Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Khủng hoảng quyền lực Mỹ

24/08/2019 20:03

Dưới đây là nội dung bài viết với tiêu đề "Khủng hoảng quyền lực Mỹ" của tác giả J. Bradford DeLong đăng trên Project Syndicate. DeLong là giáo sư kinh tế Đại học California, nhà nghiên cứu tại Viện Quốc gia Mỹ về Nghiên cứu Kinh tế. Ông tham gia nhiều vào thương lượng ngân sách, thương mại khi còn là phó trợ lý cho bộ trưởng tài chính Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton. 

Các siêu cường trên thế giới luôn phải cay đắng thừa nhận họ thụt lùi trong khi đối thủ mạnh lên nhanh chóng. Mỹ đang rơi vào tình thế tương tự với Trung Quốc. Gần 150 năm trước, Đế quốc Anh phải đối mặt với mối đe dọa cạnh tranh từ Mỹ. Và vào thế kỷ 17, Cộng hòa Hà Lan là nước dẫn đầu còn Anh là đối thủ cạnh tranh.

Lịch sử cho thấy các siêu cường nên chuẩn bị cho một cuộc hạ cánh an toàn, bao gồm việc giữ mối quan hệ tốt với quốc gia kế nhiệm tiềm năng để giữ được vị thế ổn định trên thế giới sau khi tầm ảnh hưởng dần phai nhạt. Đáng buồn thay, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là nhà sử học. Và cách tiếp cận mang hướng đối đầu, không nhất quán của ông đối với Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích lâu dài của Mỹ.

Như Anh và Hà Lan trước đây, Mỹ là quốc gia có nền quân sự mạnh nhất thế giới với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Mỹ cũng sở hữu nhiều ngành công nghiệp năng suất cao nhất thế giới, đồng thời thống trị các lĩnh vực thương mại và tài chính.

Nhưng cũng như các quốc gia tiền nhiệm, Mỹ phải đối mặt với đối thủ đáng gờm – một quốc gia tự tin, đầy tham vọng với dân số lớn hơn, khao khát sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng toàn cầu, tin vào vận mệnh đã được sắp đặt để thay thế vị trí bá chủ hiện tại. Và trừ khi có biến cố lớn xảy ra, xu hướng tăng trưởng của kẻ thách thức gần như chắc chắn còn tiếp diễn.

Hiển nhiên các xung đột sẽ phát sinh. Quốc gia với khả năng kế nhiệm sẽ muốn tiếp cận nhiều thị trường và tài sản trí tuệ hơn những gì siêu cường đương nhiệm muốn cung cấp, và sẵn sàng tìm cách đoạt lấy những cơ hội này. Hơn nữa, siêu cường tiềm năng muốn có tầm ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế tương đương với sức mạnh mà lẽ ra phải một thời gian nữa họ mới có, không phải bây giờ.

Tất cả đều là những bất đồng chính đáng, và 2 cường quốc cần giải quyết chúng bằng cách phát triển và bảo vệ lợi ích riêng. Nhưng những căng thẳng này không vượt lên trên mối quan tâm chung về hòa bình và thịnh vượng trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là nhà sử học. Và cách tiếp cận mang hướng đối đầu, không nhất quán của ông đối với Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích lâu dài của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là nhà sử học. Cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích lâu dài của Mỹ. Ảnh: Getty Images.

Vậy siêu cường đương nhiệm cần làm gì?

Trong trường hợp Anh – Hà Lan, một loạt các xung đột thương mại và hải quân những năm 1600 dẫn đến sự ra đời của một loạt các từ ngữ mỉa mai trong ngôn ngữ Anh, như sách Hà Lan, hòa nhạc Hà Lan, sự dũng cảm kiểu Hà Lan, rời đi kiểu Hà Lan, kim loại Hà Lan, sơn ca Hà Lan, và tư duy kiểu Hà Lan. Tuy vậy, trong dài hạn, Anh đã chứng tỏ được sức mạnh của họ và trở thành siêu cường thế giới. Nhưng Hà Lan đã xây dựng được một cục diện nơi họ vẫn giữ vị thế ổn định trong thời gian dài sau khi thời kỳ thống trị kết thúc.

