Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam

23/07/2019 09:19

Càng về đêm, không khí của phố bia Tạ Hiện càng sôi động. Những cô gái trẻ, tươi cười trong chiếc váy ngắn, bó sát liên tục chào mời khách chọn hãng bia mà mình đại diện. Bia liên tục được bật nắp. Không khí đặc hơi cồn và... hơi người.


Càng về đêm, không khí của phố bia Tạ Hiện càng sôi động. Những cô gái trẻ, tươi cười trong chiếc váy ngắn, bó sát liên tục chào mời khách chọn hãng bia mà mình đại diện. Bia liên tục được bật nắp. Không khí đặc hơi cồn và... hơi người.

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 1.

9h tối thứ 7, Ngọc, 25 tuổi, trợ lý của một viện nghiên cứu đang ngồi bấm điện thoại liên tục trong một quán cà phê ở góc đường Nguyễn Xí, một con phố bán sách nổi tiếng tại Hà Nội. Quán rất tối, được thắp sáng bởi những ngọn nến nhỏ và nhạc được mở rất to.

"Cảm giác cứ cuối tuần, cả Hà Nội đổ lên phố đi bộ", Ngọc nói to vì bị át bởi tiếng nhạc "Hãy trao cho anh", bài hát đang là trend trong thời gian gần đây. Ngọc gửi xe cách phố đi bộ khoảng 1km. Cô cho biết từ 8h hơn, nhiều chỗ trông xe đã từ chối nhận vì bãi chật kín chỗ. Xe được xếp sin sít nhau thành 3 hàng, chật cứng một đoạn dài vừa hè. Thậm chí, những người trông đã khéo léo sắp xếp để có thể xếp thêm xe dọc lại, tạo thành hàng thứ 4. Khoảnh sân của một trường học gần đó cũng được trưng dụng.

Người ta có thể tìm thấy gần như mọi thứ để thư giãn, giải trí nếu đi quanh khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm về đêm. Bước qua rào chắn ngăn cách giữa các tuyến phố, những cuộc vui được mở ra. Với những đứa trẻ 3 – 5 tuổi, đó là những chiếc xe điện, mô phỏng hệt xe thật với 50.000 đồng cho một lần chơi 20 phút. Với những thanh niên, đó có thể là dàn hát karaoke di động, phố sách, hay những quán cà phê từ "cóc" đến sang chảnh...

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 2.

Âm nhạc ngập tràn khắp nơi tạo thành một bữa tiệc kỳ lạ: Ở một góc phố là điệu latin sôi động thì ngay cạnh đó có thể là tiếng sáo "Bèo dạt mây trôi" réo rắt...

Phố bia Tạ Hiện cũng chỉ cách 15 – 20 phút đi bộ. Từ đầu phố đã cảm nhận được sức nóng. Những cô gái trẻ, tươi cười trong chiếc váy ngắn, bó sát người, chào mời những mẫu bia, thuốc lá mới. Nhân viên của các quán cũng đứng tràn ra đường, liên tục mời khách. Những chiếc quạt hoạt động hết công suất không xua đi không khí đặc mùi bia, dầu chiên cũng như hơi người toả ra từ những đoàn tây, ta chen chúc, phải nhích từng bước chân để di chuyển. Âm nhạc xập xình, bia lạnh liên tục được bật nắp.

Các quán bar xung quanh phố Tạ Hiện, Hàng Buồm khách cũng bắt đầu đông dần lên. Những thân hình lắc lư theo điệu nhạc, tiếng cười rộn rã... được bao bọc trong thứ ánh mờ ảo lẫn trong khói thuốc, mùi nước hoa, bia, rượu, khiến cho người ta dễ dàng buông lỏng những căng thẳng thường nhật.

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 3.

Những hoạt động này có thể xem là một phần của kinh tế ban đêm – night time economy (NTE), phần mở rộng của không gian kinh tế ban ngày, đáp ứng các nhu cầu giải trí cho đại bộ phận người dân.

Nền kinh tế này được mô tả với các chủ thể là quán bar, câu lạc bộ, hộp đêm, các dịch vụ giải trí với giấy phép mở rộng vào đầu giờ sáng. Sự phát triển của các địa điểm này đang được xem là một phần quan trọng, giúp đa dạng toàn bộ nền kinh tế với lợi ích kinh tế lớn như tạo việc làm, hỗ trợ phát triển dịch vụ, đô thị.

Dù chưa "mở cửa" với các hoạt động giải trí mở xuyên đêm đến sáng, nhưng với việc thí điểm một số nhà hàng, quán bar trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được kinh doanh đến 2 – 3 giờ sáng từ năm 2016, đã có những con số tích cực ghi nhận hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, số liệu của quận Hoàn Kiếm cho biết tại 46 cơ sở kinh doanh thí điểm doanh thu tháng bình quân sau 1 năm thí điểm đã tăng 55% so với cùng kỳ trước đó.

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 4.

Cụm từ "kinh tế ban đêm" bắt đầu trở nên được quan tâm hơn ở Việt Nam khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiên cứu chính sách này của Trung Quốc. Nước này đã ban hành chính sách trợ cấp nhằm thúc đẩy các hoạt động dịch vụ, kinh doanh từ 20 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau trong bối cảnh tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thuơng mại với Mỹ. Trong quý II, tăng trưởng của Trung Quốc đạt 6,2%, là mức suy giảm khá lớn.

