Theo ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM, dựa vào những thống kê về tiến trình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, từ đây tới năm 2028 sẽ có thêm ít nhất 1.000 công ty Nhật Bản đến đầu tư tại Việt Nam, trong đó có khoảng 80 công ty sản xuất lớn nhất Nhật Bản.
Ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện JETRO tại TP. HCM
Trong khoảng vài năm trở lại đây, đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ luôn tăng cao hơn sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã áp dụng những công nghệ 4.0 vào sản xuất tại Việt Nam như việc đưa robot thay thế hoàn toàn con người đã dấy lên không ít lo ngại xung quanh chuyện việc làm và thay đổi địa điểm đầu tư trong tương lai ra khỏi Việt Nam.
Tuy nhiên, chia sẻ với TheLEADER, ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM khẳng định, lo ngại trên là không có cơ sở, bởi các nhà đầu tư Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư không chỉ vì giá nhân công ở đây còn tương đối rẻ, mà còn vì tiềm năng lớn của thị trường gần 100 triệu dân.
Ông có thể cho biết rõ hơn về tiến trình đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam trong khoảng 20 năm gần đây?
Ông Takimoto Koji: Cách đây 20 năm về trước, số doanh nghiệp Nhật đầu tư vào TP. HCM tầm 200 công ty, đến thời điểm hiện tại con số đó đã tăng lên 1.000 công ty, theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV). Còn nếu tính rộng ra cả nước thì hiện có gần 1.800 doanh nghiệp Nhật đang kinh doanh – sản xuất tại Việt Nam, trong đó miền Nam có 1.000 doanh nghiệp như đã nói ở trên, miền Trung có 100 và miền Bắc có 700.
Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp Nhật đang hoạt động tại Việt Nam đều khai báo với JBAV, nên nếu tính thêm cả họ nữa, thì hiện có khoảng 2.500 công ty Nhật đang làm ăn tại Việt Nam.
Ở một khía cạnh khác, trước đây, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chủ yếu ở ngành sản xuất, nhưng từ năm 2010 trở lại đây, đầu tư mới ở ngành dịch vụ và thương mại vào Việt Nam tăng rất nhiều, nhanh hơn sản xuất.
Theo thống kê năm 2017 của chúng tôi, đầu tư mới vào Việt Nam có 600 dự án: sản xuất có 150 dự án, dịch vụ - thương mại tới 450. Dù thế, nếu tính tổng số công ty Nhật hiện có ở Việt Nam thì doanh nghiệp sản xuất vẫn chiếm 60% - khoảng 1.500 doanh nghiệp (tính cả ngoài JBAV).
So sánh một chút với các nước Đông Nam Á có thể thấy, sức hút của thị trường Việt Nam đối với các doanh nghiệp Nhật chỉ thua mỗi Thái Lan.
Theo JBAV, tính đến năm 2017, có gần 200 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Campuchia, ở Lào thì chưa tới 100, Malaysia có 400 đếm 500, Philippines có tầm 500 đến 600 doanh nghiệp, Thái Lan thu hút được 1.700. Tuy nhiên, nếu tính tổng cả doanh nghiệp không đăng ký với cơ quan chuyên trách của Nhật, Thái Lan đứng nhất với gần 12.000 doanh nghiệp, gấp gần 5 lần Việt Nam.
Môi trường đầu tư tại Viêt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia và Thái Lan có ưu nhược điểm ra sao thưa ông?
Ông Takimoto Koji: Việt Nam có 3 ưu điểm nổi trội là nền chính trị - an ninh tốt, chính sách ổn định, giá nhân công vẫn còn rẻ.
Ở nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, chính sách của Nhà nước thường thay đổi rất nhanh và thần tốc, tại Việt Nam không thế. Điều này khá giống đất nước chúng tôi, chính sách của Nhật Bản cũng rất ít thay đổi, do trước khi thay đổi bất cứ điều luật nào, chúng tôi cũng suy nghĩ lui tới hết sức thận trọng.
Về ưu điểm thứ ba, trong năm 2017, lương nhân công mà các công ty Nhật Bản trả cho công nhân lẫn quản lý ở Việt Nam chỉ gần bằng ½ Thái Lan. Trong khu vực Đông Nam Á, lương của lao động Việt Nam chỉ đứng thứ 6, Thái Lan đứng đầu bảng.
