Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy Hàn Quốc và Puerto Rico là 2 khu vực có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới năm 2017 với chỉ 7 trẻ mới sinh trên 1.000 người, thấp hơn cả Nhật Bản và Hong Kong.
Cô Baeck Ha Na là một kế toán viên ở Hàn Quốc, nhưng vào những ngày cuối tuần người phụ nữ trẻ này lại trở thành một Youtuber, chuyên quay clip đăng lên Youtube để quảng bá cho lối sống độc thân đang ngày một lan tràn trong xã hội.
Trang Youtube của cô Baeck có tên "SOLOdarity", đồng nghĩa với từ "mi hon" trong tiếng Hàn với ý nghĩa ám chỉ những người độc thân chưa kết hôn. Bản thân cô Baeck là một trong những ví dụ của trào lưu sống độc thân, từ chối kết hôn sinh con đang ngày càng mở rộng tại Hàn Quốc.
Trong khi các chuyên gia nước ngoài bị thu hút bởi cuộc xung đột thương mại Nhật Hàn thì báo giới nước này lại quan tâm nhiều hơn đến việc phụ nữ ngày cảng "chảnh" trong xã hội. Việc các chị em cố tình không kết hôn sinh con khiến nền kinh tế Hàn gặp rất nhiều khó khăn do thiếu hụt lao động cũng như quỹ an sinh xã hội bị quá tải.
Lượng người già neo đơn ngày một nhiều cùng hàng loạt hệ lụy đang khiến Hàn Quốc gặp rắc rối hơn nhiều so với những xung đột thương mại trước mắt.
"Tư tưởng xã hội truyền thống đang khiến tôi trông như kẻ thất bại khi chưa kết hôn và sinh con khi đã qua 30 tuổi. Tuy nhiên thay vì muốn được yêu ai đó, tôi lại thấy hứng thú với cuộc sống tự do hơn", cô Baeck chia sẻ.
Quan điểm của cô Baeck cũng là tiếng nói chung của nhiều phụ nữ Hàn Quốc ngày nay khi họ cho rằng việc bắt ép kết hôn, sinh con chẳng khác nào động thái bắt nạt nữ giới của chính phủ cũng như các chuyên gia kinh tế. Áp lực gia đình, con cái chỉ khiến nữ giới trở nên khủng hoảng hơn trong khi xã hội không có một cơ chế rõ ràng để bảo vệ sự nghiệp cho phái yếu cũng như hỗ trợ tài chính nuôi dạy con.
Gánh nặng về chi phí học hành, nhà ở rồi nỗi lo mất việc khi nghỉ sinh khiến nữ giới Hàn ngày nay chẳng màng kết hôn. Hàn Quốc là thành viên có tỷ lệ sinh đẻ thấp nhất trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương kể từ năm 2016 và đang ngày một thấp hơn.
Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy Hàn Quốc và Puerto Rico là 2 khu vực có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới năm 2017 với chỉ 7 trẻ mới sinh trên 1.000 người, thấp hơn cả Nhật Bản và Hong Kong.
Số liệu chính thức của Hàn Quốc cũng cho thấy tỷ lệ sinh của nước này trong tháng 2/2019 đã giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2019, nhiều dự đoán cho rằng lần đầu tiên Hàn Quốc sẽ có số người tử vong nhiều hơn lượng trẻ mới sinh ra.
Hàng loạt các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tư tưởng nữ giới Hàn đang thay đổi khi cho rằng hôn nhân là không cần thiết. Năm 2010, khoảng 64,7% phụ nữ Hàn cho rằng lập gia đình là điều bắt buộc thì con số này đã giảm xuống còn 48,1% năm 2018.
Vì một xã hội công bằng cho nữ giới
Chính quyền Seoul đã cố gắng khuyến khích các bạn trẻ kết hôn bằng việc thực hiện hàng loạt những buổi xem mắt, ghép đôi ở Sejong, Gangnam… Thậm chí tại miền nam tỉnh Chungcheong, chính quyền địa phương còn yêu cầu tất cả phụ nữ độc thân phải nộp tờ đơn kê khai rõ ràng cân nặng, chiều cao, lịch sử làm việc, ảnh mới chụp gần đây nhất và đã qua mấy đời chồng để kiểm soát cũng như thúc đẩy tỷ lệ lập gia đình.
Nghe có vẻ kỳ nhưng đây lại là sự thật phản ánh tình trạng "khát" trẻ con cũng như những biến động ngày càng lớn trong xã hội Hàn Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thậm chí đã phải thành lập Hội đồng thúc đẩy sinh đẻ vào tháng 12/2018.
"Chúng ta đang có cơ hội cuối cùng để giải quyết vấn đề dân số. Chúng ta cần tập trung sửa đổi để việc kết hôn và sinh con không trở thành rào cản phát triển của nữ giới", Tổng thống Moon nói.
Chính phủ Hàn Quốc cho biết trong 1 thập niên kể từ năm 2017, lượng dân số trong độ tuổi lao động tại đây sẽ giảm 2,5 triệu người trong khi số người già lại tăng 4,5 triệu. Năm 2017, Hàn Quốc có khoảng 37,6 triệu người tham gia thị trường lao động thì con số này dự kiến chỉ còn 17,8 triệu người vào năm 2067.
Câu chuyện chị em chán lấy chồng sinh con không chỉ ảnh hưởng đến lực lượng lao động mà còn công việc kinh doanh của nhiều cửa hàng.
Ví dụ hơn 20% trung tâm tiệc cưới tại Seoul đã phải đóng cửa trong năm nay, bao gồm 2 trung tâm nổi tiếng nhất nước ở quận già giàu Gangnam. Chính quyền thành phố cũng dự kiến đóng cửa 3 trường học vào năm tới do thiếu học sinh.
Tại thành phố biển Busan nổi tiếng, số học sinh đăng ký nhập học tiểu học đã giảm 26% so với 9 năm trước tính đến tháng 3/2019. Số học sinh trung học mới giảm 43% còn cấp 3 giảm 40%.
Phụ nữ Hàn Quốc ngày nay đang dần thể hiện sự bức xúc của mình với xã hội. Họ có hẳn một từ riêng cho những người không kết hôn hay sinh con là "bi hon". Một hiệp hội mang tên EMIF cũng được thành lập để quy tụ các phụ nữ có chung chí hướng này và vận động phát triển ra toàn xã hội. Cô Baeck là một thành viên của EMIF và họ thường xuyên làm phim hoặc tổ chức hội thảo để quảng bá tư tưởng mới.
"Vấn đề lớn nhất của chính phủ là họ không chịu lắng nghe tiếng nói của phụ nữ trong xã hội. Quan điểm của họ là phụ nữ phải có con và phải nuôi dạy chúng. Họ cố gắng tuyên truyền rằng kết hôn là sẽ hạnh phúc, có con là sẽ tuyệt vời nhưng lại giấu đi những sự thật sẽ ảnh hưởng đến nữ giới cả về thể chất lẫn tinh thần. Đây là lý do mà các chính sách hiện nay của chính phủ sẽ chẳng có tác dụng", nhà sáng lập Kang Han Buyl của EMIF nói.
AB
Theo Nhịp Sống Kinh Tế