Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khoa học chứng minh: Người bận rộn có chỉ số hạnh phúc cao hơn người rảnh rỗi

01/10/2019 21:02

Theo GS.TS. M.Csikszentmihalyi - một nhà tâm lý học lớn của Mỹ, ông đã có một kết luận rằng, trạng thái "cực khoái" nhất nhì đời người mà thỉnh thoảng một số người, có thể chính bạn cũng đã từng được trải nghiệm, nó được gọi là khả năng Flow (trôi chảy) và Deep Work (khả năng làm việc chuyên sâu). Đó là cảm giác mà bạn mất ý thức về không gian thời gian, cái tôi biến mất, bạn hoàn toàn tập trung vào điều đang làm ngay trước mắt, bạn đang phiêu,...

Khi chúng ta bật "chế độ Deep Work", tâm trí chúng ta sẽ tập trung cao độ vào những việc mình đang làm ngay tại thời điểm đó. Ví dụ như khoảng thời gian 2 tiếng thi đại học, lúc bạn xem một bộ phim yêu thích ở rạp, làm các công việc thủ công, chơi thể thao… bạn không hề nghĩ đến bất cứ điều gì khác ngoài việc tập trung vào từng chi tiết những điều bạn đang làm ngay tại khoảnh khắc ấy. Toàn bộ năng lượng của bạn sẽ được hấp thụ (absorb) và tan chảy (dissolve) vào việc đó.

Bạn không hề thấy mệt, thậm chí đó còn là những giây phút dù ngắn ngủi nhưng "dễ thở" và hạnh phúc nhất cuộc đời bạn. Nó không có gánh nặng của quá khứ, không áp lực của tương lai, nó chỉ có hiện tại.

Khoa học chứng minh: Người bận rộn có chỉ số hạnh phúc cao hơn người rảnh rỗi - Ảnh 1.

Tâm trí lan man là một tâm trí không hạnh phúc

Đối với một người bình thường, vẫn thường vậy, chúng ta ngồi tại nơi đây, đọc bài viết này, nhưng rất có thể đan xen đó, tâm trí chúng ta lại đang ở một phương trời nào đấy, nó đang mải băn khoăn chuyện, "Tối nay nên ăn gì?", "Hôm qua người yêu đang giận thì làm gì bây giờ?", "Sắp đến thứ 7 rồi mình sẽ được đi Sapa thích quá"…

Hay như cái cách chúng ta vẫn quen suy nghĩ, suy nghĩ rất nhiều, dù mệt mỏi chán nản nhưng không thể kiểm soát được, nhiều khi chúng ta cứ nghĩ quẩn quanh, nghĩ đi nghĩ lại nghĩ tái nghĩ hồi đúng một vấn đề, nghĩ đến tận cùng rồi thì lại nghĩ lại từ đầu.

Việc không thể giữ mình ở hiện tại nó là căn gốc của một cuộc đời không hạnh phúc. Quá khứ giúp chúng ta lưu giữ những khoảnh khắc hay bài học, tương lai giúp mình thêm động lực và niềm tin. Nhưng biết điều đó để trân trọng hiện tại, đó là thứ duy nhất khiến chúng ta biết mình đang sống - tại đây, lúc này... Hiện tại là giây phút đẹp nhất - hiện diện ngay giây phút ấy chính là giá trị mà chúng ta tạo ra: không cần sợ hãi, không cần lo lắng chỉ cần hiện diện.

Dưới góc nhìn tâm lý thì chúng ta bàn đến khả năng "Flow" hay còn gọi là "Deepwork", nhưng dưới góc nhìn triết học tâm linh, dưới góc nhìn cuộc đời, thì đằng sau câu chuyện "Flow" ấy nó là một trải nghiệm đời sống mà nếu chúng ta nắm bắt được bản chất nội tại của khả năng đó: chúng ta sẽ thấy cuộc sống này thật sự hạnh phúc hơn, ý nghĩa hơn rất nhiều.

Khoa học chứng minh: Người bận rộn có chỉ số hạnh phúc cao hơn người rảnh rỗi - Ảnh 2.

Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để có được trạng thái ấy và duy trì nó một cách liên tục trong đời sống?

Một trong những cuốn sách về chủ đề này có ảnh hưởng nhiều nhất trong những năm gần đây đó là bộ sách "Sức mạnh của hiện tại" và "Trải nghiệm sức mạnh hiện tại" của tác giả Eckhart Tolle. "Tôi đọc nó lần đầu khi đang gặp nhiều khó khăn, bế tắc trong cuộc sống. Tôi cũng không nhớ vì sao mình đã chọn đọc nó, nhưng có thể là vì đã nghe Tolle nói một điều gì đó về những khổ đau của con người. Sau này tôi có đọc lại cuốn sách đó nhiều lần nữa" – bạn Hồng Anh chia sẻ.

Ông Eckhart Tolle vẫn luôn xem là nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất thế giới về tâm linh. Một bài viết của The New York Times đã từng gọi Tolle là tác giả về tâm linh nổi tiếng nhất nước Mỹ.

Ý tưởng chính xuyên suốt trong những cuốn sách của ông – hiện tại là quan trọng. Có thể đây không phải là ý tưởng gì mới lạ, và tựa của cuốn sách cũng không có gì đáng chú ý, nhưng nếu bạn muốn tìm một cuốn sách không chỉ giúp bạn diễn giải kỹ hơn về cách mà chúng ta cần nghĩ về hiện tại, và còn là phương thức để giúp chúng ta tạo nên những mối liên hệ thực sự của chúng ta với hiện tại.

Và mối liên hệ đó liên hệ với những cảm giác đau khổ, mất mát trong cuộc sống của chúng ta thế nào, cách thức để chúng ta có thể thực sự hạnh phúc và tận hưởng cuộc đời ra sao. Thì đây chính là bộ sách bạn cần phải đọc.

Bộ sách "Sức mạnh hiện tại" và "Trải nghiệm sức mạnh hiện tại" là hai trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Trong đó "Sức mạnh của hiện tại" tính đến năm 2009 riêng tại Bắc Mỹ, số lượng tiêu thụ được ước tính là 3 triệu bản, sau này được được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ và là tác phẩm bán chạy nhất được New York Times bình chọn.

Bộ sách nhấn mạnh nhiều lần vào tầm quan trọng của việc an trú trong hiện tại, sự hư ảo của thời gian và ý nghĩa của sự vâng phục (surrender) đối với sự thức tỉnh của một người. Chia sẻ của ông có sự kết hợp của nhiều lời dạy ở các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Ấn Giáo, Thiên Chúa Giáo hay với những trích dẫn từ những nhân vật kiệt xuất trong lịch sử như Đức Phật, Jesus, Lão Tử, Einstein, v.v… Và cũng như chính tác giả đã từng nói từ đầu cuốn sách, đây không phải là một cuốn sách bạn nên đọc bằng lý trí – nghĩa là bằng phân tích, phản biện.

Phản ứng chung của chúng ta khi đứng trước một kiến thức mới và nó cũng là một phần bản năng rất con người, chúng ta sẽ phản biện, sẽ bắt bẻ và lật ngược lại những gì tác giả viết, so sánh nó với thế giới quan của chúng ta. Nhưng nếu bạn có thể buông cái tôi của mình xuống một chút để thử mở lòng, thì bạn sẽ nhận ra rằng cái ý tứ chung sâu thẳm đằng sau những câu chữ có phần chưa hoàn hảo kia mới là điều đáng "đọc".

Nếu trong cuốn "Sức mạnh hiện tại", Eckhart Tolle giúp bạn thay đổi từng giới hạn của những quan điểm cố hữu ẩn sâu bên trong mình, giúp bạn ý thức được sâu sắc sự tách bạch giữa quá khứ, hiện tại, và tương lai, khiến bạn hiểu hơn những khái niệm "Bạn không phải là tâm trí bạn", "Những khổ đau trong cuộc sống đều do bạn tự gây ra cho mình", "Không-hề có quá khứ hay tương lai". Tất cả những điều này thách thức chuyện bạn có dám tin vào điều ấy không, chỉ khi có niềm tin ấy bạn mới có thể cảm nhận được những điều đó bên trong mình.

