'Khéo' dùng tiền như Vinamilk

21/05/2020 01:17

Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã CK: VNM) còn ghi nhận nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ tiền gửi ngân hàng với mức lãi suất cao hơn cả chi phí huy động từ các nhà băng.

Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã CK: VNM) còn ghi nhận nguồn thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ tiền gửi ngân hàng với mức lãi suất cao hơn cả chi phí huy động từ các nhà băng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Vinamilk)

Trên Báo cáo tài chính Q1/2020, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã CK: VNM) ghi nhận tổng cộng 6.270 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn.

Trong đó, VNM ghi nhận 2 khoản vay lớn bằng đồng USD mà không có tài sản bảo đảm. Cụ thể, VNM vay gần 3.360 tỷ đồng từ Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ với lãi suất chỉ từ 1,41%/năm – 2,36%/năm; vay 2.321 tỷ đồng từ Sumitomo Mitsui Banking Corporation với lãi suất 2,7%/năm.

Bên cạnh đó, VNM còn vay 142,7 tỷ đồng (bằng USD) từ Ngân hàng HSBC Hoa Kỳ, lãi suất 2,46%/năm.

Nếu tính thêm cả biến động tỷ giá VND/USD từ 1-2% trong những năm gần đây, mức lãi suất mà VNM thực trả cho các khoản vay ngoại tệ kể trên cũng chỉ quanh mức 5 – 6%/năm.

Đối với các khoản vay ngắn hạn bằng đồng nội tệ, lãi suất mà VNM phải trả cho các nhà băng cũng chỉ từ 4,9 – 6,5%/năm.

Ở chiều hướng ngược lại, hoạt động kinh doanh cốt lõi đem về cho VNM hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và doanh nghiệp này cũng rất biết cách tận dụng. Trên BCTC HN Quý 1/2020, VNM ghi nhận 14.370 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng tại các ngân hàng.

Đáng chú ý, số tiền gửi này được hưởng lãi suất từ 7,1%/năm đến 8,65%/năm, cao hơn hẳn lãi suất mà VNM đi vay từ các nhà băng.

Theo tính toán của VietTimes, chỉ riêng trong Quý 1/2020, nguồn thu nhập lãi thuần (Lãi tiền gửi – Chi phí lãi vay) của VNM đã đạt 213 tỷ đồng, bằng 1/3 so với cả năm 2019.

Trong năm 2017, hoạt động này mang về 714 tỷ đồng cho VNM và khoảng 615 tỷ đồng mỗi năm cho các năm 2018 và 2019.

Tiền gửi và vay ngân hàng của VNM giai đoạn 2017 - Q1/2020

Có thể thấy, với vị thế dẫn đầu trong ngành sữa và nguồn tiền dồi dào từ hoạt động cốt lõi, VNM có thể nhẹ nhàng kiếm được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ tối ưu hóa được các chi phí lãi vay, đồng thời tận dụng được nguồn tiền nhàn rỗi.

Tất nhiên, khoản thu nhập này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ bên cạnh nguồn thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của VNM các năm qua.

Năm 2020, VNM lên kế hoạch doanh thu không thấp hơn 62.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu không thấp hơn 20%, tương đương 12.400 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này sẽ tiếp tục M&A với các công ty sữa tại các quốc gia khác để mở rộng thị phần, đồng thời khai thác thêm thị trường nội địa.

Huy Bình

Theo VietTimes

Bạn đang đọc bài viết "'Khéo' dùng tiền như Vinamilk" tại chuyên mục Chuyện thương trường.