Kinh tế Nhật Bản, một câu chuyện buồn

22/03/2018 10:09

Đã 84 tuổi, và giờ đây 'Bà F' phải đi tù 05 năm vì tội ăn trộm vặt. Bà hay ăn trộm gạo, dâu tây, và thuốc trị cảm cúm ở một số cửa hàng.

Sau khi mãn hạn tù, bà được trả lại thế giới bên ngoài nhưng rồi lại một lần nữa tiếp tục vào tù vì tội ăn trộm vặt của mình. Giờ đây bà đã 89 tuổi, tiếp tục trải qua những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời trong một nhà tù cách Tokyo khoảng 90km.

Bà không phải là trường hợp cá biệt ở đây. Tại Nhật Bản, 1/5 tù nhân nữ là người cao tuổi, hầu hết trong số họ đều bị kết án vì những tội vặt như 'Bà F'.

Phụ nữ cao tuổi ở Nhật Bản rất dễ bị tổn thương về mặt kinh tế. Gần một nữa số người phụ nữ cao tuổi sống dưới chuẩn nghèo. Có rất nhiều người phải tự bương chải cuộc sống và không có ai để nhờ giúp đỡ. Điều này dẫn đến những hệ lụy tất yếu trong xã hội Nhật Bản, những người phụ nữ cao tuổi cố gắng phạm tội với mong muốn được đưa vào nhà tù.

Đối với họ, ở trong tù tốt hơn ở bên ngoài. Trong đây, họ được cho ăn uống, được cấp phát quần áo để mặc, có chổ để ở và thậm chí được chăm sóc sức khoẻ bởi nhà nước.

Đây là một hình thức "phúc lợi đầy thương xót", mọi thứ trong tù sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu tình trạng người già tại Nhật Bản cứ tiếp tục gia tăng như hiện nay.

Đây cũng là một ví dụ buồn về những gì sẽ xảy ra khi nền kinh tế của một quốc gia rơi vào tình trạng bùng nổ sau một quá trình phát triển thần tốc, không bền vững.

Quay trở lại vào những năm 1970 và 1980, Nhật Bản là một đất nước bất khuất, một biểu tượng mà bất cứ quốc gia Châu Á nào cũng thèm khát.

Đất nước này đã tự kéo mình ra khỏi đống đổ nát của bom nguyên tử trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và đặt mình trên con đường tiến đến tới sự tăng trưởng kinh tế rực rỡ.

Trong vòng vài thập kỷ, Nhật Bản đã trở thành một trong những nước giàu có nhất trên thế giới. Vào những năm 1970, họ bắt đầu củng cố sức mạnh kinh tế đó. Chắc hẳn một số người sống trong giai đoạn ấy có thể nhớ đến nỗi sợ hãi mang tên Nhật Bản, đặc biệt vào đầu những năm 1980, khi các công ty Nhật Bản bắt đầu đổ xô mua những dự án lớn về bất động sản, kinh doanh ở Mỹ, v.v ...

Lúc ấy, Nhật Bản có rất nhiều tiền, và có vẻ họ sẽ chinh phục thế giới theo một cách "văn minh" hơn những gì họ đã làm trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh mẽ. Giá bất động sản của Nhật Bản đắt đỏ nhất thế giới.

Sau đó, bùm, tất cả đều bị phá sản vào cuối những năm 80.

Hóa ra rằng, nhiều năm qua sự bùng nổ kinh tế to lớn của Nhật Bản đã được thúc đẩy bởi những chính chính sách tiền tệ không bền vững. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản lúc bấy giờ chỉ đơn giản là tạo ra hàng nghìn đơn vị tiền tệ tung vào thị trường.

Đất nước tràn ngập tiền. Các bảng cân đối kế toán của ngân hàng đã được nhồi nhét hàng nghìn tỷ yên và họ bắt đầu cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư vay một cách tự do.

Họ tin tưởng rằng mình có thể thoát khỏi tình trạng này vì nền kinh tế Nhật Bản khỏe mạnh hơn các nền kinh tế khác trên thế giới.

