Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khi cán bộ 'trả ghế' để đi xuất khẩu lao động

05/04/2019 15:21

Tại một số tỉnh miền Trung, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan nhà nước đã bỏ việc để đi làm việc khác bên ngoài; một bộ phận khác chọn con đường xuất khẩu lao động ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Tại một số tỉnh miền Trung, thời gian gần đây, có nhiều trường hợp cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan nhà nước đã bỏ việc để đi làm việc khác bên ngoài; một bộ phận khác chọn con đường xuất khẩu lao động ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Tháng 1-2019, người dân xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh xôn xao trước thông tin ông Dương Văn Quyền, đương kim Phó Chủ tịch UBND xã này bỗng dưng viết đơn nghỉ việc. Điều khiến người dân và đồng nghiệp ngạc nhiên, là ông Quyền là cán bộ đảng viên, suốt 14 năm công tác tại đây, luôn được đánh giá là người công bộc cần mẫn, chưa từng có điều gì khiến nhân dân buồn lòng.

Rủ nhau đi xuất khẩu lao động

Chia sẻ về lý do nghỉ việc, cựu Phó Chủ tịch xã cho biết, ông rất yêu công việc hiện tại, song vì hoàn cảnh gia đình, vợ đang là giáo viên hợp đồng, các con còn nhỏ dại nên sau khi tham vấn tại một công ty môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ), ông đã quyết định xin nghỉ việc để sang Cộng hòa liên bang Đức làm việc.

Phó Chủ tịch xã Dương Văn Quyền (thứ 2 từ phải sang) chọn con đường XKLĐ sau 14 năm làm công chức.

Tại xã này, trước đó, vào khoảng giữa năm 2018, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó trưởng Công an xã Kỳ Hợp cũng xin nghỉ việc để xin vào làm nhân viên của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Được biết, trên địa bàn huyện Kỳ Anh thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp cán bộ, công chức đã nộp đơn xin nghỉ việc."Đó là một quyết định rất khó khăn, tôi xin nghỉ việc không phải vì chê lương thấp. Vì điều kiện, hoàn cảnh riêng, với địa vị là người chồng, người cha trong gia đình nên tôi quyết định xin nghỉ việc để đi XKLĐ", ông Quyền bộc bạch.

Ông Nguyễn Anh Hoan, Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Anh cho biết thêm, cùng thời điểm với ông Quyền, còn có 2 trường hợp khác xin nghỉ việc là bà Lê Thị Phượng, Phó Bí thư UBND xã Kỳ Tiến và ông Nguyễn Văn Tiến, Cán bộ văn phòng thống kê UBND xã Kỳ Tiến. Ngoài ra, tháng 10-2018, ông Nguyễn Lương Nam, Trưởng Công an xã Kỳ Tây cũng đã xin nghỉ việc. Ngoài Trưởng Công an, tại xã Kỳ Tây còn có 3 cán bộ bán chuyên trách, hưởng lương 1,5 triệu từ ngân sách xã cũng xin nghỉ vì chế độ lương không đủ trang trải và điều kiện gia đình.

Nửa đầu năm 2018, xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) cũng trống ghế Trưởng Công an xã vì ông Lê Anh Thắng, Trưởng Công an xã này đã xin nghỉ việc để đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Đây là địa phương có chùa Hương Tích nổi tiếng, đầu năm du khách thập phương vãn cảnh chùa rất đông nên cực chẳng đã, tìm không ra người thay thế, một vị Phó Chủ tịch UBND xã này buộc phải kiêm nhiệm.

Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Võ Nhân Nông cho biết, trước đó không lâu, Phó Trưởng Công an xã Võ Minh Quân, mặc dù đã được cử đi học và nằm trong kế hoạch tạo nguồn của xã, nhưng cũng xin nghỉ đi nước ngoài làm kinh tế. Ngoài ra, xã Thiên Lộc còn có 2 cán bộ công chức khác rời nhiệm sở để ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đổi đời. Thậm chí, tại xã này, không chỉ cán bộ xã mà nhiều cán bộ chủ chốt ở thôn, xóm cũng "khăn gói" xuất ngoại để tìm kiếm việc làm.

Trưởng Công an xã Trần Hữu Thành xin nghỉ để đi lái xe đầu kéo container.

