Nếu một lần được nhìn thấy hình ảnh Nguyễn Hữu Thái Hòa trên sân khấu, ngân nga hát một bài nhạc Trịnh, chẳng ai có thể nghĩ rằng người đàn ông này khi bước xuống lại là một doanh nhân, một chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược vốn ẩn chứa nhiều toan tính.
Từ những trăn trở về khởi nghiệp
Gặp mặt và trò chuyện với Nguyễn Hữu Thái Hòa không ít lần nhưng đối với tôi, lần nào vị doanh nhân này cũng hiện ra với vai trò của một người dẫn dắt, một chuyên gia trong vấn đề khởi nghiệp, luôn nhìn thấy ở ông một tinh thần sẵn sàng dấn thân, tích cực và truyền lửa đến mọi người.
Từng là Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn chiến lược kiêm Giám đốc chiến lược của Tập đoàn VNPT, Nguyễn Hữu Thái Hòa hiện đã quyết tâm rời các tập đoàn lớn, quay về chỉ làm một công việc duy nhất đó là xây dựng cầu nối và một hệ thống khởi nghiệp bài bản cho Việt Nam.
Ông hiện là Chủ tịch Công ty iBosses Việt Nam với “Chương trình đào tạo, tư vấn và phát triển doanh nhân Việt Nam” qua việc mua lại toàn bộ bản quyền tri thức của Tập đoàn iBosses Singapore.
Chia sẻ về lý do lựa chọn khởi nghiệp để dồn mọi tâm huyết trong những năm tháng tới, Nguyễn Hữu Thái Hòa khẳng định đây là con đường ngắn nhất tạo ra động lực thay đổi Việt Nam.
Trong khi các ngành nghề như công nghiệp nặng đã diễn ra quá lâu, việc khởi nghiệp sẽ có tác dụng tung các bạn trẻ vào những thị trường ngách, những chỗ nhỏ nhất để tạo ra tài sản. Ông lấy ví dụ về sự thành công của Uber khi công ty này xâm nhập thị trường Việt Nam, tạo ra một phần mềm trên nền tảng có sẵn của xe ô tô, các hãng taxi và rõ ràng “giải pháp của họ đã đánh bại tất cả”.
Ông kỳ vọng rằng, tinh thần của Uber sẽ đi vào Việt Nam một cách bài bản thông qua chương trình của iBosses, có tác dụng tạo ra hàng trăm loại Uber khác trong mọi doanh nghiệp: “Tôi hay nói đùa là chúng ta sẽ có những ‘Uber đánh giày’, ‘Uber đồng nát’, ‘Uber mua rau mua thịt mua cá’, tất cả những gì đang có trong đời sống hàng ngày”.
Theo ông, đây là xu thế mới và chắc chắn tạo ra quyết tâm thay đổi cho khởi nghiệp Việt Nam. Khởi nghiệp hiện nay đang được đầu tư rất nhiều tiền nhưng hệ thống hóa và bản chất cũng như khung khoa học về khởi nghiệp đang rất rối loạn và “mọi người đang loạn lên để làm khởi nghiệp”.
Trăn trở về thực trạng hiện nay, ông khẳng định: “99% các dự án khởi nghiệp chết yểu và hiện tại, đầu tư tiền tỉ vào các dự án này cũng như đầu tư vào niềm tin của những người khởi nghiệp kiểu này rất dễ mất tiền”.
Chủ tịch iBosses Việt Nam cho rằng có ba lý do chính các dự án khởi nghiệp không thành công.
Thứ nhất, không có sự đầu tư bài bản và vấn đề không phải là đầu tư tiền mà là đầu tư về con người và chuyên gia. “Khi các bạn không có hệ thống đầu tư về chuyên gia và nguồn nhân lực, các bạn chết là chắc”, ông Hòa nhận định.
Thứ hai, không được tiếp cận với các nền công nghiệp, những nơi đặt đầu bài cho sản phẩm, cho nên ngay cả khi đã có những sản phẩm rất tốt nhưng lại không có cầu nối đưa đến đúng tay người cần.
Toàn bộ hệ thống xã hội và chính trị Việt Nam đang nhìn những người khởi nghiệp qua các cuộc thi, họ đã “đẩy các bạn đi thi nhưng khi rớt thì các bạn tự chịu, không có cầu nối để đỡ đần”, điều này, theo ông Hòa là rất khác so với Singapore hay Mỹ do ở các nơi đó, từ các giáo sư bậc đại học cho đến các tập đoàn thế giới đều ủng hộ mạnh mẽ đằng sau.
Thứ ba, phải nói về vai trò của Nhà nước và việc tạo ra một thước đo về khởi nghiệp. Bộ Khoa học và công nghệ hiện đang viết lại chương trình về khởi nghiệp và với khung của iBosses, tương lai kỳ vọng sẽ tạo ra được một tiêu chuẩn Việt Nam về khởi nghiệp.
Khi đó, thông tin, thước đo về khởi nghiệp sẽ có và khởi nghiệp sẽ được đánh giá theo tiêu chuẩn đó, qua từng mức độ, “bản thân các bạn khởi nghiệp sẽ tự tin hơn và quan trọng hơn cả, nhà đầu tư sẽ biết thu được điều gì sau khi bỏ tiền vào”.
Đến tình yêu nhạc Trịnh
Ít ai biết rằng, Nguyễn Hữu Thái Hòa từng là chàng sinh viên khoa thanh nhạc và piano cổ điển tại Nhạc viện TP. HCM, sau đó rẽ sang học kiến trúc ở Canada và thạc sỹ quản trị kinh doanh tại Thượng Hải (Trung Quốc).
Sự chân tình dành cho khởi nghiệp cũng giống như sự đam mê Nguyễn Hữu Thái Hòa dành cho nhạc Trịnh. Không chỉ là người nghe, ông còn được xem là người ca sĩ say mê với dòng nhạc này.
Nếu một lần được nhìn thấy hình ảnh ông trên sân khấu, ngân nga hát một bài nhạc Trịnh, chẳng ai có thể nghĩ rằng người đàn ông này khi bước xuống lại là một doanh nhân, một chuyên gia trong lĩnh vực chiến lược vốn ẩn chứa nhiều toan tính.
Nguyễn Hữu Thái Hòa yêu nhạc Trịnh bởi dòng nhạc này hướng thiện, làm cho cuộc đời bớt áp lực hơn và đặc biệt làm cho con người trở nên tốt hơn.
Ông say mê nhạc Trịnh vì quan niệm rằng giữa nhạc Trịnh và khởi nghiệp 4.0 có điểm tương đồng khi cả hai đều hướng thiện, hướng tất cả năng lượng của người trẻ vào những nơi có tính tích cực.
Ông tin rằng, khởi nghiệp trong tương lai sẽ phát triển vừa nhẹ nhàng lại vừa rất tự tin, giống như cách mà người ta yêu nhạc Trịnh, người ta tin vào một dòng nhạc nhẹ nhàng và hướng thiện: “Nhạc Trịnh không chỉ là âm nhạc mà nó còn là âm nhạc của tư duy, ẩn chứa nhiều triết lý và suy ngẫm”.
Theo Kiều Mai/TheLeader