Ảnh: Nikkei
Tâm lý lo sợ về triển vọng kinh tế Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán khắp nhiều nước trên toàn cầu suy giảm trong ngày thứ Hai khi mà tập đoàn bất động sản lớn hàng đầu Trung Quốc đang tiến gần đến bên bờ vực phá sản; nhà đầu tư lo sợ về hậu quả của vụ việc này lên các doanh nghiệp cùng ngành cũng như giá cả hàng hóa quốc tế, theo nội dung bài đăng mới đây trên báo Nikkei.
Trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông, cổ phiếu các tập đoàn bất động sản lớn đồng loạt bị bán mạnh, tâm lý bi quan đồng thời bao trùm cả thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.
Tập đoàn Evergrande, với khối nợ ước chứng khoảng hơn 300 tỷ USD, đang đương đầu với thách thức buộc phải trả nợ trong tuần này cho các ngân hàng và một số trái chủ.
Trên thị trường Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 614 điểm tương đương 1,8% và như vậy có ngày giao dịch tồi tệ nhất tính từ tháng 7/2021. Cổ phiếu công ty máy xây dựng Caterpillar và ngân hàng Goldman Sachs giảm sâu nhất khi mà nhà đầu tư đang tiếp tục dõi theo các kỳ vọng liên quan đến cuộc họp chính sách tiền tệ sắp tới của Fed. Trong phiên giao dịch, đã có lúc chỉ số Dow Jones hạ đến 972 điểm và rồi sau đó mức hạ giảm phần nào.
Tác động từ khả năng Evergrande sụp đổ chắc chắn sẽ khiến cho sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc trở nên tệ hại hơn nữa, kết quả kéo lùi tăng trưởng kinh tế và làm suy giảm lạm phát trên toàn cầu cũng như làm giảm giá hàng hóa trên khắp thế giới, chiến lược gia tại ngân hàng Societe Generale, ông Phoenix Kalen, khẳng định.
Chỉ số Nasdaq mất 2,2% trong phiên, ba cổ phiếu giảm điểm sâu nhất đều là những cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc bao gồm Pinduoduo, Baidu và JD.com. Chỉ số S&P 500 hạ 1,7%, đây cũng là ngày giảm điểm sâu nhất của chỉ số tính từ tháng 5/2021.
Chỉ số cổ phiếu của quỹ Global X MSCI China Real Estate ETF, quỹ ETF tập trung vào lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, giảm đến 5,4% trong ngày.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 hạ 1%; cổ phiếu các doanh nghiệp khai mỏ giảm điểm bởi lo ngại sự chững lại của kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá hàng hóa toàn cầu. Chỉ số Euro Stoxx 600 mất gần 1,7% giá trị.
Giá quặng sắt giảm xuống dưới mức 100USD/tấn lần đầu tiên trong vòng hơn 1 năm khi mà Trung Quốc áp dụng biện pháp hạn chế sản xuất thép, cùng lúc nhà đầu tư sợ hãi sự chững lại của ngành bất động sản sẽ khiến nhu cầu thép đi xuống. Giá đồng giảm 2%, giá dầu đồng thời giảm sâu. Cổ phiếu công ty sản xuất thép Mỹ Nucor giảm sâu thứ 2 trong nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500, mức giảm ghi nhận 7,6%.
Tăng trường kinh tế toàn cầu có mối liên hệ mật thiết với Trung Quốc. Trong năm ngoái, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng. Tháng 4/2021, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Trung Quốc sẽ đóng góp khoảng 20% tăng trưởng GDP toàn cầu trong vòng 5 năm tính đến năm 2026.
Trong khi kinh tế Trung Quốc vẫn đang hồi phục từ quá trình suy giảm hậu đại dịch COVID-19, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng này đang chững lại, đặc biệt tại thị trường nhà đất nơi mà hoạt động đã đi xuống sâu trong tháng 7 và tiếp tục yếu đi trong tháng 8.