"Châm ngòi" cho phong trào cán bộ, công chức nghỉ việc cơ quan nhà nước để làm việc bên ngoài trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có lẽ là trường hợp của ông Trần Hữu Thành, Trưởng Công an xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.Ông này đã xin nghỉ việc từ năm 2017, mục đích ban đầu là để sang Hàn Quốc làm việc, song do hoàn cảnh gia đình nên anh này đã quyết định gia nhập tập đoàn vận tải cho một công ty tại tỉnh Quảng Bình, lái xe container vì bản thân anh có giấy phép lái xe hạng FC. Sau gần 2 năm gắn bó với công việc mới, ông Thành cho biết hài lòng với lựa chọn của mình. Với thu nhập hiện tại gần 15 triệu đồng mỗi tháng, ông đủ trang trải cuộc sống gia đình

.Tìm hướng đi riêng

Tại Nghệ An, câu chuyện về những cán bộ công chức bỏ biên chế cũng không phải là điều mới mẻ. Năm 2013, Trưởng phòng Văn hóa thông tin TP Vinh Bùi Nam Hậu nộp đơn xin nghỉ việc khiến cho bao người xôn xao, bàn tán.

Đam mê kinh doanh, Hậu xin nghỉ công chức để bắt tay vào những dự định mà bản thân ấp ủ. Sau vài lần thất bại với số tiền hàng tỷ đồng, đến nay bản thân anh đã có trong tay cả một cơ ngơi với 2 quán cà phê, khách sạn 3 sao kiêm vũ trường, nhà hàng, câu lạc bộ bi-a... với hàng chục nhân viên hoạt động có hiệu quả.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Văn Diện, Phó khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng quyết định nộp đơn xin nghỉ việc cách đây 2 năm, dù lúc bấy giờ thu nhập hằng tháng của anh là hơn 6 triệu đồng.

Sau khi rời cơ quan nhà nước, anh Diện đã lập phòng khám tư trên địa bàn huyện Diễn Châu, đến nay hoạt động rất hiệu quả với hơn 10 nhân viên. Tháng 9-2017, Lô Thị Tố Tâm (SN 1987), công chức văn hóa xã hội của xã Châu Thôn, huyện Quế Phong (Nghệ An) viết đơn xin nghỉ việc, từ bỏ việc nhà nước để trở về kinh doanh, bán hàng online qua mạng xã hội.

Hơn một năm nay, ông Lê Chư Hùng, Trưởng Công an xã Nam Thái, huyện Nam Đàn (Nghệ An) phải chật vật một mình "hai vai", kiêm nhiệm luôn chức danh Phó Trưởng Công an xã vì trước đó, vào đầu năm 2018, đồng chí Phó Trưởng Công an xã này đã nộp đơn xin nghỉ việc để đi XKLĐ. Cũng không riêng gì xã này, trên địa bàn huyện Nam Đàn hiện nay cũng có nhiều cán bộ, viên chức xin nghỉ việc để làm việc ở bên ngoài.

Ông Trần Huy Liệu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết: Thực trạng cán bộ, công chức tại Hà Tĩnh bỏ việc đi XKLĐ đã diễn ra từ vài năm nay. Không chỉ cán bộ cấp xã, mà một số cán bộ, chuyên viên ở cấp huyện, cấp tỉnh cũng xin nghỉ việc để mưu sinh bằng con đường này.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo ông Liệu là một số người muốn có một môi trường làm việc với thu nhập tương xứng hơn so với công sức mình bỏ ra.

Bên cạnh đó, gần đây cũng như các địa phương khác trong cả nước, Hà Tĩnh đang thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, cùng với đó, Bộ Công an đang triển khai việc chính quy hóa lực lượng, đưa Công an chính quy đảm bảo các chức danh Trưởng, Phó Công an xã cũng là nguyên nhân dẫn đến không ít cán bộ, công chức, trong đó chủ yếu là Trưởng và Phó Trưởng Công an cấp xã quyết định rời ghế công chức để đi XKLĐ.

Câu chuyện của anh Nguyễn Viết Việt (SN 1983), đã dứt áo ra đi khỏi Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An sau hơn 9 năm gắn bó và cống hiến là một ví dụ. Tốt nghiệp loại giỏi của Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, sau khi hoàn thành khóa đào tạo học bổng thạc sĩ tại Israel, anh về Nghệ An công tác theo diện thu hút nhân tài, được bố trí công việc ngay với lời hứa sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng. Sau nhiều năm công tác, anh Việt vẫn không được vào biên chế mà chỉ thuộc diện lao động "hợp đồng thu hút", dù có trình độ chuyên môn cao, có bằng Cử nhân tiếng Anh, đã hoàn thành lý luận cao cấp chính trị và được quy hoạch chức vụ Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An. Bỏ biên chế, hiện nay anh Việt đang làm việc cho một công ty bảo hiểm nước ngoài, thu nhập mỗi tháng cũng gần bằng lương cả 1 năm công tác tại Chi cục Lâm nghiệp.

Thiện Thành (Cstc.CAND)

Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết "Khi cán bộ 'trả ghế' để đi xuất khẩu lao động" tại chuyên mục Tiêu điểm.