Facebook đang trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi ra đời, trở thành tâm điểm chỉ trích của không chỉ giới cầm quyền, cổ đông mà còn từ công chúng và người dùng. Trong khi đó, ông chủ Mark Zuckerberg cũng đang phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu sớm từ chức.
Chưa hết vận đen
Mới đây, một số nhà đầu tư lần nữa yêu cầu thay đổi vị trí lãnh đạo của Facebook. Nếu Zuckerberg vẫn muốn ở lại vị trí lãnh đạo, họ muốn ông ít nhất cũng phải từ bỏ vai trò kép CEO và chủ tịch. Trong trường hợp Mark từ chức chủ tịch thì các cổ đông đề nghị chỉ định một giám đốc độc lập để giám sát hội đồng quản trị.
Trước đó, bốn quỹ đại chúng lớn của Mỹ nắm giữ cổ phần trong Facebook đã đề xuất loại CEO Mark Zuckerberg khỏi vị trí chủ tịch. Nhiều người khuyến nghị, trong tình cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện nay, Mark nên khôn khéo rút lui và tuyên bố nhiệm vụ của mình đối với Facebook đã hoàn thành.
Tuy nhiên, với việc đang kiểm soát đến 60% cổ phiếu biểu quyết của Facebook, khó có khả năng Mark sẽ bị hất cẳng ra khỏi công ty mà mình sáng lập. Mark cũng đã khẳng định ông không có kế hoạch từ chức Chủ tịch Facebook.
Gần đây, Brazil, Latvia và Singapore chính thức yêu cầu ông chủ của Facebook ra điều trần trước quốc hội các nước này về những vấn đề liên quan đến thông tin sai lệch trên mạng xã hội này.
Tính đến nay đã có 8 quốc gia đưa ra yêu cầu trên (trước đó là Australia, Argentina, Ireland, Anh và Canada), tuy nhiên Facebook vẫn từ chối.
Chỉ mới cách nay một năm, nhiều người còn cho rằng Mark Zuckerberg nên tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới để có cơ hội trở thành người đầu tiên vừa đứng đầu nước Mỹ vừa là ông chủ của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, sang năm 2018, Zuckerberg đã dần đánh mất niềm tin, khi có hàng loạt quyết định sai lầm và phát ngôn không phù hợp trong các cuộc khủng hoảng.
Hàng loạt bê bối trong thời gian ngắn
Hai năm qua, Facebook đã dính vào hàng loạt bê bối và tai tiếng, gây mất niềm tin cho cả cổ đông lẫn người dùng. Vào cuối năm 2016, mạng xã hội khổng lồ này đã trở thành công cụ hiệu quả để nước Nga mua những quảng cáo chính trị.
Đến tháng 3 năm nay, các hãng tin lớn của Mỹ tiết lộ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook bị một hãng cố vấn chính trị có tên Cambridge Analytica khai thác để phục vụ cho các chiến dịch tranh cử, khiến nhiều người nghi ngờ về khả năng bảo vệ dữ liệu người dùng của Công ty này.
Tiếp đến, mùa hè vừa qua, Facebook chặn nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones - người sáng lập InfoWars vì vi phạm quy định liên quan đến phát ngôn thù địch và nội dung bạo lực. Jones bị công kích vì truyền bá những chuyện sai sự thật, tuy nhiên lệnh cấm này khiến người dùng nghi ngờ Facebook kiểm duyệt tiếng nói đối nghịch dù Công ty đã bác bỏ điều này.
Đến tháng 9, Facebook lại vướng vào tâm bão chỉ trích sau khi tiết lộ lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng một cách chậm trễ. Theo đó, tin tặc đã khai thác đoạn mã trong tính năng View As để đánh cắp thông tin cá nhân của 29 triệu tài khoản, bao gồm số điện thoại, sinh nhật, quê quán và sau đó nhiều tài khoản bị đăng xuất tự động, trong đó thậm chí có cả tài khoản của ông chủ Facebook.
Ngày 22/11 vừa qua, mạng xã hội này phải đồng ý trả hơn 100 triệu euro để chấm dứt một tranh cãi liên quan cáo buộc gian lận thuế từ các nhà chức trách Ý. Thỏa thuận này nhằm chấm dứt tranh cãi liên quan tới điều tra, truy vấn về thuế do các cảnh sát tài chính tiến hành theo yêu cầu của công tố viên Milan về hoạt động của Facebook giai đoạn 2010 - 2016.
Cổ phiếu suy giảm
Theo điều tra của thời báo New York, năm 2017 Facebook bị cáo buộc đã thuê một công ty quan hệ công chúng để thực hiện chiến dịch bôi nhọ những người phê phán mình.
Cụ thể, công ty Definers Public Affairs đã liên tiếp tung các thông tin xấu không chỉ nhằm vào tỷ phú George Soros mà còn tập trung vào các đối thủ công nghệ của Facebook như Apple và Goole, trong đó có CEO Apple Tim Cook.
Definers còn chĩa mũi nhọn vào các thượng nghị sĩ đã đặt câu hỏi cho bà Sandberg trong phiên điều trần quốc hội hồi tháng 9, cũng như tìm cách nói bớt, nói tránh về tác động của Nga trong việc can thiệp đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Về phần mình, Zuckerberg đã bác bỏ việc liên quan tới vụ việc này, và cho rằng "có lẽ ai đó trong đội truyền thông của Công ty đã thuê họ”.
Giới lãnh đạo Facebook đã làm mọi cách để bảo vệ hình ảnh của mạng xã hội này, bằng cách sử dụng các biện pháp vận động hành lang ráo riết và tận dụng quan hệ với Washington để chuyển hướng sang đối thủ và xoa dịu làn sóng chỉ trích.
Những thông tin trên như đổ thêm dầu vào lửa, khi mà Facebook đang cố tạo dựng lại lòng tin với hơn 2 tỷ người dùng, đồng thời đối mặt với khả năng bị quản lý chặt hơn từ nhà lập pháp.
Nghị sĩ David Cicilline, người được dự đoán sẽ trở thành chủ tịch tiếp theo của hội đồng chống độc quyền của Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ đặc trách về tư pháp, cho rằng Facebook không đáng tin tưởng để có thể tự quản lý.
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Dân chủ yêu cầu Bộ Tư pháp xem xét liệu Facebook có "trả thù các nhà phê bình hay công chức tìm cách quản lý nền tảng hay che giấu thông tin quan trọng trước công chúng" hay không.
Cổ phiếu Facebook đã giảm mạnh trong suốt thời gian qua, khi rớt gần 40% từ đỉnh cao 217USD/CP vào cuối tháng 7, hiện nay chỉ còn quanh 131USD/CP tính đến phiên ngày 23/11. Cổ phiếu của công ty này cũng trở thành tầm ngắm bán khống của nhiều nhà giao dịch khi đã rơi vào xu hướng giá xuống.
Quỹ Đầu tư Soros Fund Management của tỷ phú Soros đã bán sạch cổ phiếu của Facebook trong quý III, trước khi cổ phiếu này rớt thêm 20% kể từ đầu quý IV đến nay.