Điều gì là thứ chúng ta thiếu? Tiền tài, địa vị, danh tiếng? Đều không phải. Thứ chúng ta thiếu thật sự không phải ai cũng nhìn thấy được.
Thời chiến quốc ở nước Tề có Mạnh Thường Quân nổi tiếng với việc đối đãi với các môn khách. Trong đám khách của Mạnh Thường Quân có một nhân vật tên là Phùng Huyên. Phùng Huyên nhà rất nghèo, không còn cách nào để kiếm sống nên mới phải đến cậy nhờ Mạnh Thường Quân để có miếng cơm, chỗ ở cho qua ngày.
Lúc mới gặp, Mạnh Thường Quân hỏi rằng: Ông có điều gì yêu thích không? Phùng Huyên đáp: Tôi không yêu thích cái gì. Mạnh Thường Quân hỏi tiếp: Vậy ông có năng lực gì? Phùng Huyên không ngại ngùng mà đáp: Tôi cũng không có năng lực gì.
Nghe xong, Mạnh Thường Quân vẫn bố trí cho Phùng Huyên một chỗ ở, cho cơm ăn đạm bạc ngày ba bữa. Được mấy hôm Phùng Huyên lại phàn nàn rằng đồ ăn không có thịt cá, Mạnh Thường Quân tiếp tục chu cấp thịt cá cho ông ta.
Chưa dừng lại ở đó, Phùng Huyên còn đòi cấp cho xe ngựa riêng để tiện đi lại, đòi chu cấp thêm tiền để có thể gửi về cho gia đình. Yêu cầu nào Mạnh Thường Quân cũng đáp ứng.
Mạnh Thường Quân vốn cho người ở quê nhà vay nợ nhiều. Người vay đa phần là những dân nghèo, toàn là những con nợ khó đòi, hỏi ai cũng chần chừ không nhận. Thấy vậy, Phùng Huyên đã tình nguyện nhận lấy công việc này.
Lúc sắp đi, Phùng Huyên có hỏi: Tiền nợ thu về được có định mua gì không? Mạnh Thường Quân đáp rằng: Ngươi xem trong nhà ta còn thiếu thứ gì thì mua thứ đó.
Đến nơi, Phùng Huyên cho gọi dân lại, bảo rằng: "Các người công nợ bao nhiêu, Thường Quân đều cho cả". Rồi đem giấy nợ ra đốt sạch.
Lúc Phùng Huyên trở về, Mạnh Thường Quân lại hỏi: Đi nhanh như vậy, ngươi đã làm xong việc chưa? Phùng Huyên trả lời rằng đã xong. "Vậy ngươi mua thứ gì?" Mạnh Thường Quân hỏi tiếp.
Phùng Huyên đáp rằng: "Nhà ngài châu báu đầy kho, chó ngựa đầy chuồng, người đẹp đầy nhà, không còn thiếu gì nữa. Chỉ còn thiếu một cái "nghĩa" tôi trộm phép vì ngài mà mua về. Quê nhà là nơi để đi về lúc khó khăn, ngài không nên kiếm tiền từ nơi đó, ngược lại còn phải yêu thương cư dân nơi đó như con! Ta đã tự tiện giả truyền mệnh lệnh của ngài, đem tiền bạc ban cho dân chúng, lại đốt rụi tất cả các giấy ghi nợ, dân chúng hô vang tên ngài. Đây không phải mua "nghĩa" sao?.
Mạnh Thường Quân nghe xong chưa thấy chắc chắn lắm, trong lòng không vui, nhưng cũng không nói thêm gì.
Một năm sau, vì nghi ngờ, Tề Vương đã đuổi Mạnh Thương Quân về quê. Về đến nơi, già trẻ trai gái đều đổ ra đường để đón ông, tình nghĩa tràn đầy, ấm áp vô cùng. Cuối cùng thì Mạnh Thường Quân cũng hiểu được "nghĩa" mà Phùng Huyên mua cho là gì.
Phùng Huyên năm lần bảy lượt đưa ra những yêu cầu vô lý để thử lòng ông chủ của mình. Dù thế nào Mạnh Thường Quân cũng đáp ứng, không hề ghét bỏ. Có như vậy, Phùng Huyên mới hết lòng cống hiến. Không chỉ riêng lần này, sau Phùng Huyên còn là trợ thủ đắc lực, giúp Mạnh Thường Quân được Tề Vương tín nhiệm trở lại.
Của cải chỉ là vật ngoài thân, tạo ân nghĩa cho người mới là cái lợi muôn đời. Bỏ tiền mà mua được lòng người của cả một khu vực thì dù giá nào cũng là rẻ.
Theo Lê Dương
Trí thức trẻ/Epoch times