Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Không sắm siêu xe, biệt thự hay cho con cái hưởng thụ khối tài sản kếch xù, người giàu ở Nhật tiêu tiền khác biệt như thế nào?

16/05/2020 09:51

Thay vì ở trong những căn biệt thự đồ sộ, sở hữu bộ sưu tập xế hộp sang chảnh, giới nhà giàu Nhật Bản lại lựa chọn cuộc sống hoàn toàn khác biệt.

Thay vì ở trong những căn biệt thự đồ sộ, sở hữu bộ sưu tập xế hộp sang chảnh, giới nhà giàu Nhật Bản lại lựa chọn cuộc sống hoàn toàn khác biệt.

Thế nào là người giàu ở Nhật?

Ở Nhật Bản, không có sự khác biệt quá rõ ràng giữa người giàu và người nghèo. Người ta thường nói rằng ở Nhật, bạn có thể sống ngay bên cạnh một triệu phú mà không hề hay biết vì ngôi nhà của hai người trông giống nhau, không có quá nhiều sự khác biệt. Dù giàu có nhưng người Nhật rất ngại phô trương tài sản của mình. Sẽ chẳng mấy ai đến Nhật mà được chứng kiến hàng dãy siêu xe, biệt thự khổng lồ, du thuyền hay máy bay riêng, các khu nhà giàu kiểu như Beverly Hills hay Palm Beach ở Mỹ.

Nhiều người giàu ở Nhật Bản không thể hiện sự giàu có của mình. Vậy làm thế nào để xác định một người giàu ở Nhật Bản? Theo Atsushi Miura, tác giả của cuốn "The New Rich" cho biết, ngành công nghiệp tài chính nước này coi một người là giàu có nếu lợi tức hàng năm của họ vượt ngưỡng 30 triệu yên và họ phải có tài sản ít nhất là 100 triệu yên (khoảng hơn 21 tỷ đồng).

Có khoảng 1,3 triệu người Nhật Bản đang có số tài sản như trên, tương đương 1% dân số nước này. Một cách khác để xác định người giàu là họ có xu hướng sống nhờ khoản lãi từ tài sản mà không phải động đến tài sản gốc. Trong nghiên cứu của mình, Miura nhận thấy rằng 1% dân số giàu có này của Nhật Bản có khuynh hướng tránh phô trương. Họ không xây lâu đài (lâu đài thực sự chứ không phải các căn hộ) và họ cũng không hề tiêu tiền một cách bừa bãi.

Người giàu ở Nhật có lối sống khác biệt.

Những người nghiên cứu đã phân chia nhóm người giàu có tại Nhật Bản thành nhiều phân khúc. Phân khúc đầu tiên bao gồm những đứa trẻ có cha mẹ giàu có. Họ thấy rằng, những đứa trẻ này không đặt nặng việc được thừa kế tài sản (theo nghĩa đen) hoặc mong muốn kế thừa nó. Thay vào đó, họ tìm cách học hỏi từ cha mẹ và bắt tay vào các chiến lược đầu tư riêng của mình.

Một phân khúc khác là các cặp vợ chồng quyền lực. Theo đó, họ là các cặp vợ chồng, cặp đối tác làm việc và mang về nhà khoản thu nhập chung ít nhất là 10 triệu yên một năm (khoảng 2 tỷ đồng). Họ thường nhờ đến các nhà hoạch định tài chính để khuyên họ cách quản lý tiền sao cho khoa học nhất bởi họ không có thời gian làm điều đó. Họ tiêu tiền của mình một cách tự do, nhưng chủ yếu là tiêu cho dịch vụ giữ nhà và chăm sóc sức khỏe cá nhân.

Một nhóm nhà giàu khác rơi vào những người già nghỉ hưu, họ am hiểu về công nghệ và dành nhiều thời gian để online. Họ hiểu cách thế giới đang vận hành và có những khoản đầu tư thông qua Internet. Họ biến các khoản đầu tư này là nơi sản sinh ra lợi nhuận.

