Nếu ai đó đã có ý niệm cơ bản về một doanh nhân thì sẽ hiểu và đồng cảm với những gì tôi sẽ trình bày sau đây. Còn nếu như bạn chưa quen thì tôi sẵn sàng giải thích từ những khái niệm cơ bản nhất, từ những phương diện liên quan đến kinh doanh hay đưa ra từng lời khuyên thiết thực nhất để trở thành một doanh nhân.
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn tập trung vào điểm mạnh cũng như những hạn chế xảy ra khi bạn bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Vì sao? Bởi chẳng có gì gọi là “phi vụ trong mơ cả”. Đây mới là hiện thực cuộc sống của một người doanh nhân.
Chẳng ai trong số chúng ta sinh ra để làm doanh nhân
Thành thực mà nói, trở thành doanh nhân là việc nằm ngoài dự tính của cuộc đời tôi. Ý tôi là tôi chưa bao giờ có kế hoạch hay hành động cụ thể để làm doanh nhân dù tôi đã học hỏi cách kinh doanh từ rất lâu rồi.
Khi còn là một đứa trẻ, tôi chưa bao giờ có dự định trở thành một bác sỹ hay một có một chỗ trong một công ty nhà nước nào đó. Sau khi bắt đầu đi làm vào năm 20 tuổi, gia đình tôi nghĩ rằng tôi đã yên phận với vị trí làm việc trong mơ – viên chức nhà nước.
Tuy nhiên, càng vùi mình trong đống giấy tờ đó, tôi càng cảm thấy mình đang tra tấn từng tế bào não. Sau 5 năm, tôi bỏ việc. Tôi phải thuyết phục bản thân rằng nếu còn tiếp tục, tôi sẽ chết trong vòng quay cuộc sống tẻ nhạt, vô nghĩa và lặp đi lặp lại. Tôi mong muốn tìm những thứ mới hơn ngoài kia.
Sau khi rời vị trí cũ, tôi dành vài năm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Mãi cho đến khi dành toàn bộ thời gian cho việc kinh doanh, tôi mới nhận ra rằng tôi đã từ bỏ sự ổn định, bình yên vô nghĩa để đến với mớ hỗn loạn đầy ý nghĩa mang tên “thương trường”.
Tôi nhận ra mình cần dấn thân vào kinh doanh bằng 3 lý do chính sau:
Tôi bắt đầu mọi lĩnh vực với sự hứng thú và kết thúc bằng sự thờ ơ. Tôi luôn tò mò và mong muốn học hỏi không chỉ về công việc hiện tại mà còn về các xu hướng diễn ra ngoài lĩnh vực mình đang làm việc.
Tôi không có cơ hội tận dụng trí sáng tạo và học hỏi. Sau vô số lần bị nhắc nhở rằng nhiệt huyết của mình đang làm phiền người khác, rằng không cần sáng tạo trong công việc, cứ theo khuôn khổ là được, tôi đã nhận ra rằng tôi sẽ không bao giờ sống và làm việc trong một môi trường kiểu này nữa!
Tôi nhận thức được sự kiểm soát vô hình từ những cá nhân tôi không hề ưa. Tôi biết sẽ có nhiều người cho tôi là kẻ cứng đầu, khó làm việc cùng. Thế nhưng, tôi sẽ không bao giờ đánh đổi những hành vi phi đạo đức, trái pháp luật để lấy vài đồng lương quèn.
Đó là 3 lý do chính khiến tôi tự lập nên công ty riêng cho mình. Nghe thật shock khi tôi bỏ việc chỉ vì cấp trên bắt tôi phá luật, vì tôi thấy chán, vì tôi thấy tiếc cho chất xám của mình. Các bạn ạ, đó là sự thật. Những điều trên xảy ra như cơm bữa, chẳng qua bạn không biết chỉ vì ít người muốn nói đến thôi.
Ngay khi tôi bắt đầu thành lập công ty tư vấn riêng, dường như mọi vấn đề đều được giải quyết. Trong vòng vài tháng, mọi thứ phát triển rất ổn định. Tôi được làm việc với nhiều đối tác mới, những người thành đạt mà tôi đã ngưỡng mộ từ lâu. Nghe thật tuyệt, phải không?
Khi tự mình kinh doanh, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng trên đỉnh thế giới vậy. Tôi là sếp của chính tôi. Tôi biết mình phải làm gì. Tôi tạo nguồn lực của riêng mình và sẵn sàng đưa ra quyết định với mọi vấn đề tôi mắc phải.
Digital marketing là lĩnh vực chủ chốt của công ty tôi và trên thực tế, tôi đã và đang làm khá tốt. Tôi yêu thích công việc của mình, tôi giúp vô số doanh nghiệp nhỏ phá vỡ các rào cản kinh doanh, giúp họ đặt từng viên gạch nền móng trong công việc. Tuy nhiên, tôi cũng có không ít những trở ngại trên con đường của mình.