Bên cạnh đó, môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng có 3 nhược điểm trong mắt các nhà đầu tư Nhật.
Thứ nhất, tiếng Việt đối với người Nhật rất khó, tiếng Thái cũng khó, nhưng có người Nhật làm việc tại Thái vẫn có thể dùng tiếng Thái để giao dịch, còn tại Việt Nam rất hiếm. Người Nhật học tiếng Thái dễ hơn tiếng Việt.
Thứ hai, quan niệm về công việc của người Việt Nam và người Nhật khác nhau. Người Nhật rất coi trọng công việc, họ làm tất cả vì sự phát triển chung của công ty cũng như luôn cống hiến hết mình cho công việc để được nhận lương. Còn người Việt Nam không thế, họ làm hết giờ sẽ về hoặc làm đúng khối lượng công việc tương ứng với đồng lương được nhận. Người Việt Nam cũng có trách nhiệm với công việc, nhưng nếu phải chọn lựa giữa công việc và gia đình, người Việt Nam sẽ ưu tiên gia đình hơn.
Cuối cùng, thu nhập của người Việt vẫn còn thấp. Ví dụ, khi Toyota vào Việt Nam, sau khi đầu tư sản xuất họ cũng muốn bán hàng tại thị trường Việt Nam, nhưng ít người dân Việt Nam đủ khả năng mua sản phẩm của họ. Đây cũng là một trong những nhược điểm khiến nhiều nhà đầu tư Nhật ngại ngùng khi vào Việt Nam đầu tư.
Một ví dụ nữa: khi một doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam sản xuất một nhu yếu phẩm gì đó, họ thường phải chi nhiều tiền để mua máy móc – thiết bị thuê nhân sự tốt nhằm đảm bảo sản phẩm của mình đạt những mục tiêu an toàn, vệ sinh chuẩn Nhật, theo đó, giá thành sẽ khá cao. Còn người Việt lại thường quen dùng những sản phẩm sản xuất ở địa phương, bình dân cho nên hơi khó chấp nhận mức giá mà các công ty Nhật đưa ra.
Vậy, phải chăng những doanh nghiệp sản xuất đang đầu tư ở Việt Nam chủ yếu là để xuất khẩu chứ không phải cho mục tiêu tiêu dùng nội địa? Trong tương lai, liệu còn có thêm tập đoàn sản xuất lớn nào của Nhật đến đầu tư tại Việt Nam?
Ông Takimoto Koji: Cũng không hẳn vậy, trong các doanh nghiệp sản xuất lớn của Nhật đang đầu tư tại Việt Nam vẫn có những công ty chủ yếu nhắm vào tiêu thụ ở thị trường Việt như Acecook hay Ajinomoto, tuy nhiên như bạn nói, thì mục đích xuất khẩu vẫn chiếm ưu thế.
Song, tương lai trong tầm 5 đến 10 năm nữa, mọi chuyện có thể khác, khi mà thu nhập của người dân Việt Nam ngày càng cao, hàng Nhật vừa với túi tiền của phần lớn người dân Việt, khi đó Việt Nam sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Nhật đầu tư nhiều hơn.
Tôi không biết các con số chính xác, nhưng theo những tính toán dựa vào quá khứ, cứ sau mỗi 10 năm, con số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam tăng gấp đôi và sau 20 năm tăng gấp 5 lần. Thế nên, từ đây đến 2028 sẽ có thêm xấp xỉ 80 công ty lớn về sản xuất của Nhật sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Phép tính cụ thể như thế này: chỉ tính riêng TP. HCM, năm 1998 có 200 doanh nghiệp Nhật đầu tư vào thành phố, đến năm 2008 tăng 400 doanh nghiệp, đến 2018 tăng lên 1.000 và đến 2028 dự đoán sẽ có tầm 2.000 doanh nghiệp. Tính đến năm 2018, trong 1.000 doanh nghiệp Nhật có 100 doanh nghiệp lớn, trong đó hơn 80% thuộc lĩnh vực sản xuất và chưa tới 20% thuộc mảng thương mại - dịch vụ (như Aeon, Takashimaya..). Theo đó, chúng ta có thể suy ra kết quả trên.
