“Phần thưởng lớn nhất của việc trở thành tỉ phú không phải là số tiền mà bạn kiếm được, mà chính là con người bạn đã rèn rũa để có thể trở thành tỉ phú", Jim John.
Trong cuộc sống hiện tại, hầu hết mọi người đều mong ước hoàn cảnh của họ sẽ thay đổi một cách tuyệt vời. Họ không hề khao khát trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mình để có thể tự mình thay đổi hoàn cảnh ấy.
Thực tế, phẩm chất con người cũng như kết quả của công việc đều nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Chúng ta không thể mong chúng tự đến với mình, trái lại, hãy trở thành mẫu người thu hút thành công một cách tự nhiên.
Và đây là cách làm thế nào để điều ấy xảy ra:
Làm việc để phát triển bản thân, đừng chỉ làm việc vì tiền
"Khi bạn còn trẻ, đừng làm việc chỉ vì kiếm tiền, hãy làm công việc mà bạn có thể học hỏi", Robert Kiyosaki.
Những người giàu có và hạnh phúc làm việc để học hỏi. Ngược lại, những kẻ thất bại và bất hạnh lại chỉ chú trọng đến việc họ kiếm được bao nhiêu tiền. Thực tế, bạn chỉ nên dành 20% năng lượng của mình cho việc lao động thực sự và phần còn lại nên được phân bổ hợp lí cho việc học tập, cải thiện bản thân và nghỉ ngơi. Đó chính là cách bạn"mài lưỡi cưa của mình".
Hay nói cách khác, nó sẽ giúp bạn tiếp tục trở thành một người tốt hơn và có thêm nhiều kỹ năng và cải thiện chất lượng công việc. Khi phát triển bản thân tới mức cao, làm được những việc ít ai có thể làm tốt hơn, bạn đương nhiên sẽ có được những giá trị từ vị trí của mình.
Học để tạo ra những giá trị mới
“Bí quyết chính để thành công không phải là có chuyên môn vượt tầm, mà là khả năng sử dụng nó. Kiến thức sẽ không có giá trị cho tới khi được áp dụng”, Max Lukominskyi.
Trong thời đại thông tin và phương tiện truyền thông bùng nổ như hiện nay, bạn có thể học đến hàng nghìn thứ. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đưa những kiến thức ấy vào thực tiễn thì một cách nhanh chóng, chúng sẽ trở thành những hiểu biết nông cạn mà thôi.
Điều quan trọng ở đây là: Thông tin và kiến thức là hai điều rất khác nhau. Hơn thế, khoảng cách từ kiến thức đến trí tuệ còn là một đoạn đường dài hơn nữa.
Định nghĩa sự “giàu có” và “thành công” theo cách riêng của bạn
Thành công và sự giàu có không chỉ phụ thuộc ở đồng tiền. Có rất nhiều người có trong tay cả đống tiền nhưng lại ít có khả năng nắm giữ chìa khóa hóa giải cho các vấn đề trong cuộc sống.
Hiển nhiên, tiền là quan trọng. Bởi nó giúp giải quyết rất nhiều vấn đề cũng như đẩy nhanh tiến độ công việc. Nhưng suy cho cùng, tiền cũng chỉ là một công cụ của cuộc sống. Nếu bạn đang cống hiến cho công việc mà bạn yêu thích và tin tưởng, đừng bao giờ quên thứ vật chất ấy chỉ là một công cụ giúp mình làm được nhiều việc hơn.
Tạo mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với đối tác để đạt được mục tiêu nhân 10, thậm chí là nhân 100
“Tất cả những công ty thất bại đều có một điểm chung: Họ thất bại vì không thể vượt qua sự cạnh tranh”, Peter Thiel.
Hầu hết mọi người đều tự đặt mình trong những mối quan hệ cạnh tranh thay vì cộng tác. Cạnh tranh là chỉ tập trung vào bản thân mình. Nó cũng là biểu hiện của mức độ tư duy thấp, bởi những điều bạn có thể làm một mình là rất hạn chế. Cộng tác là một trình độ cao hơn hẳn so với cạnh tranh. Khi tư duy của bạn được mở rộng, bạn sẽ nhận ra mình có thể làm nên nhiều thứ hơn khi chung tay cùng những người khác.
Nếu bạn muốn có mục tiêu nhân 10, hay thậm chí là nhân 100 trong lĩnh vực của mình nhờ có thành quả của những người khác nữa, điều bạn nên làm đó là tạo ra chiến lược “win-win”, đôi bên cùng có lợi với cộng sự của mình.
Đặc biệt, phương pháp này sẽ vô cùng hiệu quả khi bạn đang ấp ủ một kế hoạch trong lĩnh vực mà khả năng và tài sản sẵn có của bạn ăn nhập với phần còn lại ở một người khác.
Giữ vững lập trường, và nó sẽ trở thành thương hiệu riêng của bạn
Để có được thành công, bạn phải có niềm tin vào những điều đang làm và trụ vững trên đôi chân của mình. Tất cả những tỷ phú cũng như những thương hiệu thành công đều có lời giải đáp rõ ràng cho câu hỏi “Vì sao”. Như Simon Sinek giải thích trong cuốn “Start With Why” của mình, con người không mua những thứ mà bạn bán, họ mua câu trả lời cho thắc mắc "vì sao bạn bán chúng".
Apple chính là một minh chứng tuyệt vời cho chiến lược này. Trong tất cả các kế hoạch quảng bá sản phẩm của mình, họ thường không lí giải về những chi tiết công nghệ của sản phẩm, thay vì đó, họ định nghĩa và chia sẻ giá trị của chúng. Bởi các chiến lược gia tin rằng công nghệ nên đi liền với tính dễ sử dụng và phải 'thật ngầu".
Thực tế, khi bạn đã có một lập trường rõ ràng và dấu ấn riêng thì đó chính là lúc bạn đang tỏa sáng và trở nên xuất chúng. Đó có phải là những điều bạn mong muốn? Khi đặt niềm tin vào một điều gì đó, hãy chiến đấu bằng tất cả sự kiên cường và rồi bạn sẽ tạo nên những thay đổi đầy khác biệt.
Theo Hoài Thu/Infonet