Thế nhưng trong "Trải nghiệm sức mạnh hiện tại" ông sẽ giúp bạn tiếp cận đích đến bằng một con đường khác. Thay vì cố giải thích cho bạn biết rằng, nước nóng có thể làm bỏng da, thì ở đây ông sẽ để bạn tự mình chạm vào dòng nước ấy và thân thể tâm ý của chính bạn sẽ biết thế nào là nóng lạnh. Bạn sẽ cảm nhận được bằng chính những trải nghiệm bên trong mình và sau đó chính bạn mới là người kết luận điều gì mới thực sự là đúng.

"Khi bạn càng có khả năng chân thật với chính mình và chấp nhận Hiện Tại, bạn càng thoát khỏi sự đau đớn, dằn vặt, và nỗi khổ".

Khoa học chứng minh: Người bận rộn có chỉ số hạnh phúc cao hơn người rảnh rỗi - Ảnh 3.

Đi vào giây phút hiện tại

Cảm giác (feeling) khác với Cảm xúc (emotion), Cảm giác là thứ đến bản năng và tự nhiên, trong khi Cảm xúc là Cảm giác đã được tâm trí "làm màu" và không còn chân thực. Nhưng đôi khi trong nhiều ngữ cảnh, chúng ta hay dịch cả hai từ này là "cảm xúc".

Đằng sau hình ảnh một cô gái tức giận có thể là nhu cầu cần được yêu thương, đằng sau cảm giác chán chường thất vọng vì mình vừa làm sai một điều gì đó, có thể là bài học để giúp mình thành công hơn. Nhưng vì mải nhìn vào những cảm xúc yêu ghét giận hờn buồn chán ấy, mà chúng ta chưa thật sự hiểu và tận dụng được năng lực của chính mình.

Qua "Trải nghiệm sức mạnh hiện tại", bằng những câu hỏi đã được vạch sẵn, bằng những bài tập quan sát nội tâm, quan sát thế giới xung quanh, cuốn sách chính là một hành trình giúp bạn học được cách:  Vượt lên tất cả những suy nghĩ tiêu cực, nhận ra được con người chân thật của mình và hạnh phúc với chính mình.

Chân lý mà bậc thầy về tâm linh - Eckhart Tolle truyền tải trong tác phẩm đặc biệt này là công cụ để bạn luyện tập tâm trí thoát khỏi sự điên cuồng của nỗi sợ, của ham muốn và cả trốn tránh đau thương trong cuộc đời, để đối diện và để biết rằng mọi - sự - rồi - cũng - sẽ - qua. Tâm trí chúng ta sẽ được tập luyện hằng ngày để nhìn sự vật thế giới như nó vốn là, để yêu người như người vốn là, để yêu mình như mình vốn có… Nhưng phương pháp ấy sẽ cấp cho bạn một năng lực liên tục duy trì trạng thái tận hưởng quan sát thân – tâm – trí, vạn vật trong tỉnh thức.

Khoa học chứng minh: Người bận rộn có chỉ số hạnh phúc cao hơn người rảnh rỗi - Ảnh 4.

Khi thực hành đủ nhuần nhuyễn, từ lý thuyết nó sẽ trở thành kỹ năng, từ kỹ năng thuần thục thành kỹ xảo, thành thói quen, thành chính con người bạn, bạn sẽ vô thức làm nó không cần tốn năng lượng, không cần mất quá nhiều sức lực nữa… Sau này bạn sẽ có khả năng tập trung và Flow với mọi chuyện bạn làm, bạn sẽ cảm thấy trân trọng và biết ơn mọi điều như một món quà của cuộc đời bạn. Đó là khoảnh khắc bạn thấy mình hạnh phúc.

"Có một con đường thoát khổ và một phương pháp thực tập để tìm lại được niềm an lạc có sẵn trong mỗi người" "Dù bạn ở đâu, hãy hiện hữu hoàn toàn ở đó" – Eckhart Tolle.

Trí thức trẻ