WinEco

Là phụ nữ, đừng mang bản thân ra tiệm cầm đồ mà không cần thế chấp!

12/09/2019 21:42

Phụ nữ cái gì cũng giỏi, giỏi nhất là tự ngược đãi, đánh giá thấp và chán ghét chính mình.

Atelophobia, nỗi sợ hãi mang tên "Em không-bao-giờ hoàn hảo"

Thử lấy một tạp chí dành cho phụ nữ gần bạn nhất, mở ra và đọc nó đi, bạn sẽ thấy tất cả chúng đều có một công thức chung là gồm những bài báo dạng thế này:

- Làm sao để giảm được cân trong thời gian ngắn nhất?

- Hãy yêu lấy mình, dù bạn có là ai, bạn vẫn xứng đáng được yêu thương.

- Cách làm những chiếc bánh gato ngon nhất để tự thưởng (công thức ngồn ngộn toàn kem, bơ, đường, phô mai béo ngậy!).

Đấy. Phụ nữ là giống loài phức tạp nhất thế giới, nên những bài báo dành cho phụ nữ cũng hại não và đầy mâu thuẫn như vậy. Nếu đã yêu chính mình, dù mình là ai, thì cần quái gì bài báo giảm béo? Nếu muốn giảm béo thì tại sao lại xuất hiện thêm cả bài hướng dẫn làm bánh, nấu ăn trong khi biết rõ rằng phụ nữ luôn bị yếu lòng trước hai thứ là đồ ăn ngon và trai đẹp?

Mâu thuẫn trong phụ nữ rối đến nỗi, nếu có ngồi đấy cặm cụi gỡ lấy gỡ để, có khi 10 năm sau vẫn chưa gỡ hết được. Và cũng bởi trong não có quá nhiều thanh tab đang mở và hoạt động đồng thời, nên phụ nữ rất hay mắc các bệnh về tâm lí. Một trong những chứng bệnh điển hình, đó chính là Atelophobia - nỗi sợ rằng mình sẽ không bao giờ đủ tốt, không bao giờ là người hoàn hảo!

Ngược lại với những anh hùng luôn chém to kho mặn và hay ảo tưởng sức mạnh rằng mình có thể giải cứu thế giới chỉ với một ngón tay, thì những cô nàng mắc hội chứng atelophobia luôn có cảm giác mình mà biến mất thì cuộc đời này cũng chẳng hề hấn gì, vì mình có cống hiến được cái quái gì cho đời đâu cơ chứ?!

Chức hội trưởng hội "bệnh nhân" này chắc chắn nên trao cho cô bạn tôi, một người có sở thích quái đản là dìm hàng bản thân. Lúc nào cô nàng cũng thấy mình có một khiếm khuyết, điểm trừ nào đó. Khi là mặt quá nhiều mụn, khi là đôi chân to và thô, khi là gu ăn mặc không "ngửi" nổi của mình. Cứ mở mồm ra là thấy cô nàng tự vả vào mặt mình bằng những lời tự cảm khái, nhận xét vô cùng cay đắng.

Rồi cô tặc lưỡi rút ra kết luận "Người như tao, chó nó yêu!". Tôi lắc đầu ngán ngẩm "Mày không yêu nổi mày thì chó nào dám yêu mày?". Nàng cũng chả buồn vặc lại. Chắc đang mải nghĩ là đến loài chó cũng ghét mình thật cũng nên.

Một chị đồng nghiệp của tôi, cũng xứng đáng được ghi danh làm hội phó. Chị cũng mắc bệnh atelophobia đấy. Nhưng ở một level khác. Vì thấy mình không đủ tốt, không đủ hoàn hảo, nên lúc nào cũng nhận mình là người kém cỏi trong mọi trường hợp. Có người yêu, chị ngay lập tức coi anh chàng như đấng cứu thế. Kiểu "May mắn lắm em mới được anh để mắt đến!". Rồi cái gì chị cũng nhao ra nhận lấy trách nhiệm về mình, cũng đòi hy sinh, làm hết cho mọi người. Người cảm động, trân trọng thì ít, người khoái trá thích thú, tìm cách lợi dụng chị thì nhiều. Thế là chị trở thành "lính cứu hỏa" của cả thế giới. Khi ai cần cũng réo tên chị, nhờ hết cái nọ đến cái kia. Nhưng khi chị cần ai giúp đỡ thì tất cả lại bốc hơi như chưa từng tồn tại.

<br />
Đôi khi để hoàn hảo, bạn sẽ phải đánh mất chính mình<br />

Đôi khi để hoàn hảo, bạn sẽ phải đánh mất chính mình

Nina Sayers của bộ phim "Black Swan" (Thiên Nga Đen) chính là nạn nhân "nổi tiếng" nhất của chứng bệnh sợ mình không hoàn hảo này. Đã không biết bao nhiêu lần, thầy dạy nhảy bắt Nina phải vứt bỏ mớ lí thuyết và ham muốn hoàn hảo ấy đi, nhưng cô không thể làm nổi cho đến khi bị ám ảnh và làm đau chính mình. Hình ảnh thiên nga trắng với cái bụng rỉ máu, rơi xuống ở cuối vở kịch chính là cái kết vừa đẹp vừa buồn cho những người luôn chạy theo chủ nghĩa hoàn hảo. Thông điệp ngầm của nó không có gì khác hơn chính là: Đôi khi để hoàn hảo, bạn sẽ phải đánh mất chính mình.

