LTS: Những linh kiện điện thoại trôi nổi, không rõ xuất xứ hoặc được gắn nhãn mác Trung Quốc được bày bán nhiều nơi, kèm theo đó là những nguy hiểm luôn rình rập có thể dẫn đến tai họa khó lường đối với người sử dụng bất kỳ lúc nào. Nhóm phóng viên Ngày Nay đã vào cuộc để tìm hiểu và phát hiện ra không ít bí mật…
Bài 1: Lần theo những tai nạn kinh hoàng…
Thời gian qua, những vụ tai nạn thương tâm liên quan đến điện thoại phát nổ liên tục diễn ra, khiến dư luận hoang mang, sợ hãi. Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên, có rất nhiều nguyên nhân khi một chiếc điện thoại đang dùng bình thường bỗng dưng phát nổ. Trong đó, đa phần đều dính dáng đến các linh kiện trôi nổi, linh kiện có nhãn mác Trung Quốc hoặc không rõ xuất xứ.
Tử vong vì sạc điện thoại phát nổ
Tháng 10/2019, Phạm Thế Tài (18 tuổi, trú tại xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng) khi đang sạc pin (có xuất xứ từ Trung Quốc) đã bị cháy, nổ củ sạc, dẫn đến rò rỉ trực tiếp dòng điện 220V. Anh Tài bị cháy sém phần ngực trái và hai tay, sau đó rơi từ trên võng xuống nền nhà và tử vong tại chỗ.
Trước đó 4 ngày, UBND xã Hành Tín Đông (huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cho biết trên địa bàn xã đã xảy ra vụ nổ điện thoại làm một người chết. Nạn nhân là ông Lê Văn Giang (SN 1993). Ông Giang chết khi đang nằm trên giường ngủ, bên cạnh chiếc điện thoại bị nổ, cháy đen phần khung. Qua khám nghiệm, lực lượng chức năng nhận định nạn nhân tử vong do điện thoại phát nổ khi vừa sử dụng điện thoại vừa sạc pin. Được biết, điện thoại và củ sạc nạn nhân sử dụng cũng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Ngày 10/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho biết đang điều trị cho bệnh nhân N.H.Y. (SN 1994, trú xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị), bị bỏng nặng 30%. Trước đó, vào tối 7/9, Y. vừa sạc điện thoại vừa chơi game thì điện thoại phát nổ khiến Y. bị nát bàn tay trái, mặt bỏng nặng. Sau khi điện thoại nổ gây bỏng, Y. hoảng hốt bỏ chạy vấp phải nước sôi gây bỏng thêm phần chân và lưng.
Điểm chung của những trường hợp này, đó là các nạn nhân đều sử dụng điện thoại hoặc các linh kiện có nguồn gốc không rõ ràng, gắn nhãn mác Trung Quốc để rồi gặp phải nhưng tai nạn vô cùng thương tâm.
Nơi “phát tán” những linh kiện gây cháy nổ?
Nhóm phóng viên đã cất công điều tra suốt nhiều tháng trời, và ghi nhận tại TP.HCM có vô số nơi bày bán các linh kiện điện thoại không rõ nguồn gốc. Từ công khai ở vỉa hè cho đến những cửa hàng, cơ sở bán qui mô hoành tráng hơn.
Theo tìm hiểu của nhóm phóng viên, một trong những nạn nhân gặp tai nạn thương tâm, bị sạc điện thoại nổ gây tử vong, đã từng được người thân mua củ sạc Trung Quốc ở điểm chuyên cung cấp sỉ và lẻ linh kiện điện thoại H.D ở đường Ngô Quyền (P.6, Q.5, TP.HCM) đem về tặng. Sử dụng được khoảng một tuần thì xảy ra tai nạn thương vong.
Trường hợp khác thì kể, đã từng đến H.K (đường Nguyễn Tri Phương, P.7, Q.5, TP.HCM) để mua sạc điện thoại, sau đó đem về sử dụng một thời gian thì gặp nạn.
Phóng viên đã tiếp cận hai địa chỉ này và phát hiện cả hai nơi đây giống như “thế giới linh kiện điện thoại”, “kho linh kiện điện thoại khổng lồ” khi bán đủ loại sản phẩm liên quan đến điện thoại, từ ốp lưng, pin, sạc, màn hình, cảm ứng, IC, micro, loa, dây nguồn, anten… Hỏi bất kỳ sản phẩm nào, đại diện cửa hàng H.D cũng trả lời: “Bên em có cả, sản phẩm nào cũng có, giá tiền nào cũng có, từ giá rẻ đến giá cao”. Tương tự, đại diện cửa hàng H.K cũng cho biết: “Anh chị muốn mua loại nào thì cứ liệt kê, bên em có đầy đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của anh chị”.
Tiếp tục thử hỏi: “Đâu là sản phẩm tốt hả em?”, nhân viên trả lời: “Dạ sản phẩm nào cũng tốt cả!”.
“Giá rẻ, mua gì cũng có!”
Anh Trần Quang hiện đang là chủ một tiệm điện thoại tại huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) cho biết, anh thường hay lấy hàng ở cửa hàng H.K “vì ở đây muốn mua linh kiện điện thoại gì cũng có, và đặc biệt là giá rất rẻ”.
Anh Lê Tú (Long An) cũng kể, mỗi tuần hai lần anh lên Sài Gòn để lấy hàng ở cửa hàng H.K đem về bán lại. Một trong những lý do khiến anh Tú “chuộng” hàng ở H.K dù ở Sài Gòn có nhiều nơi bán linh kiện điện thoại vì “nơi đây bán giá thấp hơn so với những địa chỉ khác”.
Phóng viên đã thử liên hệ đại diện cửa hàng H.K để mua cục pin điện thoại. Khi so sánh giá xác nhận những lời anh Tú hay anh Quang nói đúng là sự thật. Vì giá ở đây bán giảm hơn 50 ngàn đồng so với giá thị trường được bán ở những nơi khác.
Với sản phẩm khác là mặt kính “zin”, nếu như giá ở những điểm bán khác có giá gần 200 ngàn đồng thì giá mà nhân viên ở cửa hàng H.K đưa ra có mức chênh lệch gần 30 ngàn đồng.
Khi thử khảo sát ở nhiều sản phẩm khác nhau ở điểm chuyên cung cấp sỉ và lẻ linh kiện điện thoại H.D, cũng có kết quả tương tự, khi giá rẻ hơn nhiều so với mua ở nơi khác.
Một khảo sát nhỏ của phóng viên đối với 20 trường hợp khách hàng đã từng hoặc đang mua sản phẩm ở Hoàng Dung và Hoàng Kim đã cho ra kết quả rất bất ngờ: 20/20 ý kiến đều thừa nhận: “Những mặt hàng bán ở hai điểm bán này rất đa dạng, phong phú, và trên hết là giá rẻ. Nhờ vậy đã thu hút khách hàng rất nhiều”.
Được biết, không chỉ thu hút khách hàng, người dùng ở TP.HCM, mà những người ở các tỉnh lân cận như: Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương,… cũng tìm đến mua linh kiện điện thoại ở Hoàng Kim, Hoàng Dung, và cũng lý do “bán hàng giá rẻ”.
Vì sao những linh kiện tại đây lại có giá rẻ như vậy? Và những mặt hàng này liệu có được thụ hưởng chính sách bảo hành kỹ lưỡng hay không?...
Những vấn đề này sẽ được chuyển tải trong bài tiếp theo…
Bài 2: Vì sao hàng của Hoàng Kim, Hoàng Dung giá rẻ?
Nhóm phóng viên
Theo Ngày Nay