Cách nhà giàu Nhật tiêu tiền

Theo trang Japan Times, người giàu có tại Nhật Bản sẽ tiêu tiền vào những thứ họ thích và có xu hướng ủng hộ cho những giá trị "vô hình". Ví dụ như họ bỏ tiền vào những quỹ bảo trợ nghệ thuật, đồ trang sức hoặc dùng tiền để đi du lịch. Người giàu ở Nhật cũng chuộng dùng hàng nội địa hơn.

Theo tác giả Atsushi Miura, từ năm 2015, người Nhật có xu hướng mua những sản phẩm nội địa và đi du lịch trong nước, họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm được sản xuất tại chính Nhật Bản thay vì hàng nhập khẩu giá thành có cao hơn nhiều đi chăng nữa. Miura cho rằng người Nhật Bản đang thể hiện lòng tự tôn đối với dân tộc, thể hiện trách nhiệm công dân của chính mình đối với đất nước.

Theo một nghiên cứu cho biết, nếu người Nhật kiếm được nhiều tiền, thứ đầu tiên họ mua là một chiếc điện thoại thông minh. Danh sách xếp hạng những món đồ người Nhật sẵn sàng chi trả bao gồm: smartphone, laptop, xe đạp, một chiếc loa nhỏ và vị trí thứ 8 thuộc về mua nhà.

Người Nhật thích mua điện thoại di động hơn.

Ở một số đất nước, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước nên chi phí đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí nhà ở. Do đó, biệt thự thường đắt hơn và chung cư rẻ hơn. Vì thế, người giàu thường chọn những mảnh đất rộng ở ngoại ô để xây những căn biệt thự thật lớn để thể hiện mức độ giàu có của mình. Tuy nhiên, người giàu ở Nhật có xu hướng tránh phô trương không cần thiết.

Ở Nhật, khi ra khỏi trung tâm thành phố thì hầu hết người dân đều sở hữu nhà riêng, đất đai thuộc quyền sở hữu tư nhân nhưng đa phần đó lại là những gia đình có mức sống trung bình. Ngược lại, chung cư lại là lựa chọn của nhiều người giàu Nhật Bản. Với lý do là vì vị trí tốt, nằm ngay trong trung tâm thành phố có an ninh đảm bảo, gần ga tàu điện ngầm và có nhiều tiện ích, dịch vụ vệ sinh.

Để có các tiện ích đó, căn hộ chung cư cũng phải trả phí quản lý, phí đỗ xe... Xét về giá trung bình, căn hộ chung cư ở Tokyo cao hơn một ngôi nhà ngoại ô. Người giàu ở Nhật Bản không xây biệt thự, lâu đài và luôn giữ tâm niệm rằng "không ném tiền ra cửa sổ một cách bừa bãi".

Người giàu ở Nhật thích chung cư hơn.

Đối với người Nhật, xe hơi cũng giống như các vật dụng khác trong gia đình như máy giặt, tủ lạnh, tivi… chứ không phải biểu tượng cho sự giàu có và khẳng định địa vị xã hội. Vì thế trong báo cáo doanh số bán xe hàng năm của Nhật Bản, trong số 10 mẫu xe đắt hàng nhất thì vị trí quán quân luôn thuộc dòng xe động cơ nhỏ, tiện dụng.

Một lý do nữa để người Nhật không mấy mặn mà với xe hơi là do chính phủ Nhật Bản đang thực hiện chiến dịch bảo vệ môi trường và hạn chế khí thải độc hại, phát triển giao thông công cộng cùng với những loại phương tiện thân thiện với môi trường. Người Nhật có thói quen sử dụng tàu điện ngầm và đi bộ hơn là ngồi trên một chiếc xe ít nhiều gây ô nhiễm môi trường.

