Năm 2018, Việt Nam đã gây ấn tượng mạnh mẽ với mức tăng trưởng GDP đạt 7,1%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2 ở châu Á. Mới đây, báo cáo của DBS dự đoán kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp Singapore vào năm 2029 dựa trên một số giả định.
Dựa trên những yếu tố trong và ngoài nước cùng tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, DBS cho rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng bình quân 5,5% trong những năm tới. Với tỷ lệ tăng trưởng dân số ngắn hạn trong độ tuổi lao động là 1% rồi giảm dần xuống 0,5%, DBS dự đoán Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong trung hạn, khoảng 10 năm tới.
Nếu Việt Nam giữ nguyên được tốc độ tăng trưởng này trong ngắn hạn còn các nền kinh tế khu vực cũng giữ mức tăng trưởng bình quân vốn có, ví dụ Singapore là 2,5%, Thái Lan là 4%, Indonesia là 5%... thì thứ tự xếp hạng kinh tế tại đây sẽ có nhiều biến động trong tương lai.
Tổng GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore từ năm 2029 (tỷ USD)?
Hiện tại, tổng GDP của Việt Nam vào khoảng 224 tỷ USD, tương đương 69% so với Singapore (324 tỷ USD), quốc gia đứng thứ 3 bảng xếp hạng GDP sau Indonesia (1.016 tỷ USD) và Thái Lan (455,2 tỷ USD). Nếu Việt Nam giữ được tốc độ tăng trưởng 6-6,5% như dự đoán trong tương lai, còn Singapore vẫn ở mức 2,5% thì DBS dự đoán Việt Nam sẽ bắt kịp Singapore trong bảng xếp hạng GDP vào năm 2029.
Nói cách khác, nếu những giả định của DBS là chính xác thì tổng GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore trong 10 năm nữa.
Dẫu vậy, DBS cũng cảnh báo dự đoán có thể không chính xác khi Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Ví như tiến trình cổ phần hóa các công ty quốc doanh cũng như mở cửa thị trường tài chính đang bị chậm tiến độ do liên quan đến giải quyết nợ xấu. Hệ thống luật pháp, quy định trong quản lý kinh doanh còn yếu kém khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại…
Tuy nhiên, DBS nhận định đây là những thách thức chung của các nền kinh tế mới nổi và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thậm chí, những tiến bộ của Việt Nam cho thấy nền kinh tế này đã đi đúng hướng và DBS nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn là vô cùng tích cực.
Trâu vàng Việt Nam trỗi dậy
Tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,1% trong năm 2018, đứng thứ 2 ở Châu Á về tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên để đạt thành quả này, Việt Nam đã phải vượt không ít khó khăn.
Cách đây 10 năm, kinh tế Việt Nam đối mặt với tình trạng lạm phát cao tới 28%, tăng trưởng chậm cũng như đồng tiền mất giá, trong khi hệ thống tài chính gặp nhiều rủi ro với những khoản nợ xấu. Việc mở cửa thị trường nhanh chóng sau khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) cũng như mối liên kết ngày càng lớn với thị trường xuất khẩu Mỹ khiến Việt Nam chịu tổn thương khi cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra.
Kinh tế Việt Nam chỉ ổn định lại từ giữa năm 2012 sau khi một số chính sách thắt chặt tiền tệ được chính phủ ban hành.
Tỷ giá VND so với USD và chỉ số giá tiêu dùng đo lạm phát CPI của Việt Nam
Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 đã khiến công cuộc cải cách nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến đổi. Nghị quyết 11 được Chính phủ thông qua đầu năm 2012, tập trung vào việc ổn định nền kinh tế trong khi Kế hoạch phát triển xã hội kinh tế 2011-2015 (SEDP) hướng tới việc cải cách các tập đoàn nhà nước.
Kể từ đó đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng bình quân đạt 6,4% trong 3 năm qua, lạm phát được kiểm soát ổn định ở 3,2% cùng kỳ. Điều đáng mừng hơn là Việt Nam bắt đầu vượt nhiều nền kinh tế khác trong khu vực ở một số mặt nhất định.