Sự thay đổi của Hà Lan từ đối lập sang hợp tác với Anh là một yếu tố quan trọng trong giai đoạn chuyển đổi. Vào ngày 24/10/1668, hướng gió thay đổi cho phép hạm đội của Hà Lan rời cảng để trợ giúp phe quý tộc Whig của Anh, từ đó chấm dứt sự thống trị tưởng chừng tuyệt đối của triều đại Stuart. Sau đó, mối quan tâm chung của 2 quốc gia trong vấn đề quyền lực nhà nước hạn chế, thịnh vượng thương mại và chống Công giáo đã hình thành nên nền tảng cho một liên minh lâu dài mà Hà Lan là đối tác cơ sở. Hoặc như một câu khẩu hiệu phổ biến những năm 1700, sẽ “không có giáo hội hoặc giày gỗ!”, trong đó vế sau là biểu tượng đương đại cho sự nghèo khó ở Pháp. Và với sự hậu thuẫn của Anh, Hà Lan vẫn giữ vị thế là một nước độc lập thay vì miễn cưỡng nằm dưới quyền kiểm soát của Pháp.

Hơn một thế kỷ sau, đế quốc Anh cuối cùng cũng áp dụng chiến thuật tương tác và hợp tác tương tự với Mỹ. Đỉnh điểm của việc này, như Harold Macmillan đã không sáng suốt (vì quá công khai) chỉ ra khi ông được chỉ định làm việc cho Tướng Eisenhower ở Bắc Phi trong Thế chiến II, là Anh với Mỹ như “người Hy Lạp với người La Mã”. Kết quả là Mỹ trở thành đồng minh địa chính trị trung thành nhất của Anh trong thế kỷ 20.

Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách Mỹ có thể học hỏi nhiều từ các động thái của Hà Lan và Anh, khi các siêu cường này tìm cách rút lui êm đẹp. Thêm vào đó, họ có thể tham khảo “Nguồn gốc hành vi Liên Xô”, một bài báo năm 1947 của nhà ngoại giao Mỹ George F. Kennan có nội dung ủng hộ chính sách kiềm chế của Mỹ với Liên Xô.

Có 3 điểm nổi bật trong lập luận của Kennan.

Thứ nhất, ông viết, các nhà hoạch định chính sách Mỹ không nên hoảng loạn, mà thay vào đó nhận định và hành động dựa trên xu hướng lâu dài. Thứ hai, Mỹ không nên cố gắng đơn phương kiềm chế Liên Xô, mà nên tập hợp các liên minh lớn nhằm đối đầu, ngăn chặn và trừng phạt chính quyền này. Thứ ba, Mỹ cần phát triển mạnh mẽ, vì chỉ cần tranh chấp giữa Mỹ và Liên Xô vẫn diễn ra trong hòa bình, tự do và thịnh vượng tất yếu sẽ trở thành yếu tố quyết định.

Nhưng kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 1/2017, Trump đã hoàn toàn bỏ ngoài tai những lời khuyên này. Thay vì tạo ra các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc, Trump đã để Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Và ông tiếp tục có những đòi hỏi ngẫu nhiên, không nhất quán – như ngay lập tức loại bỏ thâm hụt thương mại song phương Mỹ - Trung.

Thay vì thận trọng trong trò chơi dài hơi với Trung Quốc, Trump có vẻ như đang hoảng loạn. Và Trung Quốc cùng cả thế giới đang ngày càng thấy rõ điều đó.

Minh Ngọc/NDH/ (Theo Project Syndicate)

Bạn đang đọc bài viết "Khủng hoảng quyền lực Mỹ" tại chuyên mục Tiêu điểm.