Suy nghĩ khác biệt

Người giàu Nhật ý thức được sự giàu có của chính mình và coi trọng những thành quả mình làm ra. Họ nhận thức rất rõ rằng không ai sinh ra đã tự nhiên giàu có. Vì vậy, có rất ít người giàu không đi làm, ở nhà hưởng thụ, sống nhờ các khoản đầu tư. Dù tầng lớp xã hội ra sao, họ vẫn ra khỏi nhà đi làm từ sáng sớm và về nhà vào buổi chiều muộn.

Không giống những thế hệ thừa kế giàu có ở các đất nước khác, thật khó có thể tìm được hình ảnh và thông tin về những "cậu ấm cô chiêu" ở Nhật Bản với cuộc sống hưởng thụ, đi siêu xe hay phủ đầy hàng hiệu quanh mình. Bởi lẽ, người giàu ở Nhật không cho con cái mình tiền để ăn chơi mà cho họ một nền tảng giáo dục tốt.

Người giàu tại Nhật luôn ý thức được sự giàu có của mình thông qua những nỗ lực của bản thân. Ngay cả những người thừa kế tài sản cũng phải tìm việc làm và làm việc cả đời, không có khái niệm về những "người giàu vô dụng" tại quốc gia này. Trên thực tế, những gì con cái của người giàu Nhật Bản được thừa hưởng không phải là tiền mà là những công cụ để kiếm tiền: triết lý giáo dục, sự hiểu biết cơ bản về giá trị của đồng tiền và sức lao động.

Thế hệ trẻ ở Nhật thừa kế gia sản của cha mẹ được dạy dỗ vô cùng nghiêm khắc.

Con nhà giàu Nhật Bản sẽ học tập từ cha mẹ chúng các ví dụ và rồi sau đó tự áp dụng vào thực tế để có kinh nghiệm cũng như tự xây dựng được những chiến lược kinh doanh riêng. Trong giới con nhà giàu Nhật, có tới hơn 50% người tự có khả năng kinh doanh độc lập, tự làm giàu mà không cần tới khối tài sản khổng lồ hay mối quan hệ của cha mẹ để lại.

Khiêm nhường, không thích phô trương, quý trọng nỗ lực tự thân chính là đức tính của người giàu Nhật Bản mà bất cứ ai cũng nên học tập. Một trong những ví dụ điển hình nhất của việc người Nhật không thích khoe khoang tài sản chính là câu chuyện ông Hakura Nishimatsu, cựu chủ tịch kiêm CEO của hãng hàng không Japan Airlines có một cuộc sống vô cùng giản dị. Ông thường xuyên ăn trưa với nhân viên trong căng tin của công ty và đi lại bằng tàu điện thường thay vì sử dụng xe hơi đắt tiền.

Seiji Hirota, 43 tuổi, Giám đốc điều hành của một chuỗi cửa hàng xe hơi cho hay: "Tôi thích kiếm tiền và có thể làm việc gấp đôi so với người bình thường. Tuy nhiên, tôi không có hứng thú với việc mua sắm. Tôi muốn dùng số tiền mình kiếm được để tiếp tục đầu tư vào công việc kinh doanh. Điều đó mang lại cho tôi sự hài lòng hơn rất nhiều so với việc mua sắm đồ đạc".

Một tỷ phú Nhật giản dị đi ăn uống cùng với các nhân viên của mình.

Ông Hirota cũng cho hay, ông muốn dùng tiền để làm một điều gì đó có ích cho xã hội trong tương lai không xa. "Hoàn cảnh của cha mẹ đơn thân ở Nhật đang vô cùng khó khăn. Tôi muốn dùng tài sản của mình để làm một điều gì đó có ích cho họ", ông Hirota nói.

Rõ ràng, người Nhật không lựa chọn hưởng thụ khối tài sản khổng lồ của mình làm được bằng cách tiêu xài hoang phí, ăn chơi trác táng, họ sử dụng tài sản và thành quả của mình làm ra để thực hiện những điều có ích và có ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

Nguồn: Japan Times, Japan Today

Diệp Lục

Theo Tổ Quốc