Dù đang là mùa du lịch nhưng du khách đến phố cổ Hội An (Quảng Nam) thời điểm này thưa vắng hơn rất nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, do không có "khách ngoại" nên nhiều hàng quán vẫn đang "ngủ" sâu.
Hội An đìu hiu - Đà Nẵng đã nhộn nhịp trở lại
Chúng tôi đến với Hội An những ngày đầu tháng 7, dù nơi đây đang nỗ lực kêu gọi "kích cầu du lịch", tuy nhiên theo ghi nhận, những ngày này các con phố cổ ở Hội An chẳng còn đông đúc, tấp nập như trước khi xảy ra dịch Covid-19, thay vào đó là sự vắng lặng, đìu hiu đến lạ thường.
Theo người dân, kể từ khi Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đây là lần đầu họ thấy thành phố này yên tĩnh đến thế. Dạo một vòng quanh đô thị cổ, nhiều hàng quán vẫn đang cửa đóng then cài, còn các khách sạn, homestay thì chỉ lác đác khách.
Phố cổ Hội An là điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp dịu dàng, cổ kính. Tuy nhiên, Covid-19 đã khiến ngành du lịch Hội An chịu thiệt hại nặng nề. Ảnh: Hòa Trần.
Trái ngược với trước đây, bây giờ việc tìm đồ ăn ngon hoặc nơi dừng chân vui chơi trong khu phố cổ cũng khá khó khăn. Do đó, nhiều khu khách đến Hội An tham quan, chụp ảnh xong rồi lại phóng xe ra Đà Nẵng để ăn uống và lưu trú, càng khiến ngành "công nghiệp không khói" của Hội An thêm ảm đạm.
Chị Lê Thị Thu, du khách đến từ Hà Tĩnh cho biết: "Đây là lần thứ 2 mình đến Hội An. Nhưng khác với cảnh nhộn nhịp như hè năm ngoái, năm nay do dịch Covid-19, nhiều hàng quán vẫn chưa mở cửa trở lại nên phố cổ trông buồn quá. Chiều nay gia đình mình quyết định dạo chơi, chụp ảnh ở Hội An xong thì sẽ ra Đà Nẵng ăn tối và ở lại đó luôn".
Dù chính thức đón khách trở lại từ 1/6, nhưng hiện lượng khách đến Hội An vẫn khá khiêm tốn.
Theo ghi nhận, hiện Hội An chỉ có khách nội địa và vắng bóng khách du lịch nước ngoài.
Ngồi trong tiệm bán đồ lưu niệm với gương mặt buồn hiu, bà Bùi Thị Phước Hiền, chủ lò gốm ở làng gốm Thanh Hà (Hội An), cho biết trước đây mỗi ngày cơ sở của bà đón gần 20 đoàn khách, trong đó chủ yếu là khách nước ngoài. Nhưng từ sau dịch Covid-19, hằng ngày chỉ lác đác vài khách nội địa đến tham quan, "ngó ngó nhìn nhìn" rồi... bỏ đi.
"Hơn 1 tháng nay, làng gốm mở cửa đón khách trở lại, nhưng khách đến đây hầu hết là người Việt đi riêng lẻ. Vắng khách ngoại khiến việc buôn bán của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Từ hôm qua đến giờ tôi vẫn chưa bán được gì cả", bà Hiền, thở dài chia sẻ.
"Hội An mấy tháng nay cứ như thời bao cấp! Tình hình này kéo dài thêm vài tháng nữa thì chắc 'chết' quá chú ơi", bà Hiền, chủ cơ sở làm gốm Thanh Hà, than vãn với PV.
Nhiều cửa hàng nằm trên các tuyến đường trung tâm của phố cổ Hội An vẫn đang "ngủ" sâu vì vắng "khách ngoại".
Được biết, dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch Hội An bị ảnh hưởng nặng nề. Lượng vé tham quan bán được trong 6 tháng đầu năm nay giảm đến 82% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, khách quốc tế chiếm hơn 327 nghìn lượt (chỉ tính 2 tháng Tết), còn khách nội địa chỉ khoảng 30 nghìn lượt.