NTE không phải là một phát kiến mới. Nhiều thành phố châu Âu đã hăng hái phát triển kinh tế ban đêm trong bối cảnh suy thoái. Anh là một ví dụ điển hình. Tại vương quốc này, NTE được xem là động lực mạnh mẽ để phục hồi các trung tâm đô thị, phát triển hệ thống sản xuất kinh tế.

"London là thành phố không ngủ", Chi Nguyễn, 22 tuổi, du học sinh Việt Nam theo học ngành thiết kế tại Anh hào hứng nói với Trí thức trẻ. "Cảm giác thành phố luôn thức bởi về đêm nhưng ánh sáng vẫn rực rỡ, xe cộ hoạt động nhiều. Xe bus sẽ chạy cả đêm".

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 5.

Tự nhận là fan của nhạc điện tử, Chi thích đến các quán bar vào những ngày có sự xuất hiện của các DJ nổi tiếng. Cô cho biết Ministry of Sound là một địa điểm khá nổi tiếng được mở đến 6 giờ sáng vào tối thứ 6 và 7 với vé vào cổng khá đắt, từ 25 – 50 bảng Anh, chưa bao gồm đồ uống. "Trung bình sẽ mất khoảng 20 bảng Anh nếu gọi đồ", Chi nói.

An ninh ở các khu giải trí tại Anh khá tốt, Chi cho biết. Cô mô tả trước cửa các casino mở 24/24 hay các hộp đêm đều có sự hiện diện của nhân viên an ninh. "Họ luôn kiểm trả thẻ căn cước của bạn. Tiếng ồn cũng không lọt ra ngoài. Người gây mất trật tự sẽ ngay lập tức bị mời ra ngoài. Ăn chơi nhưng phải đảm bảo an toàn và đúng quy củ", Chi nhận xét.

Thị trưởng London Sadiq Khan đã nhấn mạnh chất lượng dịch vụ các địa điểm giải trí của thành phố này "không đâu sánh kịp". Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng có thể làm nhiều điều hơn nữa để biến London thành nơi hàng đầu thế giới về cuộc sống ban đêm. Một kế hoạch theo đó đã được thông qua trong năm 2019 để giúp thành phố tiến xa hơn trong ngành công nghiệp ban đêm.

Anh có hẳn một tổ chức về ngành công nghiệp này với tên gọi NTIA – Night Time Industrie Association. Theo ghi nhận của NTIA, kinh tế ban đêm có giá trị khoảng 6% GDP nước Anh, tương đương 66 tỷ bảng Anh/năm.

"Tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu chính thức nào đo đến quy mô mà kinh tế về đêm mang lại", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF) cho biết.

Theo ông, do lo ngại các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội, các hoạt động kinh tế về đêm thường được hạn chế. "Chỉ một số tuyến phố ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội được thí điểm kinh doanh đến 2 – 3 giờ sáng, còn lại đến 11 giờ thì phải đóng cửa", ông nói.

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 7.

Tuy nhiên, ông Thắng đồng tình với quan điểm nên "mở cửa" cho kinh tế về đêm. Trước mắt, để có tính chính xác về mặt khoa học, dữ liệu, ông Thắng cho rằng nên tính toán đến mức tiêu thụ điện của thành phố nhằm thống kê được quy mô của kinh tế về đêm.

"Có sự liên kết giữa cường độ ánh sáng ban đêm với GDP của một quốc gia. Chúng ta có thể đo đếm được dựa vào thông tin đo đạc ánh sáng từ vệ tinh. Các thông tin từ vệ tinh hiện chỉ sử dụng cho các dự báo thời tiết, khí hậu mà hầu như chưa đưa vào để tính toán cho hoạt động kinh tế", ông nói.

Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam - Ảnh 8.

Kinh tế về đêm có thể là một cơ hội mới cho Việt Nam. Hiện mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống. Khảo sát của The Conference Board® và Nielsen cho thấy 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí.

Tuy nhiên, để phát triển các hoạt động kinh tế về đêm, kinh nghiệm của các nước đi trước có đưa ra một số điểm đáng lưu ý. Đầu tiên là cách thức lập kế hoạch. Một kế hoạch tốt sẽ giúp cho việc phát triển, sử dụng nguồn lực có hiệu quả, hệ thống. Tiếp theo là các quy định mới cũng cần đảm bảo được sự "chung sống hoà bình" giữa những người sống về đêm và những người bình thường. Bên cạnh đó cũng cần đến chiến lược để quảng bá cho văn hoá kinh doanh về đêm bởi các hoạt động giải trí ban đêm thường được nhìn nhận không mấy thiện cảm.

"Nếu thực sự mở cho các hoạt động kinh doanh, hàng loạt các vấn đề khác sẽ kéo theo trong vấn đề quản lý nhà nước. Ngoài an ninh trật tự nó còn kéo theo cả vấn đề kinh tế ngầm nữa. Nhưng thật ra cũng là một định hướng tốt", ông Trần Toàn Thắng nói thêm.

 

Phương Ánh

Theo Trí thức trẻ

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế màu ánh đèn neon và cơ hội của Việt Nam" tại chuyên mục Tiêu điểm.