Điều gì đã làm ông Trần Văn Tiệp bỏ gần cả cuộc đời và hàng ngàn cây vàng truy tìm kho báu này trong vô vọng? PLO xin giới thiệu toàn bộ tư liệu mà PV Phương Nam trên con đường theo sát “kho báu” này hàng chục năm qua thu thập được.
Hơn 60 năm trôi qua từ khi Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, kết thúc Thế chiến thứ II nhưng những cuộc tìm kiếm cái gọi là “Kho báu Yamashita” vẫn được rất nhiều người quan tâm và sẵn sàng đổ công sức theo đuổi trong vô vọng.
Hàng trăm địa điểm nghi là kho báu từ Philippines, Indonesia, Singapore… bị lén lút, hoặc công khai đào bới. Tại Việt Nam cũng không ngọai lệ. Núi Tàu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận bị băm nát để tìm kiếm kho báu.
Hai người đàn ông, một là cha của tổng giám đốc một ngân hàng lớn ở TPHCM; một nguyên là Bí thư Tỉnh ủy, cán bộ cao cấp của Ban Nội chính Trung ương đã bỏ ra hàng chục năm trời, hàng tỷ đồng vẫn khẳng định chuyện tìm được nắp hầm “Kho báu Yamashita” chỉ là vấn đề thời gian.
Kho báu bí ẩn
Tháng 8-1945, khi tướng Tomoyuki Yamashita của Nhật đầu hàng quân Đồng minh thì những đồn thổi về kho báu mang tên viên tướng này xuất hiện khắp nơi.
Người ta cho rằng sau khi đánh bại Anh ở Malaysia và Singapore, Yamashita đã cướp bóc ở các nước ở Đông Á và Đông Nam Á một khối lượng vàng cực kỳ lớn, trị giá hàng tỷ USD. Ngoài ra, Yamashita còn vơ vét hàng đống kim cương, cổ vật, những tượng phật bằng vàng ròng nặng hàng tấn tại các đền chùa, ngân hàng, viện bảo tàng ở các nước Châu Á mà Nhật chiếm đóng
Để đảm bảo an toàn cho số tài sản khổng lồ này, Yamashita cho vận chuyển đến Philippines , Singapore, Indonesia…chia ra nhiều địa điểm để cất giấu. Phần lớn trong số đó được Yamashita cùng thuộc hạ vận chuyển bằng tàu biển về Nhật.
Tuy nhiên, do bị máy bay quân Đồng Minh oanh kích nên số tàu chở báu vật được lệnh di chuyển vào một địa điểm bí mật ở ven biển Nam Trung bộ Việt Nam, nơi quân Nhật đang chiếm đóng để chôn giấu trên một ngọn đồi. Sau đó toàn bộ số tàu tham gia vận chuyển đều bị đánh đắm ở ven Biển Đông.
Toàn bộ nhân công người bản xứ, thậm chí những đốc công người Việt và người Nhật tham gia chôn giấu kho báu đều bị thủ tiêu sau khi lấp miệng hầm. Bí mật của kho báu được giữ kín và chỉ có tướng Yamashita cùng một vài sĩ quan cao cấp trong quân đội Phát xít Nhật nắm giữ.
Tấm bản đồ bị đánh cắp
Nơi chôn giấu số tài sản khổng lồ của tướng Yamashita lúc đó đã được nhiều người cất công tìm hiểu. Trong đó có ông Trần Văn Tiệp hiện đang sống tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM.
Ông Tiệp là một đại gia có máu mặt trong giới buôn gỗ lúc bấy giờ tại các tỉnh Buôn Mê Thuột, Sông Bé, Bình Tuy…
Năm 1970, báo chí Sài Gòn liên tục đưa tin về việc Thượng nghị sĩ Hoàng Kim Quy xin phép chính quyền Sài Gòn đi công cán “thăm dò kim lọai quý” tại một số tỉnh trung phần, trong đó có Bình Thuận. Năm 1971, một trực thăng dân sự của Mỹ đáp xuống đỉnh núi Tàu thuộc huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Các chuyên gia người Mỹ đã thuê nhân công đúc một tấm bê tông tại đây, như là để đánh dấu. Một trung đội lính Bảo an ở Bình Thuận nhận được lệnh bảo vệ cho chuyến khảo sát trên. Tất nhiên những dữ liệu này đều được ông Tiệp lưu ý.
Điều đáng nói là trước đó qua làm ăn tại Bình Tuy, ông Tiệp quen với ông Lê Văn Bường, Tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận). Tháng 11/1963, khi anh em nhà Ngô Đình Diệm bị giết thì ông Bường bỗng biến mất, bỏ lại toàn bộ tài sản.
Dù chỉ là tỉnh trưởng một tỉnh nhỏ, ông Bường vẫn bị phe đảo chính truy nã gắt gao. Đích thân đại tướng chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh giao trách nhiệm cho tướng Đỗ Cao Trí truy lùng ông Bường. Lý do của hành động này là do ông Bường bị nghi ngờ đang nắm giữ bản đồ và bí mật kho báu Yamashita mà anh em Diệm, Nhu đã mua lại của một người Nhật và giao cho ông Bường giữ.
Năm 1973, ông Tiệp tình cờ gặp lại ông Bường tại Gia Định, lúc này đã mang một cái tên khác. Mang ơn cứu giúp của ông Tiệp, ông Bường đã kể ra mọi bí mật về kho báu Yamashita tại núi Tàu. Riêng tấm bản đồ kho báu, ông Bường cho biết Tỉnh phó Nội an tỉnh Bình Tuy Lê Văn Sĩ đã chiếm đoạt khi nghe tin đảo chính.
Cũng trong năm 1973, ông Bường bất ngờ đột tử. Dù không tìm được chứng cứ nhưng ông Tiệp vẫn cho là cái chết của ông Bường có liên quan đến kho báu.
Người theo đuổi kho báu không mệt mỏi
Ông Tiệp năm nay đã 99 tuổi. Trước năm 1945, ông làm thợ mộc và lái xe tại Sông Bé, Sài Gòn. Sau 1945, ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Sài Gòn-Gia Định và từng bị bắt. Năm 1968, ông chuyển sang nghề xay đá tại Tuyên Đức và từ 1971-1975 về làm trang trại tại Bình Tuy. Sau giải phóng, ông làm tài xế tại Nông trường Quốc doanh cao su Dầu Tiếng. Thuyên chuyển nhiều nơi, đến năm 1986, ông hợp đồng với Quân khu 7 làm kinh tế, chủ yếu là tìm kiếm các kho vũ khí của Nhật tại Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận.
Năm 1990, ông gửi nhiều báo cáo đến các cấp chính quyền về các kho báu tại Bình Giã (Bà Rịa-Vũng Tàu); núi Tàu (Bình Thuận). Ông đã đích thân đến núi Tàu để khảo sát thăm dò.
Năm 1992, ông gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận xin phép khai quật kho báu. Sau nhiều cuộc họp và căn cứ trên các chỉ đạo của chính quyền các cấp, ông Tiệp chính thức thuê máy móc thăm dò; xác định vị trí khai thác, đền bù nhà cửa hoa màu của dân; phân chia tỷ lệ tài sản thu được và hợp đồng bảo vệ….Tháng 10-1993, ông tổ chức đào bới, san ủi trên ngọn núi Tàu để tìm kiếm “Kho báu Yamashita” dưới sự hướng dẫn của Viện Khoa học và Xã hội TPHCM.