Cuộc sống không chỉ có màu hồng, thương trường thì lại càng không
Nói rằng năm đầu tiên khởi nghiệp chỉ toàn sự suôn sẻ hay toàn sự trắc trở thì không đúng lắm. Dù tôi làm khá tốt trong năm đầu tiên nhưng trên thực tế, tôi có vướng vào một số vấn đề tài chính. Nếu không có nền tảng và tận dụng Internet, việc tiếp cận khách hàng mới và duy trì kinh doanh là không thể. Đây cũng chính là lý do một số người chỉ đi tư vấn khi kinh nghiệm của họ đã thực sự chín muồi nhờ thâm niên trong nghề.
Sau cùng, kinh doanh cũng chỉ là việc xây dựng mạng lưới quan hệ nhằm phục vụ mục đích của bạn. Phần tồi tệ ở đây là, kể cả khi bạn xây dựng được một mạng lưới tốt, nó cũng không hề giống các mối quan hệ thông thường.
Quan hệ làm nên tất cả. Mượn lời Harvey Mackay, một chuyên gia networking có tầm ảnh hưởng lớn, tôi có thể khẳng định quan hệ trong kinh doanh quyết định tất cả, theo đúng nghĩa đen. Dù không mong muốn gì nhưng nếu bạn không xây dựng mạng lưới quan hệ hiệu quả, bạn sẽ không bao giờ đạt đến thành công. Một mối quan hệ phi lợi ích không tồn tại trong từ điển của tôi. Tôi đã dành thời gian để tìm những đối tượng phù hợp để chia sẻ lợi ích và sau cùng thì cũng đã thành công.
Sống đúng với con người bạn. Chìa khóa để cải thiện mạng lưới quan hệ chính là sự khôn khéo. Nói theo cách khác, đối tác của bạn không hề ngốc đến nỗi không nhận ra được bạn đang nói dối hay nói thật. Niềm đam mê trau dồi tri thức để giúp đỡ người khác là thứ giúp tôi thành công chứ không phải sự thiếu thốn và lòng tham với đồng tiền.
Tôi có câu nói cửa miệng như thế này: “Chúng ta có thể làm hoặc không. Thế nhưng, cả hai quyết định này đều có chủ đích của riêng nó”. Đôi khi, bạn phải tiếp xúc với người lạ, nhưng, đừng bất chấp thay đổi bản thân để mở rộng mối quan hệ với người đó. Mối quan hệ đó, không chóng thì chày, sẽ chẳng đi đâu về đâu cả.
Sau cùng thì, cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu, kể cả việc trở thành một doanh nhân. Nhưng, thứ quan trọng lại là cách bạn đối mặt và vượt qua những cái xấu để nhìn thấy những cái tích cực.
Phần khó chịu nhất...
Không dễ gì để thành thật về vấn đề này nhưng việc khó nhất một người doanh nhân phải đối mặt là giải quyết với những khách hàng khó tính.
Với trường hợp của tôi, trong vai trò của một chuyên viên tư vấn, đã vô số lần tôi bất lực nhìn những dự án tâm huyết bị quyết định bởi cảm xúc của đối tác. Hãy tránh xa những người không thể cân bằng giữa cảm xúc và lý trí, đưa quyết định dựa trên cảm tính.
Sự nguy hiểm đến từ các mối quan hệ là điều không thể tránh khỏi. Đừng bao giờ làm việc cùng những người có cảm xúc thất thường (dễ vui, dễ buồn, dễ nổi nóng...) bởi họ sẽ tạo ra những tác động vô cùng tiêu cực đến công việc của bạn.
Đừng vội bỏ phán xét tôi bởi những câu nói về khái niệm cân bằng cảm xúc. Ở đây, tôi chỉ đang bàn luận về lý do vì sao nên tránh hợp tác với những người không biết thể hiện cảm xúc đúng lúc đúng chỗ - việc này giống sự cố tình hơn là các vấn đề tâm lý.
Tạm kết
Tin hay không, cái gì cũng có điểm giới hạn của nó. Bài viết này hoàn toàn không phải là những nguyên tắc hay quy chuẩn để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nó chỉ là những lời khuyên chân thành từ người từng trải để hỗ trợ bạn trên con đường trở thành doanh nhân.
Bài viết có thể trần trụi, khó chấp nhận nhưng cũng có thể là những điều hữu ích cho bạn trên con đường tìm kiếm bản thân, xây dựng sự nghiệp.
Sau cùng, tôi chỉ muốn nhắc bạn đọc rằng đừng bao giờ ngại từ chối người khác. Kể cả người bạn từ chối là một tỉ phú, là đối tác quen thuộc, nói “không” trong một số trường hợp vẫn vô cùng cần thiết. Trong xã hội biến động ngày nay, điều trên càng đúng. Nếu bạn không đặt nên giới hạn, nhẫn nhịn mãi chỉ khiến họ được đà lấn tới rồi sau cùng kế hoạch của bạn sẽ đổ bể.
*Theo Elizabeth Krohn, một nữ doanh nhân từng trải qua rất nhiều thăng trầm trên con đường kinh doanh. Bài viết được chia sẻ trên Medium.