Theo DBS, điều quan trọng nhất là chính phủ Việt Nam đã hướng đến sự tăng trưởng ổn định dài hạn hơn là quá đam mê với bùng nổ ngắn hạn. Công cuộc cải cách kinh tế trong nước dù chậm nhưng vẫn được tiến hành.
Trên những nhận định đó, DBS cho rằng triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam là vô cùng tích cực và có thể gia nhập top những nền kinh tế có GDP lớn nhất khu vực trong thập niên tới.
Đầu tư cho tương lai
Việt Nam đang chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng cũng như thu hút đầu tư nước ngoài cho phát triển dài hạn. Nền kinh tế có Nguồn vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc top hàng đầu khu vực với 14,1 tỷ USD năm 2017, tương đương 6,3% GDP danh nghĩa, cao thứ 3 tại ASEAN.
Những lợi thế mà nền kinh tế Việt Nam đang có hiện nay là các khu công nghiệp tích hợp và chuyên dụng cao, có địa điểm chiến lược nằm trong chuỗi cung ứng, gần thị trường lớn Trung Quốc cũng như thuế suất hấp dẫn và lực lượng lao động trẻ dồi dào.
Việt Nam đứng thứ 3 ASEAN về nhận vốn FDI, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư hàng đầu
Các nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay là Nhật Bản (chiếm 18,6% tổng FDI), Hàn Quốc (10,3%), Singapore (4%), trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 3,4%. Những lĩnh vực đầu tư FDI cũng khá rộng, từ bất động sản, cơ sở hạ tầng , ngân hàng, viễn thông cho đến sản xuất. Trong đó, mảng sản xuất, nhất là thiết bị điện tử thu được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư nhất.
Sự phát triển của mảng sản xuất điện tử tại Việt Nam là nhờ xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng trong khu vực. Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần từ nhiều nền kinh tế dẫn đầu của mảng này. Đây là tiến trình mà nhiều nước Châu Á đang tham chiến khi những công xưởng điện tử trước đây gia tăng chi phí sản xuất, khiến những nước có chi phí thấp hơn như Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.
Đầu tư cho sản xuất công nghệ ở Việt Nam ngày càng tăng và các tập đoàn công nghệ cao đổ bộ ngày càng nhiều vào thị trường này trong những năm gần đây. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Microsoft hay Panasonic đã dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và tiền trình này vẫn đang tiếp tục, đem lại các hiệu quả rõ ràng về tăng trưởng kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu điện tử của các nước ASEAN (tỷ USD)
Việt Nam có tỷ lệ đầu tư cơ sở hạ tầng theo phần trăm GDP lớn nhất ASEAN
Trong chưa đến 1 thập niên, Việt nam đã vượt qua hàng loạt thị trường có lợi thế về công nghệ để trở thành nhà xuất khẩu thiết bị điện tử lớn thứ 2 tại ASEAN, chỉ đứng sau Malaysia. Thậm chí với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, sẽ không có bất ngờ gì khi Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu điện tử hàng đầu ASEAN vào những năm tới.
Bên cạnh tận dụng xu thế, Việt Nam cũng đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng. Mặc dù nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng làm tương tự nhưng Việt Nam lại thực hiện chúng với quy mô khá lớn nếu so sánh với kích cỡ nền kinh tế. Số liệu của ngân hàng ADB cho thấy tổng đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam theo tỷ lệ phần trăm GDP đạt 5,8% năm 2017, cao hơn rất nhiều nước láng giềng.
Chính nhờ sự đầu tư cơ sở hạ tầng với quy mô lớn này mà Việt Nam có thể thúc đẩy lâu dài được tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút thêm các nguồn vốn FDI.
Lao động giỏi lại giá "bèo", ai chả thích
Cấu trúc dân số Việt Nam hiện khá tốt. Mặc dù độ tuổi bình quân vẫn cao hơn một chút so với nhiều nước có lợi thế dân số trẻ trong khu vực nhưng như thế vẫn có lợi thế hơn các nền kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Trung Quốc.
