Mua nhà trả góp hình thành trong tương lai là xu hướng lựa chọn của nhiều người hiện nay, bởi người mua không phải thanh toán ngay một lần giá trị nhà mà trả dần từng đợt. Tuy nhiên, đã có không ít khách hàng rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.
Khóc... vì chủ đầu tư
Sau nhiều năm vào TP.HCM làm việc và đi thuê trọ, vợ chồng anh Phúc, quê ở Hà Tĩnh, quyết định dùng số tiền đã tiết kiệm và vay mượn thêm bạn bè, ngân hàng, để mua một căn hộ tại dự án chung cư Đại Thành, tọa lạc tại quận Tân Phú, do Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đại Thành (Công ty Đại Thành) làm chủ đầu tư.
Theo dự kiến, gia đình anh Phúc sẽ được nhận nhà vào năm 2012. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền của khách hàng thì Công ty Đại Thành lại không tiếp tục triển khai xây dựng, khiến dự án bị chậm tiến độ nhiều năm liền. Đến nay, dự án vẫn còn đang được xây dựng ngổn ngang, nhưng vì nhu cầu cấp bách nên anh và nhiều gia đình khác đã tự hoàn thiện căn hộ của mình rồi chuyển vào ở… bất chấp nguy hiểm rình rập.
“Do quá bức bách về chỗ ở nên tôi đành phải yêu cầu chủ đầu tư bàn giao căn hộ đang xây dựng dở dang để tự hoàn thiện. Bởi nếu chờ đến lúc chủ đầu tư xây hoàn thiện thì không biết đến bao giờ”, anh Phúc nói và cho biết thêm, anh chỉ bỏ tiền túi của mình ra để thuê đơn vị thi công cho căn hộ của mình để có thể ở tạm. Còn mọi thứ xung quanh như hệ thống điện, thang máy, chữa cháy… vẫn còn ngổn ngang, hoạt động chập chờn.
Tương tự, chị Thảo, chủ một căn hộ tại tầng 6, block 1 của chung cư Đại Thành chia sẻ, chị là người đứng tên ký hợp đồng mua căn hộ với chủ đầu tư, nhưng thật ra số tiền đó là vốn góp chung của 2 chị em và vay ngân hàng. Bởi với khoản lương nhân viên văn phòng của 2 chị em, gom góp, tiết kiệm chi tiêu, mỗi tháng cũng chỉ dành dụm được 5 - 6 triệu đồng. Như vậy, nếu cứ tiếp tục đi thuê nhà thì sẽ không có đủ khả năng để trả lãi ngân hàng.
“Công trình chưa được nghiệm thu, tiện ích không được đầu tư nên còn thiếu thốn…, nhưng chúng tôi vẫn buộc phải dọn vào ở. Mặc dù vẫn biết việc làm này là không đúng với quy định của pháp luật, nhưng cũng không còn cách nào khác”, chị Thảo nói.
Tưởng chừng việc phải sống bất hợp pháp trong chính căn nhà của mình đã bỏ tiền ra mua là điều tồi tệ, nhưng những khách hàng trên còn may mắn hơn hàng trăm khách hàng mua nhà tại chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức).
Dù đã đã đóng 80 - 90%, thậm chí là 100% giá trị hợp đồng để mua căn hộ tại dự án này, nhưng đến hẹn, các khách hàng mua nhà tại dự án Gia Phú không những không nhận được nhà mà còn phát hiện chủ đầu tư đã bán một căn hộ cùng lúc cho nhiều người. Khi bị cơ quan chức năng ra quyết định xử lý thì đại diện chủ đầu tư là ông Nguyễn Hùng Nghiêm, Phó tổng giám đốc Công ty Gia Phú đã bỏ trốn.
Hiện tại, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án này đang lo lắng, không biết ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm với số tiền họ đã bỏ ra. Bởi từ khi có lệnh truy nã lãnh đạo Công ty Gia Phú đến nay đã được hơn 1 năm, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Bà Phạm Minh Toàn, đại diện nhóm khách hàng mua nhà tại chung cư Gia Phú cho biết, việc cơ quan công an ra quyết định khởi tố vụ án, truy nã chủ đầu tư là một niềm an ủi với khách hàng sau quá trình nhiều năm liền đấu tranh đòi quyền lợi. Tuy nhiên, đằng sau quyết định này, khách hàng vẫn còn nhiều lo lắng.