Nhưng liệu sự hoàn hảo ấy có đáng để theo đuổi và hy sinh hay không? Khi những chuẩn mực đẹp bạn mơ ước kia cũng chỉ là đánh giá của một nhóm cá nhân, khi chất lượng công việc cũng chỉ là đánh giá của một người - sếp của bạn; khi những lời chê trách, phê bình kia cũng chỉ là ý kiến phiến diện của một vài người? Bạn có thể là một điểm 0 trong mắt người này, nhưng cũng hoàn toàn có thể là một điểm 10 tròn trĩnh, hoàn hảo trong mắt của một (vài) người khác. Vậy tại sao lại tự biến những lời nói, những suy nghĩ và đánh giá tiêu cực kia áp đặt vào bản thân và tin rằng mình chẳng bao giờ có thể trở nên tốt hơn được?

Luôn có hai dạng thất bại tồn tại trong cuộc sống này. Một là khi bạn không chú ý, cố gắng để đạt được kết quả tốt. Ví như thấy chồng đang chán mình lắm rồi, nhưng bạn lại chẳng buồn động tay động chân làm gì để cải thiện tình hình, tối ngày vẫn đóng vai mụ phù thủy thích phàn nàn, kêu ca. Kết quả là vợ chồng ngày càng xa nhau ra, chồng lén lút cặp bồ, vợ lại được thể gào lên ăn vạ. OK. Khỏi bàn cãi gì nhé.

Nhưng dạng thất bại trong suy nghĩ của những con bệnh atelophobia lại luôn nằm ở dạng hai: Họ đã cố gắng hết sức, nỗ lực 100% nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Dần dần, họ tin rằng mình chẳng làm được cái quái gì nên hồn cả. Vậy thì thôi, cố làm gì, làm làm gì, cứ nhận thua từ đầu luôn cho nhanh! Cũng chính vì thế mà lúc nào những phụ nữ mắc bệnh này cũng thầm gato với người khác, không hề biết đến khái niệm yêu quý bản thân, dành thời gian cho chính mình và lúc nào cũng thấy mình thật yếu kém!

F.L.Y - đừng sợ, cứ bay đi!

Samantha trong "Sex and the city" có lẽ là người phụ nữ truyền cảm hứng cho tôi theo cách tích cực nhất cho đến thời điểm này. Là một người phụ nữ độc lập, năng động, lí trí và tài giỏi, Sam luôn đề cao cái tôi, bản thân mình phải là nhất, trước khi nghĩ đến bất kỳ ai khác. Khi quyết định chia tay Smith, chàng "phi công" trẻ tuổi, đẹp trai, một nam diễn viên đang lên của Hollywood, Samantha đã nói rằng "Em yêu anh, nhưng em yêu em hơn". Vì yêu mình hơn, nên Sam không thể cứ chờ Smith đi quay phim đến tối mịt mới về. Vì yêu mình hơn, nên Sam không thể cứ nhịn "yêu" vì Smith quá bận rộn với lịch trình làm việc và cần nghỉ ngơi hơn là "hùng hục trên giường". Vậy là chia tay. Chàng ở lại kinh đô điện ảnh, nàng xách vali lên máy bay, không quên ăn vài ly kem cho bõ nỗi buồn hậu chia ly.

Bạn thấy không, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng nên như vậy, nên là người yêu mình đầu tiên, nghĩ đến mình trước nhất. Giống như khi đi máy bay, bạn hay được hướng dẫn "Hành khách đi cùng con nhỏ, khi gặp trường hợp khẩn cấp, hãy lấy mặt nạ (dưỡng khí) đeo cho mình trước, rồi giúp bé sau". Chân lí đấy. Nếu bạn không giúp được bản thân mình sống sót, làm sao bạn giúp được người khác làm điều tương tự?

Fly - có nghĩa là bay, nhưng nó cũng là chữ viết tắt của "First love yourself" (Đầu tiên hãy yêu lấy chính mình). Phải yêu mình, bạn mới thấy cuộc đời này đáng sống. Phải vứt hết những lo lắng mơ hồ, những sự ghen tức không cần thiết, bạn mới thấy mình nhẹ nhàng và khi ấy mới sải cánh bay cao được.

Vắc-xin cho atelophobia

Không dễ để có thể thoát ra khỏi nỗi ám ảnh thất bại và kém cỏi này, nhưng không có nghĩa là bạn không làm được:

- Càng sợ, càng phải đối mặt với nỗi sợ nhiều hơn. Tập nói lên suy nghĩ của mình, sai cũng được, nhưng ít nhất bạn đã bày tỏ được chính kiến. Dần dần, bạn sẽ biết cách tự bảo vệ mình hơn.

- Đừng biến mình thành gia tinh của bất kỳ ai. Không ai có quyền sai khiến bạn cả. Và cũng chẳng có tình bạn đích thực nào lại dựa trên sự nhờ vả vô thời hạn và vô giới hạn như vậy.

- Một anh chàng luôn coi thường và nhìn bạn như kẻ dưới phân thì thực sự không đáng để yêu. Giải tán càng sớm càng tốt.- Khi gặp thất bại, hãy nhớ đến những thành công mà bạn đã có được. Trung hòa sự tiêu cực bằng những kí ức tích cực sẽ giúp bạn thấy khá hơn rất nhiều.

Theo M.S

Trí thức trẻ