Trước đây, mộng dừa được xem là món ăn vặt bình dân của trẻ em nông thôn. Vài năm gần đây loại mộng này bỗng nhiên gây 'sốt', được nhiều người tìm mua với giá 200-300 nghìn đồng/kg, đắt hơn 30 lần so với giá mua cả quả dừa.
Mộng dừa hay còn gọi là mầm dừa, là phần bên mầm bên trong quả dừa già. Đây được xem là món ăn vặt bình dân tại nhiều vùng nông thôn. Vài năm trở lại đây, mộng dừa bỗng trở thành đặc sản, hút khách được nhiều người săn lùng và bán với giá cao.
Theo khảo sát, 1kg mộng dừa trên thị trường có giá từ 250-300 nghìn đồng/kg, thậm chí vào lúc khan hiếm, nó được đẩy giá lên tới 400 nghìn đồng/kg. Theo nhiều chủ buôn, dù giá cao song không phải sẵn hàng, khách muốn mua nhiều khi phải đặt hàng trước vài tuần.
Chị Minh Ánh (29 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, cả gia đình chị ai cũng nghiện món mộng dừa. Vào mùa, tuần nào chị Ánh cũng phải đặt 1-2kg về cất tủ lạnh ăn dần. So với cùi dừa thì mộng dừa ăn ngon hơn, có vị giòn, xốp khi cắn cảm giác vị ngọt, béo tan chảy trong miệng.
“Mộng dừa để trong tủ lạnh, cho thêm mấy lá nếp hoặc lá dứa ăn dầm với đường hoặc sữa rất ngon, thơm. Một ngày, tôi có thể ăn hết cả kg mộng dừa mà không biết chán”, chị Ánh nói.
Trong khi đó, chị Thu Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, trước đây chưa từng ăn mộng dừa nhưng thấy facebook quảng cáo nhiều nên cũng đặt mua thử một lần ăn cho biết, không ngờ “nghiện luôn”.
Theo chị Hương, món này rất hợp với chị em phụ nữ, đặc biệt là có tính giải khát cao nên được nhiều người ưa chuộng. Trong đó, loại mộng dừa nhỏ bằng lòng bàn tay ăn sẽ ngọt, béo hơn loại mộng to. “Mộng dừa ngon nhất là để trong tủ lạnh, ăn kèm với lạc rang hoặc cho vào chè ăn cũng rất đưa miệng”, chị Hương nói.
Theo chị Hương, gần 1 tuần nay chị đặt 2kg mộng dừa nhưng người bán nói phải đợi vài ngày để gom hàng vì không có sẵn. “Tôi mua 300 nghìn đồng/kg, đắt nhưng vẫn phải chờ đợi. Người bán nói mộng dừa phải gom tận Bến Tre, nhiều khi hàng chục quả già mới kiếm được một quả có mộng dừa bên trong. Chính vì hiếm nên giá bán bị đẩy cao hơn so với những trái dừa thông thường”, chị Hương nói.
Khảo sát tại nhiều cửa hàng bán mộng dừa tại Hà Nội, giá bán mộng dừa dao động từ 200-300 nghìn đồng/kg, tùy chất lượng, trong đó loại mộng dừa càng to, giá càng rẻ.
Anh Minh, chủ một thương lái bán mộng dừa tại khu vực Cầu Giấy cho hay, đây là loại quà ăn vặt đặc sản của miền Tây. Trước đây, mộng dừa không bán, mà chủ yếu cho nhau làm thứ quà ăn vặt, giải khát mùa hè. Hai ba năm trở lại đây, mộng dừa được ưa chuộng, giá bán cao nên thương lái bắt đầu gom hàng, bán ra thị trường.
Mộng dừa có hai loại, mộng nhỏ và mộng lớn. Loại mộng nhỏ chỉ to bằng lòng bàn tay, to như lòng chén, ăn có vị ngọt, giòn béo trong khi đó, loại mộng to ăn xốp, không thơm và ngọt bằng nên có giá bán rẻ hơn.
“Mộng dừa còn gọi là phôi dừa, là phần tinh túy, bổ dưỡng nhất của quả dừa. Không phải quả dừa nào cũng có mộng mà phải là quà dừa già, nên thuộc hàng rất hiếm. Thông thường các thương lái phải gom ở các vựa dừa Bến Tre mới đủ số lượng cung cấp cho khách”, anh Minh nói.
Theo anh Minh, một tuần anh gom được từ 50-80kg. Mộng dừa không để được lâu nên thông thường các thương lái sẽ vận chuyển bằng đường hàng không để tiết kiệm thời gian. Đây cũng là một trong những lý do khiến giá của loại quà vặt này trở nên đắt đỏ.
“Một tuần, tôi nhận đơn của khách sau đó báo số lượng, thương lái chuyển ra Hà Nội. Mỗi lần nhập, nhiều thì được gần 100kg, ít thì được vài chục. Mộng dừa phải ướp lạnh, bảo quản cẩn thận nếu không ăn sẽ không giòn, thơm”, anh Minh nói.
Cũng bán mộng dừa, chị Triều (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, cứ 3 ngày chị trả đơn cho khách một lần. Vào mùa hè đặc biệt là những hôm cao điểm nắng nóng, mộng dừa rất đắt khách. “Nhiều khách đặt 3-4kg một lúc. Tuy nhiên, hàng không có sẵn nên đôi khi tôi phải từ chối hoặc báo khách hẹn đợt sau”, chị Triều nói.
Lý giải cơn “sốt” của loại quà vặt này, thương lái này cho biết, mộng dừa ăn có tính giải khát cao, nhiều chất dinh dưỡng, lại đẹp da, khi ăn có hương vị thơm ngon, lạ miệng nên được nhiều người đặc biệt là chị em phụ nữ rất ưa chuộng.
“Mộng dừa khan hiếm, không sẵn có mà phải gom nên gây “sốt”. Thêm vào đó, loại quà vặt này có hình dáng lạ mắt, ăn đưa miệng, hợp với khẩu vị của nhiều người”, chị Triều nói.
(Theo Dân trí)
Theo VietnamNet