết nối với mọi người của khách hàng.

Một đặc tính khác mà các đế chế công nghệ đều có là khả năng tăng quy mô nhanh. Sự thất thế của các công ty dầu khí, như Exxon, Shell hay Total, trước doanh nghiệp công nghệ là do không có khả năng đi ra toàn cầu. Theo ông Trí, để quy mô tăng nhanh chóng, doanh nghiệp phải chuyển đổi thành doanh nghiệp điện tử, tận dụng được điện toán đám mây.

Nhìn lại lịch sử của Kodak, vốn là tập đoàn từng thành công với film, máy chụp ảnh và thuốc rửa film. Trong giai đoạn thành công, Kodak có giá trị trên 20 tỷ USD, và doanh thu trên 80 tỷ USD chủ yếu đến từ việc bán máy, film, thuốc rửa cho film. Là công ty đầu tiên phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số nhưng Kodak lại không phát triển sản phẩm này vì sợ ảnh hưởng đến công việc kinh doanh hiện tại.

Đến năm 2011, Instagram là một startup mới được thành lập chỉ với 12 nhân viên. Đây là nền tảng cho phép mọi người đăng hình lên sau khi chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số. Khảo sát cho thấy, số lượng người chụp ảnh đăng lên Instagram trong 1 năm nhiều hơn gấp 10 lần so với số hình được chụp và rửa ra của Kodak trong thời điểm đỉnh cao. Nguyên nhân là, đến thời điểm hiện tại, máy chụp hình gần như miễn phí với những ai có điện thoại thông minh. Kết quả là Kodak gần như thất thu. Chính vì không chuyển đổi số thành công nên Kodak tuyên bố phá sản vào năm 2012, trong khi Instagram nổi tiếng hơn nhờ thương vụ sáp nhập vào Facebook.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ có xu hướng “mở” với hệ sinh thái. Điều này có thể thấy rõ từ sự thất bại của phần lớn thương hiệu điện thoại từng thành công trước năm 2008 như Nokia, Motorola hay Sony Ericson. Khi đó, hơn 99% điện thoại đều sử dụng hệ điều hành Siemens. Tuy nhiên, vì quá đóng nên hệ điều hành này đã thất bại hoàn toàn trước Android và iOS.

Năm 2008, khi chiếc iPhone đầu tiên ra đời, Apple đã tặng iPhone cho các nhà lập trình phần mềm, đồng thời khuyến khích họ phát triển ứng dụng trên nền tảng iOS để có thể kiếm tiền từ đó. Trong khi đó, để phát triển 1 ứng dụng trên hệ điều hành Siemens, lập trình viên phải tốn 2000 USD vào thời điểm đó và phải xin công cụ phát triển từ tập đoàn. Khác với Siemens, Apple đã kêu gọi mọi người cùng đóng góp để xây dựng hệ điều hành iOS thành công như hiện nay.

Ông Trí cho biết, một khái niệm mới mà được giới công nghệ hiện nay áp dụng nhiều là frenemy, vừa là bạn bè vừa là đối thủ. Câu chuyện frenemy nổi tiếng hiện nay là Qualcomm, một tập đoàn chuyên về băng thông không dây tốc độ cao. Thay vì giữ công nghệ cho riêng mình như Siemens, Qualcomm quyết định đưa công nghệ cho các nhà phát triển khác cùng sử dụng, từ đó phát triển chip cho mạng 3G, 4G. Hiện nay, một trong những frenemy lớn của Qualcomm là Samsung. Bởi, tập đoàn Hàn Quốc này cũng đang sản xuất chip cạnh tranh với chip Snapdragon của Qualcomm, nhưng đồng thời, họ sẽ trả tiền bản quyền cho Qualcomm khi bán được chip.

Nói cách khác, các công ty công nghệ thành công sẽ vừa đối chọi vừa hợp tác với nhau để phát triển.

Một yếu tố quan trọng khác dẫn tới sự thành công của lĩnh vực công nghệ hiện nay là họ biết lựa chọn những cái tốt nhất tại những nơi tốt nhất. Một ví dụ điển hình là Apple. iPhone là 1 trong những sản phẩm thành công nhất của Táo Khuyết. Nhìn vào quá trình sản xuất, mỗi chiếc iPhone đều được thiết kế ở Mỹ, được sản xuất và lắp ráp ở nơi có giá sản xuất thấp nhất nhưng có chất lượng tốt nhất (như Trung Quốc). Trong khi đó, Apple đang tập trung hướng tới thị trường tiêu thụ ở châu Á vì sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và dân số lớn.

Ngoài ra, việc phát triển những sản phẩm mới, mang tính đột phá cũng là yếu tố giúp làm nên sự thành công của các đế chế công nghệ hiện nay, ông Trí cho hay.

Theo NDH