Đầu năm 1962, mẹ Năm Cam qua đời sau một cơn bạo bệnh. Năm Cam trở thành kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, gánh nặng người vợ đang mang thai là Trúc (sau này được giang hồ gọi là Trúc “mẫu hậu”) khiến cuộc đời Năm Cam bắt đầu lật sang trang mới, cay đắng và khốc liệt nhiều hơn trước .
Bài học đầu tiên trong giới giang hồ
Hẻm Sáu Căn có thêm một thành viên mới, nghe đâu rất có máu mặt tên Mười “Côn Lôn”. Năm Cam nghe lũ bạn kháo nhau nên cũng quay về để xem mặt đại ca này ra sao. Nô “cao giò”, một thanh niên trong xóm cũng thuộc vào loại “có tiếng nói” do đã có lần tù tội. Lúc bấy giờ, việc đi ở tù là ghê gớm lắm, trừ những ai đi làm quốc sự, ngoài ra đều được nhìn với ánh mắt e dè sợ sệt.
Mười “Côn Lôn” được Nô “cao giò” đưa về xóm giới thiệu với bạn bè đồng trang lứa: “Anh Mười là đàn anh của tao!”. Lời giới thiệu không cần dài dòng nhưng hết sức hiệu quả. Năm Cam không cần biết nhiều, như thế đã quá đủ để nó và các bạn ngưỡng mộ Mười “Côn Lôn” lắm rồi. Nhưng rồi một lần anh Mười làm Năm Cam thất vọng.
Vẫn là câu chuyện “một núi không thể hai cọp”, huống hồ con cọp đến sau chưa có một thành tích nào khả dĩ thuyết phục các hảo hán địa phương. Hẻm 122 nổi danh từ lâu về việc “sản sinh” hàng loạt anh chị cho giới giang hồ bến tàu, đâu thể chấp nhận một tay lạ hoắc nào đó đến xưng hùng xưng bá ở con đường Tôn Đản này.
Chiều tối, hai anh em Được, Lót (xếp sòng hẻm 122) dắt tốp em út cỡ vài chục mạng, mang theo dao bầu, mã tấu, gậy gộc, xuống thẳng hẻm 148 tìm anh Mười Côn Lôn, mục đích “thử lửa xem là vàng thật hay vàng dỏm”.Vừa bước trong nhà ra chưa tới đầu hẻm, Năm Cam lãnh ngay một gậy vào lưng nhằm thị uy để bắt Mười “Côn Lôn” lộ diện ứng chiến. Nhưng Mười không ngu gì mà thò mặt ra lúc này.
Diễu võ dương oai suốt cả giờ đồng hồ vẫn không thấy tướng địch xuất hiện, Được và Lót hạ lệnh “thu quân”. Năm Cam lóp ngóp chui lên từ mé ao cạn, vừa vào nhà tắm rửa giặt giũ vừa làu bàu trách: “Anh Mười! Tại sao không ra mặt để đối phương đừng khi dễ”. Mười “Côn Lôn” bảo: “Đừng vì hai chữ “anh hùng” mà húc đầu vào đó! Khi cần, vẫn có thể chịu nhục mà lánh thân, miễn là bảo toàn được tánh mạng, danh tiếng vẫn còn lấy lại như thường”. Năm Cam rút ra được một bài học đáng giá sau khi lãnh một cây gậy đập vào lưng.
Mang án giết người khi tuổi 16
Đầu năm 1962, mẹ Năm Cam qua đời sau một cơn bạo bệnh. Năm Cam trở thành kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, gánh nặng người vợ đang mang thai là Trúc (sau này được giang hồ gọi là Trúc “mẫu hậu”) khiến cuộc đời Năm Cam bắt đầu lật sang trang mới, cay đắng và khốc liệt nhiều hơn trước .
Nhịp sống Sài Gòn hối hả, vội vàng, sôi động. Rễ Đen - gã thanh niên cùng hẻm chạy hớt hơ hớt hải: “Ê! Năm Cam, anh Bảy của mày bị đón đường kìa!”. Buông chén cơm xuống bàn, Năm Cam lật đật chạy ra. Đi ngang ngạch cửa, y rút con dao lạn cá của Tư Xẩm phòng vệ.
