Tại tọa đàm "Dẫn mạch phục hồi – Tăng trưởng kinh tế", khi chia sẻ về kinh nghiệm xử lý các vấn đề tài chính, tiền tệ sau mỗi đợt nền kinh tế gặp khó khăn, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá Việt Nam là quốc gia phục hồi kinh tế chậm nhất.
“Việt Nam rất chần chừ trong việc đưa ra các gói kích thích để phục hồi nhanh. Chúng ta chỉ loay hoay trong việc giãn, hoãn, hầu như là các gói kích thích gián tiếp, kể cả tài khóa lẫn tiền tệ”, ông Nghĩa nói.
Theo ông, Việt Nam không có gói tài lực trực tiếp nào, hoặc có nhưng không rõ, không tới 1% GDP cả nước, tức là giá trị chưa tới 80.000 tỷ đồng.
Vị chuyên gia này cho rằng ngoài Covid-19 thì Việt Nam còn bị bệnh nền nên việc hồi phục kinh tế trở nên khó khăn, đồng thời không có nguồn lực bổ sung do thiếu các gói kích thích.
"Cho đến nay, chính sách của nhà nước vẫn còn lúng túng, không có một quy định, chính sách rõ ràng ràng về các tình trạng khẩn cấp của thảm họa như các quốc gia khác. Cụ thể, kế hoạch tài khóa năm 2021 năm 2022 đều không có khoản mục tài chính dành cho dịch Covid-19 mà đơn giản chỉ dùng ngân sách dự phòng để giải quyết các vấn đề về đại dịch", ông Nghĩa đánh giá.
Về gói kích cầu lãi suất, ông Nghĩa cho rằng đây là gói kích thích gián tiếp và các quốc gia gần như không bao giờ dùng vì họ quan niệm việc kéo hệ thống ngân hàng thương mại vào trong bất kỳ gói kích thích kinh tế nào đều vô cùng nguy hiểm. Ngân hàng là doanh nghiệp nhạy cảm nhất trong các loại hình doanh nghiệp vì kinh doanh bằng vốn và niềm tin của người dân.
“Dù là khủng hoảng tái cấu trúc hay khủng hoảng do thảm họa thì cũng không nên kéo ngân hàng thương mại vào cuộc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta không chỉ kéo mà còn đứng ra vận động, đề nghị giảm lãi suất”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa không khuyến khích việc đưa ra một gói kích thích mà cách thức tiến hành tương tự như năm 2009. Ông cho rằng nếu đã làm thì phải có thay đổi để không làm ảnh hưởng tới lãi suất thị trường, không làm ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại.
Đánh giá về tình hình thực tế của các ngân hàng thương mại trong nhiều năm trở lại đây, vị chuyên gia này nhận định tốc độ tăng trưởng về tài sản, lợi nhuận và vốn chủ sở hữu đều ghi nhận mức trên 60% trong 5 năm vừa qua. Trong đó tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của một số ngân hàng trong 2 năm Covid 2020-2021 lên tới hàng trăm phần trăm.
“Đây là điều không bình thường, đáng lo ngại chứ không nên vui mừng”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Khối lượng nợ xấu của ngân hàng theo đánh giá của ông Nghĩa là rất lớn và không như con số được công bố ra ngoài. Các chỉ số ROA, ROE đang tăng nhanh do không phải trích lập dự phòng rủi ro làm lợi nhuận tăng cao, tuy nhiên lại là lãi dự thu. Dòng tiền thực của ngân hàng theo đó đang rất khó khăn.
Ở góc độ ngược lại, từ phía ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lại cho rằng sức khỏe tài chính của các ngân hàng đã tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước đây, nhiều ngân hàng nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng vốn và hầu như đã hoàn thành các chuẩn mực Basel II, Thông tư 41… một số ngân hàng đã tiệm cận tiêu chuẩn Basel III.
Theo bà Nguyễn Ánh Vân, ngân hàng thương mại đã thận trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, phân hóa rủi ro bằng cách tăng nguồn thu từ dịch vụ như phí bancassurance – nguồn thu khá tốt cho các ngân hàng mà không có nhiều rủi ro tín dụng.
Cùng với việc thực hiện các Thông tư 01, 03 và 14, Ngân hàng Nhà nước cùng cho phép các ngân hàng thương mại trích lập dự phòng trong 3 năm nhưng nếu có điều kiện vẫn có thể tiến hành việc trích lập dự phòng bình thường.