Nằm cạnh Hội An và cũng gánh chịu thiệt hại nặng nề trong cơn "bão dịch", tuy nhiên ngành du lịch Đà Nẵng đang có tín hiệu phục hồi nhanh hơn. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,87 triệu lượt, giảm 55,9% so với cùng kỳ 2019; trong đó, khách quốc tế ước đạt 667.048 lượt, giảm 62,2%, còn khách nội địa ước đạt 1,2 lượt, giảm 51,4%.
Các chuyên gia nhận định thì đây là những con số khả quan, chứng tỏ các chương trình kích cầu du lịch mà Đà Nẵng triển khai trong thời gian qua đang có hiệu quả.
Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài Đà Nẵng bắt đầu đông khách trở lại sau thời gian đóng cửa phòng dịch Covid-19.
Rất đông du khách đến xem múa lân tại Công viên Châu Á - Asia Park ở Đà Nẵng vào các tối thứ 6, 7 và chủ nhật hằng tuần.
Các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ người dân và du khách ở Đà Nẵng đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau dịch Covid-19.
Thực tế, ghi nhận của PV cũng cho thấy, hiện hầu hết các hàng quán, khách sạn ở Đà Nẵng đã đón khách trở lại. Tại các bãi biển, khu vui chơi, điểm tham quan ở Đà Nẵng đã dần đông đúc. Đặc biệt, khu vực dọc 2 bờ sông Hàn, công viên châu Á Asia Park, chợ đêm Helio và chợ đêm Sơn Trà,... hằng đêm đều tấp nập người dân và du khách đến vui chơi, ăn uống và mua sắm.
Chị Lý Thị Minh, hướng dẫn viên du lịch cho biết: "Từ đầu tháng 6 đến nay, tôi đã dẫn nhiều đoàn khách Việt đến Hội An, tuy nhiên đa số chỉ đi dạo quanh khu phố cổ để chụp ảnh rồi sau đó lại ra Đà Nẵng để lưu trú và vui chơi ban đêm tại các khu vực cầu Rồng, cầu tình yêu, hay Công viên châu Á Asia Park, chợ đêm Helio,... Việc nhiều hàng quán ở Hội An vẫn chưa hoạt động trở lại khiến đô thị cổ này mất đi sự quyến rũ, lôi cuốn vốn có về ban đêm".
Lượng vé tham quan bán được trong 6 tháng đầu năm nay của Hội An giảm khảng 82% so với cùng kỳ.
Hội An loay hoay kích cầu du lịch nội địa
Trao đổi với PV, bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP Hội An, cho biết do khách nước ngoài chưa quay lại nên hiện Hội An đang dốc sức kích cầu du lịch nội địa. Tuy nhiên, hiện lượng khách đến Hội An vẫn khá khiêm tốn, chủ yếu tập trung vào các ngày cuối tuần.
Thời gian qua, Hội An cũng đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động được chuẩn bị chỉn chu, công phu, nhằm thu hút du khách trong nước. Có thể kể đến là các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, mang đậm giá trị văn hóa như nghệ thuật bài chòi, cùng các trò chơi dân gian truyền thống bịt mắt đập nồi, bịt mắt đánh trống, ném vòng cổ chai…
Ngoài ra, đến Hội An dịp này, du khách sẽ được trải nghiệm làm lồng đèn, hoa đăng, trình diễn đàn piano, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, chương trình nghệ thuật dân ca và múa dân gian, biểu diễn nghệ thuật cổ truyền, trình diễn "Trang phục Hội An - Ký tức thời gian" và các hoạt động mới như vẽ mặt nạ gốm…
"Hội An cũng đã trình tỉnh việc miễn giảm 50% giá vé và đang cố gắng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới để thu hút khách nội địa... Sắp tới, Hội An cũng sẽ tổ chức Lễ hội văn hóa Hội An - Nhật Bản. Đồng thời tham gia Tuần lễ Văn hóa Du lịch Hội An - Cao Lãnh (Đồng Tháp) từ ngày 27 đến 30/7, để kích cầu du lịch.", bà Cẩm, chia sẻ.
Hiện Hội An không có nhiều điểm vui chơi, nhà hàng phục vụ đối tượng khách nội địa như Đà Nẵng.