Thời điểm đó, Mỹ đã trải qua một loạt các cuộc suy thoái tồi tệ. Nhật Bản, trong khi đó, là một cường quốc sản xuất và xuất khẩu. Chính vì thế mặc dù Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã in ra không giới hạn số lượng tiền giấy, tuy nhiên phần còn lại của thế giới đã chấp nhận điều này.

Thị trường tài chính Nhật Bản tăng vọt, và các công ty lớn của Nhật thi nhau đi mua sắm quốc tế, lao vào những tài sản quý giá - đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Nhưng đến cuối những năm 1980, bong bóng tiền tệ khổng lồ của Nhật Bản đã bị vỡ. Mọi thứ đã bắt đầu sụp đổ, cổ phiếu, bất động sản và cả nền kinh tế Nhật Bản.

Ba thập niên sau đó Nhật Bản vẫn chưa thể hồi phục.

Nhật Bản là một ví dụ điển hình cho thấy những thời điểm tốt đẹp sẽ không bao giờ kéo dài mãi mãi. Quan trọng hơn, Nhật Bản dạy chúng ta rằng suy thoái kinh tế và tài chính có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Rất nhiều người hiểu rằng thị trường chứng khoán và nền kinh tế chuyển động theo chu kỳ bùng nổ - phá sản (Boom and Bust). Nhưng có một quan niệm sai lầm phổ biến rằng giai đoạn phá sản sẽ kéo dài không lâu, có thể là một vài tháng, thậm chí dài nhất là 1-2 năm.

Nhật Bản đã cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế có thể trầm trọng hơn, và kéo dài lâu hơn bất cứ ai có thể tưởng tượng được.

Cuối cùng, Nhật Bản là một minh chứng sống động cho những hậu quả xã hội nghiêm trọng phát sinh khi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài.

Câu chuyện buồn của những người phụ nữ lớn tuổi, nghèo khổ, không ai nương tựa cố tình phạm tội để họ có thể được an hưởng chính sách chăm sóc trong tù chỉ là một ví dụ nho nhỏ.


Những công dân trẻ tuổi Nhật Bản cũng không khá hơn là mấy.
Do suy thoái kinh tế kéo dài, phần đông thanh niên Nhật Bản không có khả năng ổn định về tài chính để lập gia đình và bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Hệ lụy tất yếu là tỷ lệ sinh suy giảm trầm trọng.

Năm ngoái, trên thực tế, số trẻ sinh ra ở Nhật Bản là con số thấp nhất trong lịch sử 118 năm của quốc gia này.

Và sự thu hẹp dân số này có những hậu quả lâu dài của chính nó - nguồn thu thuế thấp hơn, ít người lao động đóng góp vào hệ thống an sinh xã hội để hỗ trợ người về hưu ...

Trên tất cả, suy thoái kinh tế dài hạn của Nhật Bản đã xoá sổ tài chính của chính phủ. Chính phủ Nhật Bản phải vay một khoản tiền đáng kinh ngạc để có thể đáp ứng nhu cầu mỗi năm.

Nợ công của Nhật Bản đã trở nên quá lớn đến mức gấp đôi nền kinh tế của quốc gia này. Thêm vào đó, chính phủ phải mất hơn 20% thu nhập thuế hàng năm chỉ để trả lãi cho khoản nợ của mình - và đó là vào thời điểm lãi suất âm.

Nhật Bản đã từng là một quốc gia tuyệt với. Nhưng sự phát triển không bền vững đã khiến Nhật Bản vật lộn với một mớ vấn đề cả về xã hội và kinh tế. Những gì mà Nhật Bản đã làm trong suốt thập kỷ 70 và 80 để gây ra các vấn đề xã hội và kinh tế lâu dài này chính xác là điều mà đa số các quốc gia phương Tây đang làm bây giờ: in tiền, giữ lãi suất quá thấp, bơm bong bóng tài sản, và tin tưởng rằng những thời điểm tốt đẹp nhất sẽ kéo dài mãi mãi.

Thật sự là quá ngây thơ khi tin rằng, trường hợp của Nhật Bản sẽ không tái diễn.

Ý Nhi

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế Nhật Bản, một câu chuyện buồn" tại chuyên mục Tài chính.