Không phải nhiều dự án tỷ đô xuất hiện, đây mới là lý do giá đất Bình Thuận đang tăng nóng

22/04/2019 18:37

Tại tỉnh Bình Thuận, những cơn sốt đất theo đợt cứ "rần rần" từ sau tết đến nay, đang lan rộng từ Mũi Né, Hàm Tân, Kê Gà, Thiện Nghiệp và La Gi.


Tại tỉnh Bình Thuận, những cơn sốt đất theo đợt cứ "rần rần" từ sau tết đến nay, đang lan rộng từ Mũi Né, Hàm Tân, Kê Gà, Thiện Nghiệp và La Gi.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, thị trường bất động sản nhiều khu vực ven biển Bình Thuận (trải dài từ La Gi đến Mũi Né) hiện tại đang phản chiếu hình ảnh của Phú Quốc cách đây 6 năm. Trước khi có sân bay Phú Quốc là vùng đất hoang sơ, chỉ có đồi sim, rẫy tiêu. Năm 2013 Phú Quốc có sân bay, thị trường này đã lột xác.

Khi sân bay và cao tốc hoàn thành, cũng như các ông lớn đổ tiền vào vận hành các siêu dự án, thị trường BĐS Bình Thuận được dự báo sẽ bứt tốc thì giá nhà đất tại đây sẽ vươn lên ngang bằng với thị trường Nha Trang - Đà Nẵng - Phú Quốc.

Được biết, ngoài một hệ thống giao thông quy mô lớn như tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác nhiều năm qua, nay đang được đề xuất đầu tư mở rộng lên 10 làn xe thì tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2020. Theo thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, dự kiến trong quý 3/2019 dự án sân bay Phan Thiết sẽ được khởi công xây dựng.

Đến nay, đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng Cảng hàng không Phan Thiết với diện tích 543 ha. Trong đó, trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh quy mô của sân bay Phan Thiết từ hơn 5.000 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng. Biến sân bay này thành một trong 3 sân bay quy mô nhất miền Trung, chỉ sau sân bay Cam Ranh và Đà Nẵng.

Ngày 18/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo Quy hoạch, Mũi Né sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2025, phấn đấu đến năm 2030. Từ cơ sở này, UBND tỉnh Bình Thuận đang triển khai quy hoạch mở rộng Khu du lịch quốc gia tiến về hướng Nam, kéo dài từ Mủi Né đến thị xã La Gi, với quy mô rộng hơn 20.000ha.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngay trong năm 2019 và những năm tiếp theo địa phương sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn quản lý du lịch chuyên nghiệp về Bình Thuận. Song song đó cũng tăng cường đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, nhất là thúc đẩy triển khai sớm dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Nha Trang - Phan Thiết, các tuyến giao thông kết nối trực tiếp từ cao tốc đến những khu du lịch ven biển…

Theo tìm hiểu, chính những thông tin trên đang làm cho giá nhà đất tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhất là một số vùng ven biển đang biến động theo từng ngày. Những chủ đất nhận đặt cọc hôm qua nhưng sáng nay thấy giá lên cao thì sẵn sàng hủy cọc để bán với giá khác.

Những ngày sau tết đến thời điểm này, giá đất nội thành Phan Thiết và những khu vùng ven cứ tăng liên tục. Khu dân cư Hàm Thắng, Phong Nẫm, Bến Lội… được giới BĐS chào bán liên tục với giá thay đổi hàng ngày.

Thời gian gần đây, thị trường BĐS khu vực thị xã La Gi và dọc tuyến đường biển Kê Gà đang phát triển mạnh, thu hút mạnh giới đầu tư, kèm theo đó giá BĐS tăng cao và nhiều điểm môi giới nhà đất ăn theo ra đời khiến thị trường này càng thêm hấp dẫn. Song song đó, nhiều khách hàng cũng chuyển dòng tiền vào nhà đất một số khu vực có tiềm năng vì muốn "ăn theo" các dự án quy mô lớn đang rục rịch triển khai xây dựng tại La Gi.