Ngoài ra, chất lượng giáo dục cũng góp phần không nhỏ cho tăng trưởng dài hạn khi Việt nam vượt mặt nhiều nước trong khu vực về mặt này. Chỉ số nguồn lực con người của Ngân hàng thế giới World Bank xếp Việt Nam đứng thứ 3 sau Singapore và Trung Quốc trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Độ tuổi bình quân của các nước tại ASEAN
Việt Nam vượt nhiều nước ASEAN về chỉ cố con người
Nhân lực Việt Nam không những chăm chỉ mà còn được đầu tư cho giáo dục. Trong suốt 20 năm qua, chính phủ đã luôn dành 20% chi tiêu công cho giáo dục, một tỷ lệ khá cao so với thế giới. Nhờ đó năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm qua.
Thêm nữa, việc FDI đổ vào mảng công nghệ cũng thúc đẩy giáo dục cũng như nhu cầu lao động tay nghề cao, qua đó gián tiếp thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Tăng trưởng năng suất của Việt Nam không những cải thiện trong những năm gần đây với mức bình quân 5,7%/năm trong giai đoạn 2015-2017, mà còn vượt nhiều nền kinh tế để vươn lên đứng thứ 2 sau Trung Quốc.
Không những năng suất, lao động Việt Nam còn có chi phí cực kỳ cạnh tranh trong khu vực. Mức lương bình quân tháng của Việt Nam chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Chính yếu tố này khiến Việt Nam thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp điện tử cũng như sẽ trở thành người được lợi nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Việt Nam vượt nhiều nước ASEAN về tăng trưởng năng suất lao động
Việt Nam có chi phí lao động thuộc hàng thấp nhất khu vực (USD/tháng)
Lợi ích từ chiến tranh thương mại
Việt Nam đang có lợi thế cực kỳ lớn trong tình hình chiến tranh thương mại diễn ra hiện nay. Nền kinh tế đang xâm nhập ngày càng nhiều trong chuỗi cung ứng sản xuất trong khi nguồn vốn FDI mạnh cũng như phát triển kỹ thuật bao năm qua giúp ngành sản xuất của Việt Nam ngày càng có chỗ đứng.
Bên cạnh đó, Việt Nam có đến 44 cảng biển với công suất tổng đạt 500 triệu tấn/năm. Việt Nam cũng nằm trên vùng biển Đông, nơi chiếm 20% lưu lượng thương mại trên toàn cầu.
Thêm nữa, Việt Nam cũng ký kết nhiều thỏa thuận thương mại tự do như AFTA, AEC, CPTPP, RCEP…qua đó củng cố mối liên kết thương mại với những đối tác chiến lược như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Giờ đây khi chi phí nhân công của Trung Quốc đã cao gấp 3 lần so với Việt Nam, qua đó làm giảm lợi nhuận và buộc các công ty phải dịch chuyển nhà máy của mình sang nước khác. Dựa trên lợi thế về vị trí địa lý, Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu. Đó là chưa kể đến thị trường có tầng lớp trung lưu ngày một tăng tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy nhu cầu nội địa cũng như thu hút các nhà sản xuất nước ngoài.
FDI từ Trung Quốc vào Việt nam vượt xa các nước khác trong 4 tháng đầu năm 2019 (tỷ USD)
Trên thực tế, dòng vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam đã cao hơn rất nhiều trước khi chiến tranh thương mại trở nên nóng bỏng. Trong 4 tháng đầu năm 2019, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, cao hơn tất cả những nhà đầu tư khác từ đầu năm đến nay hay trong cùng kỳ năm trước. Thậm chí, riêng tổng nguồn vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đã vượt cả tổng số của cả năm 2018.
Với dấu hiệu này, DBS cho rằng đây là minh chứng cho sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang những thị trường an toàn hơn như Việt Nam, nhất là khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày càng nóng hơn.
AB
Theo Nhịp Sống Kinh Tế