Đến đầu hẻm 148, Năm Cam thấy chiếc xe đạp nằm chỏng chơ giữa lộ nhựa. Được và Lót (hai anh em khét tiếng du côn Tôn Đản) đang vây Bảy Xi và Nô “cao giò”. Nô dính một nhát vô lưng vội co giò bỏ chạy. Bảy Xi vùng vẫy vô vọng, trúng liên tiếp mấy nhát dao, trong đó có nhát ở gần cổ khá sâu, máu loang ướt chiếc áo coi như chỉ còn chờ chết. Năm Cam nhảy vào hua dao loạn xạ.
Vừa chém hai anh em Lót và Được, Năm Cam vừa la lớn: “Anh Lót, buông anh Bảy tui ra”. Lót cười lạt co giò đạp thằng nhóc Năm Cam phá đám đi chỗ khác. Năm Cam rút dao đâm mạnh gần nách Lót khiến máu vọt ra như ống nước bị bể, rồi sau đó gã du côn khuỵu xuống đất chết tại chỗ. Được thoáng chốc bất ngờ, khựng lại liền bị phản công dính hàng chục nhát dao thập tử nhất sinh. Sau đó Năm Cam, Bảy Xi, Nô “cao giò” bỏ trốn.
Nô “cao giò” bản tính đa tình, vốn có “phòng nhì” ở Lái Thiêu từ lâu nên sau vụ xô xát lập tức cuốn gói lên đây ẩn náu. Bảy Xi dắt em vợ theo Nô nhưng nhanh chóng nhận ra khó tồn tại nổi nếu bám vào cây cọc mục là cô vợ bé của Nô “cao giò”. Cô ta chỉ quen được chiều chuộng và chấp nhận làm vợ bé cho gã giang hồ quận 4 này để có thể dựa hơi gã mà sừng sộ với các bạn hàng khác ở chợ.
Giờ Nô “cao giò” chỉ có thể chường mặt vào ban đêm, không dám to tiếng với cả một đứa trẻ con, cô ta đâm ra ngán ngẩm và tỏ ra thái độ không mấy gì niềm nở với 3 kẻ đào tẩu. Túng thế, Bảy Xi tìm cách liên lạc với gia đình nhờ liên hệ trốn vào vùng kháng chiến.
Ba kẻ đào tẩu lên Bến Cát, tạm thời ở trong gia đình có cảm tình với cách mạng. Sau đó, toàn bộ lý lịch của cả 3 nhân vật đang trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật chế độ Sài Gòn được người đưa tin giới thiệu với tổ chức. Bảy Xi và em vợ thắp thỏm chờ đợi trong khi Nô “cao giò” vẫn không dứt khoát hẳn và diễn ra tranh cãi: “Vào trong chiến khu để làm gì chứ”, Nô “cao giò” hỏi. Bảy Xi trả lời ngắn gọn: “Ít ra, cũng khỏi ở tù!”.
Định nói thêm, Bảy Xi chợt nhận ra Nô “cao giò” nói có lý. Với người có lý tưởng thì vào chiến khu cầm súng là mục đích ở đời, còn với bọn giang hồ đâm chém như gã và Nô “cao giò”, vào tù để sau đó ít lâu trở về xem ra có lý hơn. Năm Cam nhận thức còn non nớt, không để ý gì đến cuộc tranh luận của hai ông anh nhưng tỏ vẻ thích thú khi được đi đây đi đó, dù có phải trốn chui trốn lủi.
Ba ngày sau, có thông tin từ trong chiến khu không chấp nhận chứa chấp những kẻ phạm pháp hình sự. Cuộc đào tẩu bằng cách trốn vào chiến khu coi như bất thành. Năm Cam bảo: “Coi như để mình tôi chịu cho! Anh Bảy có về lo giùm vợ con tui”. Ba hôm sau, cả 3 lên xe hơi của Luật sư Trần Văn Trai (thành viên của đảng Cần Lao) đến trình diện Văn phòng Dự thẩm. Họ được chuyển qua giam trong khám Chí Hoà.
>> Đón đọc chuỗi bài về Năm Cam tại đây: https://thuongtruong24h.vn/tag/nam-cam