Vậy còn tác động của cuộc cánh mạng công nghệ 4.0 đến lĩnh vực sản xuất thì sao? Nếu robot lên thay con người, liệu các công ty Nhật Bản có mặn mà với việc đến đầu tư ở Việt Nam hay thậm chí còn rút các nhà máy sản xuất tại Việt Nam về nước? Hiện tại, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành phụ trợ của Việt Nam lo sợ chuyện đó nên không dám đầu tư.
Ông Takimoto Koji: Tôi có thể khẳng định với các bạn một điều, sẽ không xảy ra chuyện các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ không ra đầu tư ở nước ngoài hoặc rút nhà máy sản xuất về nước do tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Nguyên nhân: trong quá trình đầu tư tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp Nhật đã đưa robot ứng dụng vào sản xuất nhằm nâng cao sản lượng, thêm nữa, mục đích chính của họ khi đến đầu tư vào Việt Nam là sản xuất và bán sản phẩm tại thị trường Việt Nam, nên nếu họ dịch chuyển về lại Nhật sẽ phải xuất ngược qua Việt Nam thêm lần nữa, nó không hợp lý.
Như chúng ta nói đã trên, mặc dù hiện tại, các doanh nghiệp Nhật sản xuất tại Việt Nam chủ yếu vẫn để xuất khẩu, nhưng trong tương lai, khi mức sống của người Việt cao lên, các doanh nghiệp Nhật sẽ chuyển hướng bán trong nội địa. Thị trường 100 triệu dân của các bạn là rất hấp dẫn với bất cứ doanh nghiệp nước nào!
Thế nên, các doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam hãy cứ mạnh dạn đầu tư hỗ trợ tích cực cho các công ty sản xuất Nhật.
Trong vài năm gần đây, ở Việt Nam, công tác cải cách hành chính được Nhà nước đẩy mạnh, vậy với các doanh nghiệp Nhật Bản cảm thấy các thủ tục hành chính của Việt Nam đã dễ thở hơn chưa?
Ông Takimoto Koji: Trước tiên, về thủ tục hành chính, mặc dù mảng hành chính công của Việt Nam có nhiều thay đổi theo chiều hướng tốt, song các doanh nghiệp Nhật vẫn phải thuê đại lý. Nguyên do tạo nên tình trạng trên: đầu tiên do bất đồng ngôn ngữ, sau nữa là bởi những hồ sơ và thủ tục xin đầu tư vào Việt Nam còn rất phức tạp mà doanh nghiệp Nhật không thể tự làm được.
Ngược lại, doanh nghiệp Nhật trong ngành sản xuất khi làm thủ tục rất dễ dàng, họ nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan nhà nước, cơ sở hạ tầng và mạng lưới điện trong khu công nghiệp/khu chế xuất cũng đã hoàn chỉnh hơn.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp sản xuất Nhật tại Việt Nam là nguồn cung đất công nghiệp giá rẻ, vì nó không còn nhiều nữa.
Vậy ông có những đề xuất gì với các cơ quan nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân để Việt Nam có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư Nhật Bản?
Ông Takimoto Koji: Đối với chính phủ, đứng trên lập trường của các nhà đầu tư Nhật Bản, chúng tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng.
Ví dụ, chúng tôi vừa được thông báo từ Chính phủ Việt Nam, đến năm 2022, Việt Nam có thể bị thiếu điện, thông tin này đang khiến các doanh nghiệp Nhật rất lo lắng; hoặc việc TP. HCM bị ngập lụt nặng nề do ảnh hưởng của bão Usagi hay tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường nặng do xử lý nước/rác thải không tốt đều ảnh hưởng xấu tới rất nhiều doanh nghiệp Nhật.
Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt trong ngành công nghiệp hỗ trợ cần có một nền tảng vững mạnh để giúp các doanh nghiệp Nhật có thể yên tâm đầu tư vào Việt Nam. Tiếp theo, cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp Việt nên chú tâm vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, vì trong tương lai, việc vận dụng robot vào sản xuất là tất yếu, khi đó các nhà máy sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao có thể điều khiển chúng.
Xin cảm ơn ông!
Quỳnh Như/Nhà Quản Trị