Một số dự án đất nền khác đã được chủ đầu tư bán ra thị trường trước đây với mức giá khoảng 6-8 triệu đồng/m2 thì nay được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá 12-13 triệu đồng/m2…Hay dự án nhà phố biển thương mại Queen Pearl Marina Complex tại La Gi cũng đang được giao dịch khá sôi động với giá 2-3 tỷ đồng/căn.

Khảo sát tại đường Thống Nhất của huyện này, giá nhà đất mặt tiền dao động ở mức 25 - 35 triệu đồng/m2, tăng 20 - 30% so với thời điểm năm 2018. Ở khu vực dân cư hiện hữu dọc trục đường Lê Lợi gần cảng cá La Ga, giá nhà đất mặt tiền dao động ở mức 18 - 22 triệu đồng/m2. Ở những vị trí thuận tiện kinh doanh như khu vực chợ Lagi, khu vực cảng cá, giá nhà đất đã đạt mức 25 - 30 triệu đồng/m2.

So với giai đoạn 2017, giá đã tăng gấp đôi. Mặc dù vậy, mức giá tại đây vẫn được đánh giá khá mềm, chỉ bằng 1/10 ở các thị trường kỳ cựu như Nha Trang, Đà Nẵng, bằng 1/5 so với Phú Quốc và bằng khoảng 1/4 so với khu vực Mũi Né.

Đánh giá của giới đầu tư cho thấy, "cơn sốt" này bùng phát một phần "ăn theo" hệ thống hạ tầng giao thông nói trên, phần nữa là do La Gi sắp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Bình Thuận. Một nguyên nhân nữa là do thị phần những những khu vực như Mũi Né, Kê Gà đã gần như bão hoà, quỹ đất ven biển không còn, do vậy dòng dịch chuyển đang tiến dần về La Gi.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, thị xã La Gi được công nhận là đô thị loại III mới đây là cơ sở để thị xã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị theo tiêu chí cao, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân và phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị thế của thị xã. Từ đó, địa phương đang phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu để đưa La Gi lên thành phố vào năm 2020.

Theo Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, thị xã La Gi được xác định là đô thị trung tâm của vùng kinh tế phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận với thế mạnh của vùng là phát triển công nghiệp tập trung, hình thành các trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch.

Hơn 10 năm qua, thị xã La Gi đã không ngừng được đầu tư phát triển và trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh Bình Thuận (sau thành phố Phan Thiết), từng bước phát triển về mọi mặt, trở thành đô thị hạt nhân vùng Nam Bình Thuận. Đến nay, thị xã đã thu hút 95 dự án dự án đầu tư ở một số lĩnh vực du lịch và công nghiệp với tổng vốn đăng ký hơn 5.300 tỷ đồng. Hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thị xã được xây dựng với quy mô lớn, đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu giao thương với nhiều địa phương trong vùng.

Ngoài việc đầu tư tuyến đường ven biển đi từ Long Hải đến La Gi, qua Kê Gà nối với Mũi Né, thì vào tháng 2/2015, Cao tốc TP.HCM – Dầu Giây – Long Thành đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn quãng đường từ TP.HCM đến Phan Thiết chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ. Hiện tỉnh Bình Thuận đang lên phương án và trình quy hoạch tuyến đường kết nối từ cao tốc này đến thẳng trung tâm thị xã La Gi nhằm tạo mạng lưới giao thông liên hoàn đến thẳng Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã có văn bản  đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường ven biển trọng điểm, cấp bách.

Đó là đường ĐT 719B Phan Thiết - Kê Gà, thiết kế dài 25,4 km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT 719 Kê Gà - Tân Thiện (hiện đã hư hỏng nặng), thiết kế dài 32,4 km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT 711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT 706B, dài 41 km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.

"Đây đang là cơ hội to lớn để địa phương kêu gọi đầu tư và phát triển lĩnh vực BĐS trong thời gian tới. Nhiều năm qua, đã có một số doanh nghiệp lớn đầu tư dự án khu đô thị lấn biển, khu biệt thự nghỉ dưỡng và hiện nay đang rục rịch công bố dự án ra thị trường, giá đất và các giao dịch bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh", ông Trần Hiếu - Phó TGĐ khối Tiếp thị & Kinh doanh Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam, cho biết.


Theo Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