Không thông qua ngân sách, đóng cửa chính phủ chỉ vì dồn tiền xây một bức tường biên giới: Ông Trump đang đưa nước Mỹ đến bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng?

24/12/2018 12:33

Trong khi Tổng thống Trump đóng cửa chính phủ Mỹ vì tranh cãi xây dựng một bức tường biên giới với Nghị viện thì nền kinh tế nước này đang đứng trước rủi ro khủng hoảng lớn chưa từng có từ năm 2008 đến nay.


Trong khi Tổng thống Trump đóng cửa chính phủ Mỹ vì tranh cãi xây dựng một bức tường biên giới với Nghị viện thì nền kinh tế nước này đang đứng trước rủi ro khủng hoảng lớn chưa từng có từ năm 2008 đến nay.

Vào ngày 21/12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho một cuộc đóng cửa chính phủ kéo dài".

Đây là lần rất hiếm hoi Tổng thống Trump sử dụng từ "chúng ta" thay cho từ "tôi" mà ông vẫn thường dùng trong các bài phát biểu.

Theo giới truyền thông, việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa trong mùa lễ Giáng sinh năm nay là do quyết định cứng rắn của Tổng thống Trump. Các nghị sĩ đã đề xuất một gói ngân sách không tài trợ cho việc xây dựng bức tường ngăn cách tại biên giới Mỹ-Mexico nhưng Tổng thống Trump đã nhất quyết bác bỏ chúng cho dù có phải đóng cửa chính phủ trong ngày lễ.

Trước đây vào năm 1996, chính phủ Mỹ đã từng phải đóng cửa trong ngày lễ Giáng sinh khiến hơn 1 triệu nhân viên công vụ phải nghỉ việc không lương tạm thời, đi cùng với đó là khoản bồi thường hơn 400 triệu USD cho các công chức vì sự xáo trộn trong ngày lễ Giáng sinh này. Tệ hơn, hàng triệu công dân Mỹ và các doanh nghiệp cần hành chính công cũng như thanh toán lương, kết toàn thuế… sẽ bị ảnh hưởng.

Đây thực sự là một tin không vui cho nền kinh tế Mỹ năm 2018. Thị trường chứng khoán Mỹ đã có 1 tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng thập niên 1930 trong khi chứng khoán toàn cầu đã mất gần 7 nghìn tỷ USD trong năm nay, một kết quả tồi tệ nhất kể từ khủng hoảng năm 2008.

Giữa bối cảnh rối ren đó, việc Tổng thống Trump cho đóng cửa chính phủ khiến mọi người lo ngại Nhà Trắng có thể đưa ra những quyết định gây sốc hơn nữa trong tương lai.

Không thông qua ngân sách, đóng cửa chính phủ chỉ vì dồn tiền xây một bức tường biên giới: Ông Trump đang đưa nước Mỹ đến bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng? - Ảnh 1.

Những rủi ro tiềm ẩn

Mặc dù nền kinh tế Mỹ trong những năm vừa qua đã tăng trưởng khá, lượng việc làm cũng nhiều hơn và là một trong những điểm sáng hiếm hoi của kinh tế toàn cầu nhưng ẩn sau đó là những rủi ro tiềm ẩn.

Kinh tế Mỹ phụ thuộc phần lớn vào thị trường tiêu dùng mà nếu không chi tiêu, các doanh nghiệp chẳng có lý do gì để sản xuất cũng như cung ứng dịch vụ. Tại Mỹ, thị trường tiêu dùng chiếm tới 70% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp Mỹ, phần còn lại là thuộc về chi tiêu công và xuất khẩu.

Trớ trêu thay, ngành xuất khẩu của Mỹ đang lao đao bởi cuộc chiến thương mại. Sự giảm tốc của thị trường Trung Quốc và châu Âu vốn đã làm đau đầu các ông chủ Mỹ thì nay xung đột thương mại càng khiến họ gặp khó trong việc tiếp cận các thị trường quốc tế.

Trong nước, chính phủ Mỹ hạn chế chi tiêu công do nợ công đã tăng quá cao, đây là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Trump và Nghị viện không thống nhất được ngân sách.

Đặc biệt, thị trường tiêu dùng Mỹ chẳng có nhiều tiến triển bất chấp việc Tổng thống Trump cắt giảm thuế. Phần lớn chính sách giảm thuế của Tổng thống Trump nhắm đến các doanh nghiệp và giới nhà giàu. Hệ quả là những khoản giảm thuế chỉ khiến người giàu nhiều tiền hơn trong khi tầng lớp lao động bình dân không được hưởng mấy.

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 vẫn khiến nhiều người ám ảnh và thích tiết kiệm hơn chi tiêu. Dù lượng việc làm nhiều hơn nhưng thu nhập khả dụng của người lao động Mỹ lại tăng quá chậm và không theo kịp tốc độ lạm phát. Tệ hơn, phần lớn công việc mới tăng thêm thuộc loại bán thời gian hoặc có mức lương thấp, khiến nhiều người Mỹ phải lao đao với những chi phí nhà ở, y tế, giáo dục.

