Theo khảo sát, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn nhất hiện nay là BIDV, Agribank, Vietinbank, Vietcombank chỉ khoảng 5,5-5,6%/năm.
SSI Research đánh giá “chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền gửi khiến thị trường tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm nay”.
Chênh lệch giữa lãi suất phát hành trái phiếu và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao. Nguồn: SSI tổng hợp
Trong quý 2, các doanh nghiệp phát hành 164.000 tỷ đồng trái phiếu, gấp 3,7 lần quý 1 và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 89% là phát hành riêng lẻ trong nước. Có 2.000 tỷ đồng (chiếm 1,2% tổng lượng phát hành) phát hành ra công chúng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc và CTCP Glexhomes; có 700 triệu USD (tương đương 16 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng lượng phát hành) là trái phiếu quốc tế của Công ty CP Vingroup và Công ty CP bất động sản BIM, còn lại là phát hành riêng lẻ trong nước.
Ngân hàng thương mại là tổ chức phát hành nhiều nhất trong quý 2, tổng cộng 67.000 tỷ đồng, chiếm 41%. Nếu loại trừ trái phiếu ngân hàng, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp quý 2 vẫn tăng 21%.
Tính chung nửa đầu năm, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208.900 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tuy nhiên, dẫn đầu phát hành lại là các doanh nghiệp bất động sản, với quy mô hơn 92.000 tỷ đồng (44,2%). Các ngân hàng phát hành hơn 68.000 tỷ đồng (32,7%), còn lại là các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng.
Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong 6T2021. Nguồn: HNX, SSI tổng hợp
Trong nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỷ trên thị trường sơ cấp, tập trung vào trái phiếu bất động sản, ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng. Lượng mua này chỉ bằng 47% lượng các nhà đầu tư cá nhân đã mua trong cùng kỳ 2020 và không phải bất ngờ khi quy định nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có hiệu lực.
SSI Research đánh giá, từ đầu năm đến nay, tín dụng luôn tăng trưởng cao hơn huy động khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng của toàn hệ thống thu hẹp đáng kể.
Tuy nhiên, thanh khoản các ngân hàng thương mại vẫn khá dồi dào và ngân hàng nhà nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần 4. Lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, lợi tức từ trái phiếu doanh nghiệp vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi.
Trong quý 2/2021, tài sản ròng của hầu hết các quỹ đầu tư trái phiếu giảm nhẹ, ghi nhận quý giảm đầu tiên sau nhiều quý tăng trưởng liên tục trước đó.
“Có hiện tượng các nhà đầu tư giảm nắm giữ trái phiếu để chuyển sang đầu tư cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán dự báo sẽ kém thuận lợi hơn so với nửa đầu năm 2021, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn nên nhu cầu đầu tư trái phiếu doanh nghiệp sẽ vẫn ở mức cao”, SSI cho biết.
Theo SSI Research lãi suất trái phiếu sẽ khó giảm trong thời gian tới. Lãi suất phát hành bình quân sẽ vẫn dao động quanh mức 10%/năm.
Nhu cầu trái phiếu doanh nghiệp từ nay đến cuối năm có thể còn ở mức cao, đến từ biên độ chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lãi suất huy động. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư lãi suất cố định để trú ẩn cũng tăng lên khi thị trường chứng khoán chững lại. Tuy nhiên, rủi ro với kênh đầu tư này đang gia tăng.
Môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư tìm đến kênh trái phiếu bất động sản, nhưng dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi. Điều này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các trái phiếu năng lượng cũng đang chịu rủi ro từ chính sách. Quy hoạch điện VIII được xây dựng từ 2019 với định hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo là nguyên nhân chính khiến trái phiếu tài trợ các dự án điện mặt trời, điện gió tăng mạnh. Tổng số trái phiếu năng lượng phát hành từ 2019 đến 30/6/2021 khoảng 65.000 tỷ đồng. Tuy vậy, cho đến nay dự thảo Quy hoạch điện VIII vẫn đang trong quá trình thẩm định.