Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khi được hỏi "anh có dám bán nhà để theo đuổi giấc mơ", đây là câu trả lời của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến

02/04/2019 21:22

Vốn là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của dự án khởi nghiệp. Có nhiều startup có ý tưởng hay nhưng khó khăn về tài chính khiến họ sớm phải dừng bước. Trong chương trình Quốc gia khởi nghiệp ngày 29/3 mới đây, câu chuyện vốn của startup được đặt ra với nhà sáng lập ứng dụng giáo dục Monkey Junior Đào Xuân Hoàng và Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến.

Chuyện bán nhà để khởi nghiệp của startup Việt

Để có tiền nuôi dưỡng và phát triển công ty, các nhà sáng lập có thể huy động vốn từ người thân, bạn bè, các quỹ đầu tư, vay ngân hàng, hay thậm chí là rao bán nhà. Chuyện bán nhà khởi nghiệp không phải là hiếm trong làng khởi nghiệp Việt Nam.

"Xuất phát từ năm 2011, khi con gái đầu lòng ra đời và lần đầu làm bố, tôi rất bỡ ngỡ. Tôi bắt đầu tìm hiểu về các chương trình giáo dục trẻ em. Cách các em bé học như nào, cách dạy dỗ ra sao. Và vô tình tôi đam mê giáo dục sớm. Tình cờ phát hiện ra nhu cầu rất cao của phụ huynh về giáo dục tiếng Anh. Năm 2014 tôi quyết định tách khỏi công ty đã hợp tác với các bạn để toàn tâm toàn ý với Monkey Junior", nhà sáng lập công ty Early Start - đơn vị tạo ra ứng dụng Monkey Junior chia sẻ.

Khi được hỏi anh có dám bán nhà để theo đuổi giấc mơ, đây là câu trả lời của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến  - Ảnh 1.

Nhà sáng lập ra Monkey Junior Đào Xuân Hoàng.

Sau nhiều lần đập đi xây lại, năm 2016 ứng dụng giáo dục Monkey Junior dù được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng người sáng lập Đào Xuân Hoàng vẫn rao bán nhà để tự phát triển dự án. Trước đó, anh từng tiêu tốn 10 tỷ đồng cho "đứa con tinh thần" này.

Hiểu rõ đó là quyết định liều lĩnh, "được ăn cả, ngã về không", nhưng theo anh Hoàng nó sẽ có tác dụng kích thích bản thân anh và các thành viên khác trong nhóm. Thậm chí, vợ anh Hoàng đã giận và không nói chuyện với anh trong 2 ngày nhưng anh vẫn quyết tâm thành lập công ty vì tin vào khả năng thành công của mình.

Một startup khác cũng từng bán nhà là Triip.me. Sau khi tốt nghiệp ra trường, Lâm Thị Thúy Hà làm việc tại CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) về 1 dự án du lịch 5 năm. Vốn đam mê du lịch cùng với nền tảng công nghệ của chồng, Lâm Thị Thúy Hà quyết định nghỉ việc PNJ sau khi sinh em bé thứ hai được 6 tháng để bắt tay vào Triip.me vào năm 2013.

Với nền tảng  công nghệ cùng với vốn kiến thức, kinh nghiệm của về du lịch, Hà nghĩ rằng có thể dễ dàng gọi vốn. Tuy nhiên thời điểm ra mắt sản phẩm Triip.me, mô hình du lịch này chưa nhiều người biết đến, nhiều người chưa quen với nền kinh tế chia sẻ. Khái niệm dùng  1 ứng dụng có thể kết nối người dân địa phương để khi đến được phục vụ khi đi du lịch nước ngoài vẫn còn mới mẻ với người Việt Nam. Triip.me thất bại khi gọi vốn tại Việt Nam và một số nhà đầu tư nước ngoài khác.

"Lúc đó tôi và ông xã quyết định bán nhà, nghỉ việc PNJ dồn hết tâm sức cho mô hình này", Hà nhớ lại quyết định dũng cảm của mình. Theo cô, tại thời điểm này các đối thủ cạnh tranh mô hình này đến từ Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ có tốc độ phát triển thấp hơn Triip.me và cô không muốn bỏ lỡ cơ hội. Chỉ trong 6 tháng, Triip.me phát triển ở 21 quốc gia và bao phủ hết các nước Đông Nam Á.

Ngay sau thời điểm bán nhà và những nhà sáng lập quyết tâm xây dựng nên công ty thì nhà đầu tư thiên thần đầu tiên đến từ Singapore quyết định bỏ vốn vào. Sau đó 6 tháng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch châu Á Thái Bình Dương quyết định trở thành nhà đầu tư thứ 2. Hai nhà đầu tư này giúp Triip.me vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu.

Tiền không hề thiếu!

"Nếu anh Tiến ở trong trường hợp các startup phải lựa chọn việc bán nhà và theo đuổi giấc mơ thì anh có dám bán nhà không?", người dẫn chương trình đặt câu hỏi với Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến.

Ông Tiến hài hước trả lời: "Tôi vẫn thấy các bạn bán nhà mà. Tôi được cái không có nhà để bán thôi thành ra vì thế tôi không làm được startup. Tôi khẳng định một điều tiền không thiếu, vô số các quỹ, các cá nhân sẵn sàng chi tiền.

Câu hỏi ngược lại thực sự ý tưởng của các startup có thực sự khác biệt hay không. Các ý tưởng khác biệt đấy có thực sự hữu dụng hay không? Tất nhiên sẽ có câu hỏi đánh giá như thế nào. Nhưng ít nhất phải thách thức bản thân, những ý tưởng mình rất tâm huyết có thực sự khác biệt không hay người ta làm sẵn rồi, mình nghe đâu đấy. Tiếp đến nữa là ý tưởng đấy có hữu dụng hay không?"

Đồng quan điểm với ông Tiến, shark Phạm Thanh Hưng cũng từng khẳng định "Tiền bao giờ cũng cần nhưng rõ ràng không phải là tất cả. Nếu ý tưởng của bạn tốt thì việc có tiền là rất dễ".

Khi được hỏi anh có dám bán nhà để theo đuổi giấc mơ, đây là câu trả lời của Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến  - Ảnh 2.

Theo vị doanh nhân này, các startup thường sợ mất ý tưởng tuy nhiên thực tế càng chia sẻ ý tưởng sẽ càng hoàn thiện. Người bạn có thể chia sẻ ý tưởng có thể là bạn thân hay người thân của mình. Ngoài ra việc đóng gói và hoàn thiện ý tưởng rất quan trọng. Ý tưởng đó có thể bắt nguồn từ giải bài toán gì đó trong xã hội hay xuất phát từ chính bản thân mình hoặc có thể là bắt chước từ người khác.

Bước thứ 2 theo phó chủ tịch CenGroup là xây dựng kế hoạch, mặc dù nó có thể rất sơ khai. "Kế hoạch của bạn bắt đầu từ cái tiềm năng của mình hiện có bao nhiêu tiền, bạn có bao nhiêu thời gian, bạn có năng lực gì, bạn có đam mê gì, bạn có ai sẵn sàng làm cùng mình hay không?", shark Hưng liệt kê ra sơ bộ một vài thứ then chốt cần có trong bản kế hoạch.

Bước tiếp theo được shark Hưng nhấn mạnh là phải hành động. Tất cả những khâu chuẩn bị trên chỉ nên trong vòng 1 vài tháng, làm luôn, còn không để quá muộn thì không có cơ hội để điều chỉnh lại nếu kế hoạch sai.

Theo Trí Thức Trẻ