Không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp và các kiến trúc cổ, núi Võ Đang còn được nhiều người biết đến thông qua các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung.
Nằm ở phía Nam thành phố Thập Yển, Tây Bắc của tỉnh Hồ Bắc, núi Võ Đang là một ngọn núi thiêng nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Ngọn núi này là một vùng đất thánh của Đạo giáo, nơi khai sinh môn võ Thái Cực quyền được cả thế giới biết đến của Trung Hoa. Ngọn núi kỳ vĩ và tuyệt đẹp này cũng thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm kiếm hiệp nổi tiếng của "vua" truyện chưởng Kim Dung.
Đạo giáo ở núi Võ Đang bắt đầu từ đời Chu do Doãn Hy mở. Theo truyền thuyết, Doãn Hy về ở ẩn tại Võ Đang sơn dưới chân vách đá Tam Thiên Môn.
Đời Hán có Mã Minh Sinh, Âm Trường Sinh hai thầy trò cùng đến tu đạo ở núi Võ Đang, từ đó trở đi nhiều bậc danh sĩ đã đến tu đạo tại đây.
Đạo giáo ở núi Võ Đang thịnh vượng nhất vào thời Minh. Việc này có quan hệ trực tiếp đến việc Yên vương Chu Đệ - người sau này trở thành hoàng đế thứ ba của nhà Minh - đã có sự hỗ trợ tinh thần từ các đạo sư nơi đây.
Sau khi giành ngôi, vào năm 1412, Minh Thành Tổ Chu Đệ lệnh cho xây dựng một hệ thống cung quán lớn ở núi Võ Đang, dùng đến rất nhiều lương tiền trong kho nhà nước, trưng dụng quân dân hơn 30 vạn người kéo dài 11 năm.
Sang đến đời Thanh, đạo Giáo vẫn được coi trọng, và các công trình trên núi Võ Đang tiếp tục được củng cố và mở rộng.
Ngày nay, quần thể công trình cổ của núi Võ Đang vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Đoạn đường dài 70 km từ chân núi đến đỉnh núi có đến 32 đền thờ Đạo Giáo chủ yếu được xây dựng theo lối kiến trúc thời nhà Nguyên, Minh, Thanh.
Vẻ thâm trầm của các công trình cổ đôn tôn lên bội phần nhờ khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, u tịnh, không gợn chút bụi trần.
Không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp và các kiến trúc cổ, núi Võ Đang còn được nhiều người biết đến thông qua các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung.
Năm 1994, ngọn núi này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Theo Kiến thức