Sinh nhật 10 tuổi Winmart

“Không phải để bán”, Đức nổi cơn thịnh nộ về việc ông Trump muốn chi 1 tỷ USD để xin mua độc quyền vắc-xin Covid-19

17/03/2020 10:41

Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua độc quyền vắc-xin từ công ty CureVac khiến giới quan chức Đức nổi cơn thịnh nộ.

Các bộ trưởng Đức tỏ ra giận dữ sau khi có thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump đề nghị một khoản tiền lớn để mua độc quyền vắc-xin Covid-19 từ một công ty y tế Đức.

“Không phải để bán”, Peter Altmaier, Bộ trưởng phụ trách kinh tế của Đức, cho biết. Thông tin này được được đưa lên trang nhất của tờ Welt am Sonntag với tít “Trump vs Berlin”.

Tờ báo này ghi nhận Tổng thống Trump đề nghị trả cho công ty dược phẩm sinh học CureVac khoảng 1 tỷ USD để có quyền mua vắc-xin phòng Covid-19 “chỉ cho nước Mỹ”.

Chính phủ Đức được cho là đã đề xuất những ưu đãi tài chính để giữ lại vắc-xin cho Đức.

Thông tin này lập tức làm nảy sinh cơn thịnh nộ ở Berlin.

“Các nhà nghiên cứu Đức đang dẫn đầu trong quá trình phát triển thuốc và vắc-xin như là một phần của mạng lưới phối hợp toàn cầu”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói với mạng lưới nghiên cứu Funke Mediengruppe. “Chúng tôi không thể để xảy ra tình huống mà người khác muốn giành độc quyền các kết quả nghiên cứu c chúng tôi”.

“Việc cùng chung tay trên toàn cầu là điều rất quan trọng tại thời điểm này, chứ không phải vì lợi ích của bất kỳ quốc gia nào”, ông Erwin Rüddel, một nhà làm luật bảo thủ trong ủy ban sức khỏe thuộc Quốc hội Đức, cho hay.

Christian Lindner, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tự do tại Đức, cho rằng: “Rõ ràng, ông Trump sẽ sử dụng bất kỳ phương tiện nào sẵn có trong một chiến dịch tranh cử”.

Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn, cho rằng việc chính quyền Trump mua lại vắc-xin từ CureVac đã không còn trên bàn đàm phán. CureVac sẽ chỉ phát triển vắc-xin cho cả thế giới, không cho một quốc gia duy nhất nào, ông nói.

Số ca lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng lên hơn 86.000 ca, trong khi số ca nhiễm tại Trung Quốc giữ ở mức 80.860 ca tính tới ngày thứ Hai (16/03). Số ca tử vong bên ngoài Trung Quốc đã tăng lên hơn 3.241 ca, trong khi số ca tử vong tại Trung Quốc ở mức 3.208 ca.

Hôm Chủ nhật (15/03), một quan chức Mỹ nói với AFP rằng thông tin này đã “bị cường điệu quá mức”. “Chính phủ Mỹ đã trao đổi với hơn 25 công ty có thể tạo ra vắc-xin. Hầu hết công ty này đều đã nhận được khoản vốn đầu tư từ các nhà đầu tư Mỹ”.

Vị quan chức này cũng phủ nhận việc Mỹ đang cố gắng đoạt vắc-xin cho riêng mình. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi với bất kỳ công ty nào có khả năng giúp đỡ. Và bất kỳ giải pháp nào nên được chia sẻ ra cả thế giới”, vị quan chức này khẳng định.

Được sáng lập trong năm 2000, CureVac có trụ sở tại Baden-Württemberg (Đức) và có các cơ sở khác ở Frankfurt và Boston.

Công ty quảng bá bản thân chuyên về “phát triển các phương pháp điều trị chống ung thư, liệu pháp dựa trên kháng thể, chữa trị các căn bệnh hiếm thấy và vắc-xin dự phòng”.

Công ty này đang làm việc cùng với Viện Paul-Ehrlich – vốn có liên kết với Bộ Y tế Đức.

Tuần trước, công ty này thông báo một cách đầy bí ẩn rằng CEO Daniel Menichella của CureVac đã bị thay thế bởi ông Ingmar Hoerr, chỉ vài tuần sau khi ông Menichella gặp ông Trump, ông Mike Pence (Phó Tổng thống Mỹ) và đại diện từ các công ty dược tại Washington.

"Chúng tôi rất tự tin sẽ đủ khả năng phát triển một vắc-xin tiềm năng trong vài tháng tới", ông Menichella phát biểu sau chuyến đi Washington đầu tháng 3.

Nhưng cách đây bốn ngày, công ty CureVac tuyên bố ông Menichella, một người quốc tịch Mỹ, sẽ rời công ty. Công ty không nói rõ lý do mà chỉ cảm ơn ông vì những đóng góp.

Hôm Chủ nhật, nhà đầu tư của CureVAc cho biết họ sẽ không bán vắc-xin cho một quốc gia duy nhất.

“Việc bán vắc-xin độc quyền tại Mỹ phải được ngăn chặn bằng mọi giá”, Karl Lauterbach, một nghị sĩ Đức đồng thời là giáo sư dịch tễ học, viết trên Twitter. “Chủ nghĩa tư bản cũng phải có giới hạn”.

NCDT/Nguồn The Guardian