Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Là nhà đầu tư cá nhân, bạn có biết lợi thế cơ bản của mình so với các quỹ chuyên nghiệp?

18/11/2018 12:00

Thị trường cổ phiếu gần đây chứng kiến những phiên dao động mạnh với biên độ lớn. Những nhà đầu tư để mình bấn loạn theo các dao động phi lý của thị trường thì đang biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi cơ bản một cách tai hại.


Thị trường cổ phiếu gần đây chứng kiến những phiên dao động mạnh với biên độ lớn. Những nhà đầu tư để mình bấn loạn theo các dao động phi lý của thị trường thì đang biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi cơ bản một cách tai hại.

Mặc dù thị trường cổ phiếu đã trải qua nhiều phiên điều chỉnh mạnh gần đây, nhưng dường như sự ổn định vẫn chưa quay trở lại đối với hầu hết các cổ phiếu. Tại Mỹ, chỉ số đo lường sự dao động của chỉ số S&P 500 (S&P 500 VIX) trong năm nay đã hai lần vượt qua mốc 20 điểm, là mốc cao nhất kể từ đầu năm 2016. Thậm chí đối với các cổ phiếu bluechips công nghệ, số phiên giao dịch có biên độ dao động lớn hơn 3% xuất hiện với tần suất dày đặc trong năm nay, mạnh nhất kể từ sau Khủng hoảng tài chính 2008. Ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, hay thị trường cận biên như Việt Nam, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra.

Thị trường dao động mạnh tạo cơ hội dịch kiếm lời từ các hoạt động đầu cơ hoặc giao dịch vị thế trên thị trường chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân trong thị trường cổ phiếu, những dao động mạnh của giá cổ phiếu thường tạo ra những căng thẳng dẫn tới hành động sai lầm.

Hãy nhớ lại những thảo luận tuyệt vời của Benjamin Graham về khái niệm "Lợi thế cơ bản" của nhà đầu tư cá nhân. Thực ra chỉ trong rất ít trường hợp, các nhà đầu tư chân chính mới buộc phải bán đi những khoản đầu tư của mình. Tại hầu hết các thời điểm, họ tốt hơn không cần phải quan tâm tới giá thị trường hiện tại của cổ phiếu. Mọi người chỉ nên quan tâm đến nó và hành động khi nào cốt lõi kinh doanh của doanh nghiệp có sự biến đổi. Do đó, nhà đầu tư nào mà để mình bị bấn loạn hoặc lo lánh quá đáng vì những lần cổ phiếu của họ giảm giá thị trường một cách vô lý, thì anh ta đang biến lợi thế cơ bản của mình thành bất lợi cơ bản một cách tai hại.

Cũng theo Benjamin Graham, sẽ tốt hơn đối với những nhà đầu tư này nếu cổ phiếu của họ hoàn toàn không có báo giá thị trường. Khi đó, họ sẽ thoát khỏi sự đau khổ tâm lý gây ra bởi những sai lầm trong đánh giá của thị trường.

Khi nhắc tới "lợi thế cơ bản", Graham đang đề cập tới điều gì?

Trong cuốn sách "Nhà đầu tư thông minh" nổi tiếng, ông đưa ra ví dụ về tình huống thị trường trong những ngày khủng hoảng đen tối giai đoạn 1931 – 1933. Lúc này, thị trường cổ phiếu Mỹ vừa trải qua Đại suy thoái 1929, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán gần như không còn nữa. Chỉ có rất ít giao dịch được thực hiện. Diễn biến đó tương tự giai đoạn 2010 – 2012, những năm đầu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nhà đầu tư trở nên đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ diễn biến nào của kinh tế vĩ mô hoặc dao động trên thị trường, mà quên đi giá trị cơ bản của cổ phiếu, đó là đại diện cho quyền sở hữu một doanh nghiệp. Vì mỗi cổ phiếu đại diện cho quyền sở hữu tại một doanh nghiệp, nên giá cổ phiếu sẽ chỉ hợp lý khi nó biến động cùng chiều với triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp đó. Tất cả những dao động theo diễn biến tâm lý trên thị trường đều là phi lý. Lúc đó, theo Graham, nhà đầu tư có một lợi thế tâm lý trong việc sở hữu các công ty không có báo giá.

Tại thời điểm trong phiên biến động mạnh, chẳng hạn khi chỉ số Dow Jones giảm 831,83 điểm ngày 10/10 mới đây, nhà đầu tư có thể hoảng loạn và cảm thấy mình buộc phải bán ra cổ phiếu bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu nhìn lại mọi người sẽ thấy thật vô lý khi sự sụt giảm mạnh mẽ chủ yếu bắt nguồn từ nhóm cổ phiếu của một số tập đoàn công nghệ lớn vốn dĩ đã tăng trưởng mạnh trong một thị trường giá lên kéo dài nhiều năm mà không liên quan đến nhiều cổ phiếu trên thị trường. Chỉ đúng 1 tháng sau, chỉ số Dow Jones đã gần trở lại mức giá cao trước đó.

Jason Zweig, cây viết nổi tiếng của tờ Wall Street Journal, cũng đã từng đề cập tới một khía cạnh khác về lợi thế cơ bản của các nhà đầu tư cá nhân. Đó là khi so sánh với các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp. Các giám đốc đầu tư chuyên nghiệp thường xuyên phải chịu các sức ép từ phía bên ngoài về thành tích sinh lời, về đảm bảo tính thanh khoản của quỹ, hay tiêu chí nhất quán đối với các khoản đầu tư của quỹ (trong đó có các tiêu chí về vốn hóa và thanh khoản của cổ phiếu). Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân không phải chịu các sức ép này và hoàn toàn tự do khi ra quyết định đầu tư.

Do đó, nhà đầu tư cá nhân chỉ nên quan tâm đến đầu tư như một khoản tích lũy cho tương lai. Họ đầu tư các khoản tiền nhàn rỗi của mình vào mỗi cổ phiếu với kỳ vọng hoạt động kinh doanh của công ty đó vẫn ổn định và mang lại lợi nhuận trong tương lai. Các khoản cổ tức nhận được từ lợi nhuận thặng dư của công ty sẽ đủ để đảm bảo cho họ sự an toàn tài chính sau này. Nhà đầu tư cá nhân chỉ nên coi việc đầu tư là nhằm giữ tiền chứ không phải để kiếm tiền. Khi đó, họ sẽ nhận ra sự vô nghĩa của các dao động đối với giá thị trường của cổ phiếu.

Những bài học chỉ có giá trị khi được học đi học lại nhiều lần. Trong nhiều năm qua, thị trường cổ phiếu đã trải qua nhiều thăng trầm, có những cuộc suy thoái khiến chỉ số chính của thị trường mất tới 50% giá trị hoặc hơn, nhưng qua thời gian thị trường vẫn luôn đạt tới những đỉnh cao mới.

Các nhà đầu tư cá nhân, nếu không đủ tự tin để lựa chọn một nhóm cổ phiếu riêng lẻ, hãy chọn mua cả danh mục thị trường thông qua các quỹ đầu tư chỉ số. Nhưng với bất kỳ cách nào, mọi người đều cần ý thức được vị thế của mình trên thị trường tham gia đầu tư để tích lũy trong dài hạn. Đó mới là suy nghĩ đúng đắn để có thể hành xử một cách lý trí trong bối cảnh thị trường dao động mạnh.


Theo Quang Huân

Thời Đại