Nhiều tuyến đường như Bạch Đằng, Trần Phú, Nguyễn Thái Học… vốn sầm uất, du khách tấp nập, nhưng nay yên ắng, cô quạnh rộng lối.
Không khó bắt gặp những tấm bảng cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng, sang nhượng lại cửa hàng xuất hiện trên những tuyến phố vốn rất sầm uất trước đây ở Hội An.
Tuy nhiên, là người nhiều năm gắn bó và tâm huyết với du lịch Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin, cũng thừa nhận khách nước ngoài ở Hội An vốn chiếm hơn 60%, do đó việc kích cầu nội địa tại đây đang gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương khác.
Theo báo cáo, hiện 90% các cơ sở lưu trú tại Hội An đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đa số khách sạn chỉ có khách vào những ngày cuối tuần. Khách lưu trú tập trung chủ yếu ở các villa, homestay và các cơ sở ven biển.
Đặc biệt, theo nhiều cơ sở lưu trú có quy mô lớn, việc mở cửa trở lại với lượng khách ít như hiện nay vẫn không đủ trang trải chi phí cho những ngày hoạt động, có khả năng lỗ. Do đó, nhiều doanh nghiệp cho biết, họ sẽ xem xét, cân nhắc đóng cửa trở lại.
Tại khu phố cổ, một số nhà đã mở cửa hoạt động trở lại nhưng chủ yếu là bán nước, đồ ăn vặt.
Một quán cà phê ven sông Hoài (Hội An) đã mở bán trở lại nhưng không có khách.
Khi PV đề cập đến việc Hội An đã mở cửa đón khách trở lại hơn 1 tháng nay nhưng hiện nhiều hàng quán tại khu phố cổ vẫn đang "ngủ" sâu, ông Lanh cho biết đây cũng là "cơn đau đầu" mà Hội An đang cố gắng giải quyết. Theo ông Lanh, không phải là các hàng quán phân biệt khách nội và ngoại, mà thực tế sức tiêu thụ của du khách Việt ở Hội An không nhiều bằng khách quốc tế.
"Nếu mở cửa thì họ phải trả tiền thuê mặt bằng, nhân viên và đóng thuế, trong khi ít khách, bán không được thì sẽ lỗ. Vừa rồi, thành phố cũng đã họp bàn sẽ giảm thuế, đồng thời đang vận động, kêu gọi các chủ mặt bằng giảm tiền thuê cho các hàng quán để cưu mang, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn chung", ông Lanh, chia sẻ.
Cũng theo ông Lanh, trước đây nhiều hàng quán tập trung phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách quốc tế thì nay họ đang bắt đầu "trở bộ", chuyển đổi các sản phẩm kinh doanh để phù hợp với sở thích của khách nội địa. Tuy nhiên, việc này cũng cần thời gian để thích ứng…
Du lịch hiện chiếm 70% tỷ trọng nền kinh tế Hội An.
Qua tiếp xúc và sự cầu thị của ông Lanh, bà Cẩm - những người đang trực tiếp làm công tác quản lý du lịch Hội An, chúng tôi cảm nhận được cái tâm của họ trong việc nỗ lực kích cầu du lịch nội địa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Hội An vốn là điểm đến thụ động, không có các công ty lữ hành mạnh như tại Đà Nẵng để đưa khách du lịch đến với địa phương.
Không chỉ vậy, đặc thù của Hội An xưa nay chủ yếu đón khách quốc tế, còn khách nội địa thường chỉ coi đây là điểm đến cộng thêm của Đà Nẵng. Đa số khách Việt đều lựa chọn lưu trú tại Đà Nẵng và chỉ xuống Hội An dạo phố chốc lát rồi lại về "thành phố đáng sống" nghỉ ngơi, vui chơi giải trí. Do đó, hiện Hội An đang gặp quá nhiều cái khó và bất lợi trong cuộc chiến giành khách nội với những nơi khác. Tôi chợt chạnh lòng khi nhớ lại cái thở dài đầy trăn trở của ông Lanh trong lúc trả lời phỏng vấn. Đến bây giờ, việc khuyến mãi miễn giảm vé tham quan của Hội An vẫn đang… chờ tỉnh thông qua!