Thị trường chứng khoán Việt Nam dù vấp phải những khó khăn nhất định trong quý III, tuy nhiên, nhìn chung cả 9 tháng đầu năm, thị trường chung vẫn tăng trưởng tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, VN-Index đứng ở mức 1.342,66 điểm, tương ứng tăng 238,19 điểm (21,58%) so với số cuối năm 2020. HNX-Index còn tăng đến 75,92% lên 357,33 điểm. UPCoM-Index tăng 29,7% lên 96,56 điểm.
Các chỉ số chứng khoán đi lên bất chấp việc khối ngoại đẩy mạnh rút ròng rất mạnh. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại 9 tháng đầu năm 2021 mua vào 7,16 tỷ cổ phiếu, trị giá 309.044 tỷ đồng, trong khi bán ra 8,09 tỷ cổ phiếu, trị giá 349.355 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 927 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 40.310 tỷ đồng.
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại sàn HoSE theo tháng trong năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại bán ròng lên đến hơn 41.000 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với giá trị bán ròng của cả năm 2020, tương ứng khối lượng 861 cổ phiếu. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì dòng vốn ngoại sàn này bán ròng đến trên 55.281 tỷ đồng.
Khối ngoại sàn HoSE bán ròng rất mạnh nhiều cổ phiếu bluechip, trong đó, HPG đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị lên đến 13.910 tỷ đồng. CTG và VNM đứng sau với giá trị bán ròng đều trên 6.000 tỷ đồng. VPB và VIC bị bán ròng lần lượt 5.909 tỷ đồng và 5.656 tỷ đồng. Trong khi đó, STB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 3.212 tỷ đồng. VHM cũng được mua ròng 2.766 tỷ đồng. Tiếp sau đó, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND được mua ròng 2.674 tỷ đồng.
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại sàn HNX theo tháng trong năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Tại sàn HNX, khối ngoại cũng duy trì trạng thái bán ròng nhưng giá trị không quá mạnh với 373 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 69,3 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh nhất mã VND với 486 tỷ đồng. Đáng chú ý, VND trong 9 tháng đầu năm 2021 có thời điểm chuyển giao dịch sang HNX khi tình trạng "nghẽn" lệnh trên HoSE diễn ra. Sau đó, VND đã được chuyển về lại sàn HoSE và tính chung cả 2 sàn, VND bị khối ngoại bán ròng tổng cộng 826 tỷ đồng. Đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HNX là API với 323 tỷ đồng. PVS cũng bị bán ròng 307 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, THD đứng đầu danh sách mua ròng sàn này với 1.231 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là NVB với 205 tỷ đồng. DXS và SHS đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng.
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại sàn UPCoM theo tháng trong năm 2021. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Trái ngược hoàn toàn với HoSE và HNX, khối ngoại sàn UPCoM mua ròng 1.067 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tương ứng khối lượng mua ròng là 3,3 triệu cổ phiếu.
ACV được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với 522 tỷ đồng. MCH đứng sau với giá trị mua ròng 247 tỷ đồng. Các cổ phiếu gồm CTR, ABR, MML và HHC đều có giá trị mua ròng của khối ngoại trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, VTP bị bán ròng mạnh nhất sàn UPCoM với 239 tỷ đồng. MSR đứng sau với giá trị bán ròng là 102 tỷ đồng.
Trong buổi hội thảo MBS's Talk 20 mới diễn ra, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Nghiên cứu khách hàng cá nhân Chứng khoán MB (MBS) cho rằng dù khối ngoại bán ròng nhưng nhìn về xu hướng thì áp lực bán không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chung. Giai đoạn 2016 – 2019 có nhiều quỹ mua vào với kỳ vọng thị trường Việt Nam được nâng hạng vào năm 2020 - 2021, nhưng sau thời gian chúng ta chưa được nâng hạng nên các quỹ này giảm tỷ trọng.
Ông Sơn cho biết thêm, trước đây nhà đầu tư nước ngoài thường chiếm từ 16 - 17% tổng thanh khoản thị trường nhưng đến bây giờ chỉ chiếm chỉ 6 – 7%.
Về xu hướng sắp tới, ông Sơn đánh giá sau giai đoạn rút ròng này, khả năng khối ngoại sớm quay trở lại vào nửa đầu năm tới. Thời điểm này trùng với khoảng thời gian chúng ta chống dịch thành công và kinh tế mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam vẫn được kỳ vọng nâng hạng trong 2023 đến 2025. Chuyên gia đến từ MBS kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại vào giữa năm 2022 trở đi.