Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Kinh tế và tri thức Việt Nam đã mang tầm vóc mới

03/09/2018 14:56

Việt Nam không ngừng phát triển, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam .

Kỷ niệm Quốc khánh 2/9 năm nay dù thời tiết diễn biến khốc liệt, mưa lũ triền miên, nhưng người Việt Nam vẫn tràn ngập nhiều niềm vui lớn. Cùng với những thành tựu tăng trưởng kinh tế liên tục bền vững sau hơn 30 năm đổi mới, tầm vóc thể chất, trí tuệ của người Việt Nam đã được nâng lên trong mọi lĩnh vực sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu như mong ước của Bác Hồ ngay từ buổi đầu thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Năm 2018 tình hình thế giới vẫn biến động phức tạp, chiến tranh thương mại đang diễn ra căng thẳng giữa các nước lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu, nhưng Việt Nam vẫn tạo nên sức hấp dẫn mới không chỉ bằng sự ổn định mà đã thực sự đổi thay trong cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước với nhiều quyết sách táo bạo, sớm tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việt Nam – công xưởng mới của thế giới

Gần đây truyền thông thế giới đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã điều hành quyết liệt và sáng tạo trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tảỉ, xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, cho mọi doanh nghiệp làm ăn phát đạt, đưa công nghệ cao đến với mọi ngành nghề, mọi gia đình.

"Việt Nam - công xưởng mới của thế giới" là một bài viết sâu sắc của tờ báo Pháp Le Temps nhằm giải mã những phép lạ của kinh tế Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh đến vị trí địa chiến lược với Biển Đông và hàng km bờ biển nằm giữa Trung Quốc và Singapore, Việt Nam đã tận dụng được thế mạnh của mình từ nguồn lao động, tài nguyên, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn lớn xây dựng nhiều khu công nghiệp công nghệ cao, đẩy nhanh xuất nhập khẩu. Từ 335 ha đất cho khu công nghiệp năm 1986, đến nay Việt Nam đã dành trên 80.000 ha đất cho các khu công nghiệp.

Tờ Inquirer.net của Vương quốc Anh cũng nhận xét: Hơn hai mươi năm qua Việt Nam không ngừng phát triển, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành trung tâm công nghiệp mới của Đông Nam Á. Chỉ riêng tập đoàn Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ USD sản xuất nhiều mặt hàng điện tử cao cấp từ Việt nam xuất khẩu khắp thế giới...

Sự đóng góp của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cho tăng trưởng xuất nhập khẩu và GDP của Việt Nam khá cao. Nhưng chính họ cũng vô cùng biết ơn sự hợp tác ưu ái đầy trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp phụ trợ và lực lượng công nhân Việt Nam cần cù, trung thực, sáng tạo.

Nhờ Chính phủ đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng với hệ thống cảng biển hiện đại, cầu đường cao tốc phát triển nhanh khắp đất nước, bãi bỏ hàng loạt giấy phép con và rất nhiều quy định, thủ tục phiền hà nên các khu công nghiệp mới đẩy mạnh được sản xuất, tiêu thụ.

Trong khi người dân Việt Nam phải tiết kiệm tiêu dùng điện và phải chấp nhận giá điện rất cao so với thu nhập thì điện cung cấp cho các khu công nghiệp có vốn nước ngoài luôn được bảo đảm với giá thấp nhất so trong khu vực.

Cần phải ghi nhận sự chuyển biến đáng mừng của ngành cơ khí chế tạo đã đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu mới của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá cao tốc độ tăng trưởng công nghiệp, nông nghiệp và quản lý tài chính và lạc quan dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018-2019 có thể đạt 7% ở trong tốp đầu của thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa đưa ra dự báo: Năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta sẽ đạt 475,5 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2017, trong đó xuất khẩu đạt 235,5 tỷ USD, nhập siêu khoảng 4,5 tỷ USD.

Đầu mùa thu này, Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) sẽ khai mạc tại Hà Nội với gần 60 phiên họp, hoạt động, có sự tham gia của 8 tổng thống, thủ tướng, 40 bộ trưởng, đại diện nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính thế giới và hơn 1.000 đại biểu các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của năm 2018 nhằm tạo ra sức mạnh mới với chủ đề: "Việt Nam - Đối tác tin cậy - kết nối sáng tạo" cùng diễn đàn: "ASEAN 4.0 vì người dân".

Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sáng tạo mở ra những mũi đột phá trong lập nghiệp công nghệ cao, đưa Việt Nam sớm trở thành nước có nền công nghiệp hiện đại. Lịch sử sẽ ghi nhận sự kiện mùa thu 4.0 đầu tiên.

