Kinh tế vào ban đêm đương đại bắt đầu xuất hiện ở Trung Quốc vào năm 1979 và gây được sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách và học giả ở phương Tây. Nhưng sự tăng trưởng của nó vẫn còn chậm trong những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Kinh tế ban đêm, một tập hợp con của nền kinh tế văn hóa. Các chủ thể hoạt động trong nền kinh tế ban đêm bao gồm các quán bar, câu lạc bộ khiêu vũ, cơ sở karaoke, tiệc tùng, các buổi biểu diễn nhạc sống và các hình thức giải trí về đêm khác (không bao gồm ngành công nghiệp mại dâm).
Vào nửa cuối thập niên 1990, nền kinh tế ban đêm mở rộng theo cấp số nhân khi người Trung Quốc thành thị bắt đầu có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Giới trẻ nhiệt tình đón nhận văn hóa câu lạc bộ, văn hóa cuộc sống về đêm đang thống trị toàn cầu vào thời điểm đó.
Sau một thời gian ngắn chịu đàn áp khắc nghiệt vào năm 2000 và 2001, kinh tế ban đêm của Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên tăng trưởng nhanh chóng khác. Trái ngược với những năm 1990, thời kỳ tăng trưởng hiện nay nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ tất cả các cấp chính quyền, được xã hội công nhận và nhận được sự hưởng ứng tích cực trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Kể từ cuối những năm 2000, kinh tế ban đêm của Trung Quốc đã thành công về mặt thương mại, văn hóa sôi động và hiện diện rõ rệt trên cả nước.
Kinh tế ban đêm được công nhận là có tác động kinh tế và xã hội cụ thể trong cả bối cảnh phương Tây đương đại. Các khái niệm "kinh tế ban đêm" hay "kinh tế 24 giờ" đã được các nhà hoạch định đô thị và các nhà hoạch định chính sách phương Tây đón nhận nhiệt tình kể từ những năm 1990.
Nhiều thành phố, đặc biệt là châu Âu, đã xây dựng các trung tâm giải trí về đêm để tạo điều kiện cho đổi mới đô thị, du lịch, thuế và kinh tế văn hóa. Nhưng bên cạnh đó, kinh tế ban đêm cũng tiềm ẩn những tác động tiêu cực về đô thị và xã hội, bao gồm bạo lực, sử dụng ma túy, tội phạm, ô nhiễm tiếng ồn, giao thông và nhiều vấn đề khác.
Kinh tế ban đêm của Trung Quốc có thể phát triển không thần tốc như phương Tây, nhưng ý nghĩa chính trị, kinh tế của nó thì vô cùng đáng chú ý. Bởi lẽ, sự phát triển nhanh chóng của nó gắn kết với bối cảnh chính trị xã hội vô cùng "gia trưởng" của người trung quốc, có rất nhiều tư tưởng thù địch với cuộc sống về đêm.
Cho đến tận những năm gần đây, vẫn nhiều người còn cảm thấy khó tin khi nhà nước Trung Quốc chính thức phê duyệt và chủ động xây dựng kinh tế ban đêm tại địa phương. Tại sao Trung Quốc sẵn sàng đảo ngược các chính sách đàn áp lâu đời của họ với cuộc sống về đêm bắt đầu từ đầu những năm 2000?
Chủ động hỗ trợ nền kinh tế vào ban đêm có thể nhằm tăng thu thuế địa phương, tái tạo các khu vực đô thị và tạo thuận lợi cho du lịch.
Trung Quốc đang khẩn trương nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa để hỗ trợ nền kinh tế trong thế kỷ XXI. Chính phủ ngày càng hiểu rõ, ngành công nghiệp văn hóa mang lại nhiều lợi thế thực tế cần thiết trong giai đoạn phát triển kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Những lợi thế này là tái cơ cấu công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động, tái tạo và phát triển đô thị, tạo thuận lợi cho tiêu dùng trong nước và tăng cường ngân sách địa phương. Các ngành công nghiệp giải trí về đêm có khả năng cung cấp tất cả những lợi thế này.
Hiểu được nền kinh tế vào ban đêm sẽ giúp Trung Quốc điều chỉnh và đổi mới các kế hoạch phát triển kinh tế chiến lược dài hạn.
Ngành công nghiệp giải trí về đêm còn mang đến tiềm năng lớn khác. Ví dụ như công nghiệp hoạt hình và truyện tranh, đã được chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc hỗ trợ rất nhiều trong nhiều năm nhưng hiệu quả kinh doanh của họ vẫn còn kém. Trong khi đó, kinh tế ban đêm luôn tạo ra kết quả tốt về mặt thương mại, bất chấp sự coi thường của xã hội và sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ.
Với hàng chục ngàn cá thể kinh doanh trong nền kinh tế ban đêm, đóng góp hàng năm của các ngành công nghiệp giải trí về đêm cho GDP là rất đáng kể. Công nghiệp giải trí ban đêm có thể cạnh tranh với ngành công nghiệp trò chơi và truyền hình, hai ngành công nghiệp sáng tạo thành công nhất ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, rất khó để theo dõi và kiểm soát một cách chặt chẽ nền kinh tế ban đêm. Dữ liệu có hệ thống về hiệu quả kinh tế của các ngành công nghiệp giải trí về đêm đang thiếu trầm trọng.
Hoạt động của các ngành công nghiệp giải trí về đêm vẫn bị chi phối bởi các giao dịch tiền mặt và thế giới ngầm. Không ai, kể cả những người trong ngành công nghiệp kỳ cựu, biết chính xác nền kinh tế ban đêm của Trung Quốc lớn đến mức nào hay có bao nhiêu cá nhân đang tham gia vào đó.
Không có những dữ liệu cơ bản này, rất khó để thiết kế các chính sách văn hóa và mô hình kinh doanh cho hoạt động kinh doanh về đêm của địa phương, điều chỉnh và cải cách cấu trúc của các ngành công nghiệp, hoặc theo dõi các điều kiện làm việc của lao động cuộc sống về đêm.
Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về kinh tế ban đêm như khiến giới trẻ trở nên đua đòi lai căng, lăng nhăng, rối loạn, và lệch lạc về văn hóa. Các thành phần trong kinh tế ban đêm Trung Quốc cũng bao phủ mọi giai tầng: công nhân nhà máy, người đồng tính, thanh niên từ các gia đình thu nhập thấp, nam nữ trung niên và dân tộc thiểu số… vì thế tác động của nó đến xã hội là vô cùng phức tạp, bên cạnh những lợi ích kinh tế có thể thấy rõ.