Không dừng lại ở đó, việc Nhà Trắng cải cách lại hệ thống y tế, buộc nhiều người nghèo phải thanh toán nhiều hơn, giảm mức bảo hiểm, cho phép các bang cắt trợ cấp y tế hay loại bỏ giá trần của nhiều mặt hàng càng khiến người dân Mỹ sống trong khó khăn.

Trái ngược lại, tầng lớp thượng lưu tại Mỹ lại ngày càng giàu lên nhờ đóng ít thuế hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ không chỉ dựa vào những ông chủ doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của tầng lớp trung lưu, lao động cũng như người nghèo Mỹ. Hệ quả là nền kinh tế số 1 hiện nay đang ngày càng chứa nhiều rủi ro tiềm ẩn khi những đối tượng chính thúc đẩy tăng trưởng bị bỏ qua.

Không thông qua ngân sách, đóng cửa chính phủ chỉ vì dồn tiền xây một bức tường biên giới: Ông Trump đang đưa nước Mỹ đến bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng? - Ảnh 2.

Thu nhập thấp trong khi lạm phát và chi tiêu ngày một cao khiến người dân Mỹ vay nợ càng nhiều. Tính đến quý III năm nay, tín dụng hộ gia đình tại Mỹ đã lên đến 13,5 nghìn tỷ. Khoảng 80% dân số Mỹ hiện nay ngập trong nợ nần và phần lớn thu nhập dùng để trả nợ.

Trong bối cảnh đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) lại quyết định tăng lãi suất liên tiếp 4 lần với quan điểm nền kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt trở lại. Trên thực tế, ngay cả khi FED không tăng lãi suất, người tiêu dùng nước này cũng đã quá khó khăn và nền kinh tế thì không bền vững chút nào. Thị trường bất động sản thế chấp, vay nợ mua ô tô hay tín dụng sinh viên đang ngày một lớn và có thể xì hơi bất cứ khi nào.

Lần cuối cùng tỷ lệ nợ hộ gia đình tại Mỹ cao như hiện nay là vào năm 2007, ngay trước khi cuộc đổ vỡ thị trường bất động sản và khủng hoảng tài chính diễn ra. Tương tự như cuộc Đại khủng hoảng 1913 hay 1928, tỷ lệ tín dụng cá nhân và nợ hộ gia đình cũng cực cao trước khi nền kinh tế bất ngờ đổ vỡ.

Khủng hoảng năm 2019?

Theo tờ The Guardian, cốt lõi vấn đề hiện nay của nền kinh tế Mỹ không phải là người dân có thể sống khá giả đến đâu mà là mức thu nhập của họ không thể theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dù nền kinh tế vĩ mô có tốt đến thế nào nhưng người dân không được phân phối lợi nhuận công bằng thì họ vẫn sẽ phải dựa vào nợ để duy trì cuộc sống, trong khi lạm phát và chi phí ngày càng tăng cao do kinh tế đi lên.

Nếu mức lương không tăng kịp tốc độ tăng trưởng, lao động bình dân sẽ khó lòng chi tiêu nếu không vay nợ, nhưng cuộc khủng hoảng 2008 khiến họ ngại vay nhiều và hậu quả là thị trường giảm cầu. Như vậy, nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào chi tiêu trong nước sẽ chẳng thể tăng trưởng bền vững được lâu nếu tình trạng này tiếp tục.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năm 1929 và 2008.

Sau cuộc Đại khủng hoảng 1929, chính phủ Mỹ đã tăng lương cho phần lớn người lao động, bao gồm các phúc lợi xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, lương làm thêm giờ, lương tối thiểu… qua đó hồi phục dần lại tăng trưởng cũng như chất lượng sống của người dân.

Trái ngược lại, sau cuộc khủng hoảng 2008, chính quyền Washington dù đã thắt chặt hệ thống tài chính cũng như bơm lượng lớn tiền cho nền kinh tế nhưng chẳng có động thái thực sự nào giải quyết tình trạng mức lương không theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Không thông qua ngân sách, đóng cửa chính phủ chỉ vì dồn tiền xây một bức tường biên giới: Ông Trump đang đưa nước Mỹ đến bờ vực khủng hoảng nghiêm trọng? - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Giờ đây, những bộ óc thiên tài trong Nhà Trắng hay những chuyên gia giàu kinh nghiệm hoạch định chính sách có vẻ chưa nhận ra rằng cốt lõi của các cuộc khủng hoảng không nằm ở hệ thống ngân hàng. Chúng chỉ là phần ngọn. Gốc rễ nằm ở sự mất cân đối giữa thị trường tiêu dùng và tổng sản lượng sản xuất, dẫn đến mức lương tăng chậm và gây ra bất bình đẳng thu nhập xã hội.

Những rủi ro cho cuộc khủng hoảng lặp lại đang ngày một rõ ràng, và việc Tổng thống Trump không thông qua ngân sách, đóng cửa chính phủ chỉ vì dồn tiền xây một bức tường biên giới đang làm tình hình ngày càng tệ hơn.


AB

Theo Thời Đại/The Guardian