Tương tự, bà Dung, một khách hàng khác than thở, bà bị chủ đầu tư lừa đến hai lần. Số tiền đó là thành quả của gần cả đời người tích cóp. Đã nhiều năm bà kiên trì theo kiện, nhưng chủ đầu tư thì bỏ trốn, trong khi cơ quan chức năng chậm giải quyết, nên bà luôn ở “thế khó”.
Vật lộn... với lãi vay
Không phải rơi vào tình cảnh éo le như các khách hàng ở hai dự án trên, nhưng vợ chồng chị Linh, phó giám đốc một công ty môi giới đất nền tại quận Thủ Đức, hiện đang sống tại chung cư The Art (quận 9) lại phải “vật lộn” với khoản tiền lãi ngân hàng mỗi tháng.
Chị Linh kể, khoảng giữa năm 2019, chị có tiết kiệm và vay mượn bạn bè được khoảng 700 triệu, nên quyết định vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng nữa để mua lại một căn hộ tại chung cư The Art.
Với tính toán ban đầu, mỗi tháng chị sẽ phải trả cả lãi lẫn gốc ngân hàng là khoảng 15 triệu đồng. Lúc đó công ty đang kinh doanh được nên không có gì là quá khó khăn. Thậm chí, sau khi trả lãi ngân hàng, chị vẫn có thể để ra được khoảng 5 - 6 triệu tiết kiệm.
Tuy nhiên, khó khăn chính thức bắt đầu từ đầu năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty không có hàng để bán, số lượng hàng khách gửi bán lại cũng chậm… doanh thu công ty sụt giảm nên nguồn thu của chị cũng bị ảnh hưởng. Lúc này, khoản tiền 15 triệu đồng/tháng để đóng cho ngân hàng thực sự là gánh nặng với gia đình chị.
“Hiện tại, mọi nguồn thu của tôi đều bị sụt giảm, nên mọi chi tiêu trong gia đình và khoản tiền lãi ngân hàng đều phải trông cậy vào khoản tiền lương cố định của chồng”, chị Linh nói.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, anh Phước, một cư dân tại chung cư Him Lam Phú An (quận 9) chia sẻ, anh mua căn hộ có diện tích hơn 70m2 này với giá 2,3 tỷ đồng. Trong đó, anh vay ngân hàng hơn 1,2 tỷ đồng với thời hạn 15 năm. Mỗi tháng anh phải trả cả tiền gốc và lãi khoảng 18 triệu đồng.
Theo anh Phước, số tiền lãi hàng tháng đó không phải quá lớn so với thu nhập của anh lúc đó. Bởi trước khi quyết định mua căn hộ, anh đã tính rất kỹ bài toán tài chính, không vay nhiều hơn 50% giá trị căn hộ và số tiền trả lãi gốc hàng tháng cũng không quá 50% thu nhập.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ sau Tết Âm lịch, mọi kế hoạch trước đó của anh bị đảo lộn, nguồn thu cũng từ đó mà giảm đi rất nhanh so với tính toán trước đó.
Cụ thể, công việc thiết kế đồ họa của anh bị ảnh hưởng vì nhiều công ty đóng cửa, khách không có nhu cầu quảng cáo. Chưa kể, nguồn thu của công ty bị ảnh hưởng nên tất cả mọi người trong công ty đều bị giảm 30% lương. Theo đó, khoản tiền lương cứng và phần trăm doanh số mỗi tháng của anh cũng từ 30 triệu đồng/tháng giảm xuống còn phân nửa.
Trước tình hình này, anh đã phải nhận thêm công việc thiết kế từ bên ngoài về để làm thêm. Thu nhập không cố định nhưng cũng phần nào giúp anh dễ dàng hơn trong việc cân đối thu chi hàng tháng.
“Hiện là thời điểm khó khăn chung của cả xã hội, đối với tất cả mọi người chứ chẳng riêng gì ai. Do vậy phải vận dụng mọi khả năng của mình có để ứng phó với tình hình hiện tại thôi”, anh Phước nói và cho biết thêm, nếu được thì rất mong ngân hàng sẽ hỗ trợ những khách hàng như anh bằng cách cho phép hoãn, giãn, hoặc lùi thời gian trả nợ mà không bị nộp phạt.