Những trăn trở mùa thu 4.0

Mùa thu năm nay hoa quả được mùa, tràn ngập đường phố, nhưng không đến nỗi mất giá nhờ các địa phương, các doanh nghiệp đã biết liên kết tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến. Lương tăng, chỉ số giá vẫn trong tầm kiểm soát, đồng tiền Việt Nam vẫn ổn định, lãi suất tiết kiệm đã nhích lên, cuộc sống người dân dễ chịu hơn dù thời tiết vẫn khốc liệt.

Dự trữ ngoại tệ của nước ta đã lên đến trên 63 tỷ USD, nhưng nợ công và nợ xấu vẫn làm cho nhiều người dân phải trăn trở, lo lắng. Chia ra bình quân mỗi người dân phải gánh 35 triệu đồng nợ công. Một chuyên gia Ngân hàng Thế giới khẳng định: Có đến 60 tỷ USD đang ngủ yên trong túi người dân Việt Nam và cả rất nhiều vàng. Gửi tiết kiệm USD lãi suất băng 0%, còn gửi vàng thì phải mất thêm tiền bảo quản. Chủ trương chống đôla hóa thị trường là cần thiết, nhưng sao không vay của dân mà cứ chạy vay nước ngoài?

Về xử lý nợ xấu, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá có nhiều tiến bộ. Đã xử lý được 786.000 tỷ đồng nợ xấu, thu hồi trên 100.000 tỷ đồng. Nhưng sau hàng chục vụ đại án tham nhũng đã được xét xử số tiền thất thoát vô cùng lớn mà thu hồi không đáng kể. Công cuộc chống tham nhũng quyết liệt đã đem lại niềm tin mới trong toàn dân. Sự đổi mới về tổ chức, nhân sự đang tạo ra những cách nhìn mới, cách làm mới thực sự vì lợi ích của toàn dân.

Nhưng dường như việc giám sát quyền lực còn thiếu những định chế cụ thể - nhất là ở các địa phương vẫn tồn tại "những ông vua uy quyền, đến quan tòa cũng phải sợ". Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập những vụ án hành chính liên quan đến Ủy ban cấp địa phương gần như chỉ xử lấy lệ.

Trong tổng số hơn 41.000 doanh nghiệp vừa tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể có không ít doanh nghiệp làm ăn phiêu lưu, thua lỗ nặng, nhưng cũng có những doanh nghiệp bị vòi vĩnh mà phải ngừng kinh doanh. Tuy nhiên nhờ những cải cách thủ tục hành chính thông thoáng 8 tháng đầu năm 2018 đã có 87.500 doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động tốt.

Chính phủ đã bãi bỏ nhiều quy định bất hợp lý nhằm tạo điều kiện để 1,5 triệu hộ kinh doanh có thể trở thành doanh nghiệp. Quy luật đào thải khốc liệt với các doanh nghiệp tư nhân, nên cũng không thể để cho những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, cần phải đẩy nhanh cổ phần hóa và làm sao cho "siêu" ủy ban quản lý doanh nghiệp nhà nước hoạt động chặt chẽ, hiệu quả.

Vừa qua Quốc hội bàn nhiều đến việc xử lý những tài sản lớn của công chức không chứng minh được nguồn gốc chính đáng và cũng không có chứng cứ kết tội tham nhũng. Thực ra lương của phần lớn công nhân viên chức còn quá thấp, khó trang trải cuộc sống, cả đời tiết kiệm cũng khó mua nổi căn nhà nhỏ, nói chi đến xe hơi, biệt thự.

Nhiều viên chức chỉ vì lo kinh phí cho con học trường tốt mà sinh ra tham nhũng vặt khi trở thành thói quen thì rất khó bỏ. Tham nhũng vặt mênh mông lắm, dễ thấy mà cũng dễ xử. Còn tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách tinh vi khó thấy và vô cùng khó xử nếu không dũng cảm và không đủ trình độ nhận thức.

Từ những kẽ hở của luật pháp mà bao người đã giàu lên nhanh chóng và họ cũng thừa khôn ngoan che đây cất giấu của cải... Sao chỉ nhìn vào những tài sản lớn lộ ra mà không tìm kính chiếu yêu để soi vào từng vật nhỏ xíu nhưng giá trị hơn hàng chục biệt thự. Đây cũng là điều còn băn khoăn của người dân trong mùa thu này.

Theo Vneconomy

Bạn đang đọc bài viết "Kinh tế và tri thức Việt Nam đã mang tầm vóc mới" tại chuyên mục Tiêu điểm.