Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Không hợp việc, ngại gì không "nhảy": 7 dấu hiệu cho thấy bạn càng "cố trụ" công việc mình ghét, tương lai càng mù mịt

31/05/2019 18:57

Không phải bất cứ ai cũng tìm được công việc hay môi trường làm việc mình yêu thích ngay từ đầu nên "nhảy việc" hay thay đổi công việc là việc tất lẽ dĩ ngẫu sẽ xảy ra trong đời mỗi người.

Bạn không hợp với văn hoá công ty

Văn hoá công ty là một phần thiết yếu trong công việc của bạn. Nếu hoà hợp được với thái độ, hành vi nơi công sở, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn cho bạn và công việc.

Nếu thói quen làm việc bất đồng với văn hoá công ty, bạn sẽ không bao giờ có thể thành công với tư cách một nhân viên ở đó. Trừ khi bạn có khả năng thay đổi văn hóa đó, nếu không thì tốt hơn là bạn nên bỏ việc và tìm một môi trường nào đó phù hợp hơn.

Bạn không có cơ hội mới để học hỏi

Hoàn thiện kỹ năng cũ, học hỏi kỹ năng mới và cách giải quyết các thách thức là một phần quan trọng trong công việc của mỗi người. Người lao động cần suy nghĩ nghiêm túc về công việc hiện tại nếu bạn không có được những cơ hội đó.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về đào tạo việc làm thì chính người lao động cũng phải tích cực và chủ động tham gia vào việc rèn luyện này. Đơn cử, bạn có thể tự tin xung phong nhận trách nhiệm cho những công việc mới hoặc tham gia các khóa đào tạo.

Không hợp việc, ngại gì không nhảy: 7 dấu hiệu cho thấy bạn càng cố trụ công việc mình ghét, tương lai càng mù mịt - Ảnh 1.

Bạn cảm thấy nhàm chán trong công việc

Đây là một thách thức với hầu hết mọi người khi mà họ cảm thấy công việc của mình quá dễ dàng hoặc lặp đi lặp lại. Một ngày 8 tiếng trên công sở bạn dành phần lớn thời gian để "chát chít", chơi game, nghe nhạc, xem phim, đọc báo… bởi vì công việc bạn đảm nhiệm quá đơn giản và bạn luôn hoàn thành nó xong trong nửa đầu của buổi sáng.

Ban đầu có vẻ bạn thích một công việc thảnh thơi nhàn hạ như vậy, nhưng lâu dần công việc quá đơn giản, lặp đi lặp lại khiến bạn cảm thấy nhàm chán. Bạn rất mong muốn được đảm nhiệm thêm công việc hay kiêm thêm một nhiệm vụ mới... Sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi bạn nghĩ đến việc chuyển đến một môi trường làm việc năng động hơn.

Bạn luôn cảm thấy khó chịu và buồn phiền vào tối chủ nhật

Gần như ai cũng sợ "Hội chứng ngày thứ hai" nhưng không có nghĩa là luôn mang theo cảm giác sợ hãi vào tối chủ nhật, thời gian mà ai cũng biết sắp chuẩn bị cho một tuần làm việc vất vả. Khi bất mãn và không còn hứng thú làm việc nữa, bạn sẽ trở nên lo lắng thái quá, cảm thấy lúng túng không biết làm gì trong buổi tối chủ nhật sắp trôi qua.

Bạn không có chung quan điểm với sếp

Khi cách làm việc của người quản lý của bạn hay sếp không làm bạn tâm phục khẩu phục, quan điểm của bạn khác xa với sếp thậm chí là bất đồng quan điểm, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ công việc của bạn, niềm vui cũng như thành công của bạn trong công việc. Một công việc bạn có thể hoàn thành một cách tốt nhất nhưng cũng có thể trở thành tồi nhất khi sếp không thừa nhận nó. Nếu bạn không có cách nào khác để làm thay đổi mối quan hệ này, tốt nhất bạn nên "ra đi" tìm một công việc mới với một người quản lý mới.

Không hợp việc, ngại gì không nhảy: 7 dấu hiệu cho thấy bạn càng cố trụ công việc mình ghét, tương lai càng mù mịt - Ảnh 2.

Bạn cảm thấy phát điên lên vì đồng nghiệp

Đồng nghiệp là một yếu tố quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất chốn công sở. Khi mối quan hệ với đồng nghiệp tốt đẹp nó không những giúp bạn có được tinh thần thoải mái mà còn có thể giúp đỡ bạn trong rất nhiều tình huống. Nhưng liệu bạn có thể cảm thấy thoải mái, tập trung cho công việc không khi mà đồng nghiệp luôn làm bạn phát cáu, làm phiền bạn bằng những chuyện tầm phào, đi làm muộn và "đầu têu" về sớm, nói chuyện điện thoại quá to…

Tất cả những điều đó làm cho bạn luôn cảm thấy đau đầu sau mỗi ngày tan ca và làm cho bạn không thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Đó là lúc bạn nên nghĩ đến chuyện chuyển đến một môi trường làm việc mới.

Bạn muốn thay đổi

Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất, tuy nhiên lại cũng dễ bị bỏ qua nhất. Hãy nghĩ về điều bạn đang thực sự muốn làm. Liệu đó có phải là ngồi bàn giấy và thực hiện các nhiệm vụ? Hay bạn muốn tự khởi nghiệp, quay lại học đại học hoặc làm việc ngay gần nhà?

Nếu như bạn luôn không hài lòng với bản thân hoặc có ý nghĩ làm điều gì đó cho mình, hãy liều một phen mà theo đuổi đam mê... Sự ổn định là điều quan trọng, nhưng bạn không nên vì điều đó mà hy sinh hạnh phúc.

Trí Thức Trẻ