Làm game 'bắt chước' Candy Crush mà chẳng cần quảng cáo, hai anh em 'vùng sâu vùng xa' nước Nga vẫn trở thành tỷ phú nhờ đam mê

20/04/2019 23:11

Hiện tại, hai anh em Bukhan, mỗi người đang nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.

Gần 2 thập kỷ trước, tại một thành phố thuộc "vùng sâu vùng xa" của Nga nổi tiếng với bơ và vải lanh, có hai anh em đã sử dụng một chiếc máy tính Pentium 100 để viết mã cho trò chơi đầu tiên họ sản xuất trong căn phòng ngủ của mình.

Còn hiện tại, Phố Wall đang "thèm muốn" một phần từ những gì họ đã xây dựng.

Playrix đã gặp gỡ đại diện của một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới và "tới thăm trụ sở của họ", Dmitry Bukhan, 34 tuổi, chia sẻ. Anh cho biết hai người đã tham gia một số cuộc họp với các dealmaker của Goldman Sachs và Bank of America. Tuy nhiên, anh cho biết: "Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc phát triển hoạt động kinh doanh."

Dmitry và anh trai Igor Bukhan, 37 tuổi, là "bộ não" đứng sau công ty game Playrix. Công ty này sản xuất những tựa game tương tự như Candy Crush đình đám một thời, trong đó có Fishdom và Gardenscapes, với hơn 30 triệu người chơi mỗi ngày từ Trung Quốc cho đến Mỹ. Doanh thu hàng năm của họ là 1,2 tỷ USD, theo Newzoo. Đây là yếu tố khiến Playrix trở thành một trong 10 nhà phát triển ứng dụng iOS và Google Play dẫn đầu về doanh thu, đưa công ty này leo lên vị trí tương đương với những "gã khổng lồ" Tencent, NetEase và Activision Blizzard.

Làm game bắt chước Candy Crush mà chẳng cần quảng cáo, hai anh em vùng sâu vùng xa nước Nga vẫn trở thành tỷ phú nhờ đam mê - Ảnh 1.

Hai anh em Dmitry và Igor Bukhan.

Hiện tại, hai anh em Bukhan, mỗi người đang nắm giữ khối tài sản trị giá khoảng 1,4 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Trước đây họ chưa từng lọt vào bảng xếp hạng này.

Con đường đến với sự thăng hoa trong sự nghiệp của họ bắt đầu vào năm 2001 tại thành phố Vologda, cách thủ đô Moscow 483km về phía bắc. Tại đây, Igor đã học hỏi kinh nghiệm từ một vị giáo sư đại học rằng anh có thể bán phần mềm trên mạng. Sau đó, anh quyết định thử việc này cùng Dmitry - khi ấy vẫn là một học sinh cấp 3. Igor chia sẻ: "Chúng tôi không có kinh nghiệm, không hiểu gì về kinh doanh. Mọi thứ chúng tôi có thể nghĩ ra chỉ là lập trình game."

Hai anh em cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại "cái nôi" start-up Tel Aviv, Mỹ là thị trường lớn nhất của Playrix, theo sau đó là Trung Quốc và Nhật Bản. Igor và Dmitry chủ yếu làm việc tại thành phố này và điều hành từ xa khoảng 1.100 nhân viên, bao gồm nhân sự tại trụ sở ở Ireland và các nhà phát triển ở Nga, Ukraine và Belarus.

Sản phẩm đầu tay của hai anh em là một tựa game gần giống với Xonix - trong đó người chơi phải sử dụng con trỏ để mở các mảnh ghép của một bức ảnh đã bị giấu trước khi những quả bóng bay phát nổ. Họ viết code cho trò chơi này trong dịp nghỉ hè và kiếm được 60 USD trong tháng đầu tiên, sau đó là 100 USD - tương đương với 1 nửa mức lương trung bình ở Vologda. Igor chia sẻ: "Chúng tôi nghĩ: 'Nếu một trò chơi có thể tạo ra 100 USD, thì chúng tôi có thể phát triển hàng chục tựa game và kiếm được rất nhiều tiền'."

Tựa game thứ 2, hợp tác với một hoạ sĩ thuê bên ngoài, đã mang về 200 USD trong một tháng. Một bản sao của trò chơi xếp hình nổi tiếng Tetris đang giúp họ kiếm được tới 700 USD mỗi tháng, nhưng hai em nhanh chóng gỡ bỏ sau khi biết rằng bản quyền kiểm soát Tetris rất nghiêm ngặt. Năm 2004, khi công ty của hai chàng trai nhà Bukhan thu về 10.000 USD doanh thu hàng tháng, họ đã ký hợp đồng với một đại diện pháp nhân, thuê mặt bằng dưới tầng hầm của một kho sách để làm văn phòng và thuê thêm nhân sự để đẩy mạnh sản xuất.

Làm game bắt chước Candy Crush mà chẳng cần quảng cáo, hai anh em vùng sâu vùng xa nước Nga vẫn trở thành tỷ phú nhờ đam mê - Ảnh 2.

Gardenscapes là một trong hai tựa game nổi tiếng nhất của Playrix.

Trong những năm đầu tiên, họ bán một số trò chơi thông thường trên các trang web như majorgeeks.com hay download.com, sau đó chuyển sang những nền tảng lớn hơn như Yahoo! và AOL. 10 năm qua, các tựa game của họ bắt đầu tiếp cận với Facebook và smartphone. Rất nhiều trong số đó là game không mất phí, người chơi chỉ phải trả tiền cho một số tính năng.

Dmitry cho hay, Playrix chủ yếu kiếm tiền từ tính năng "in-app purchases" và họ thường tránh để quảng cáo xuất hiện trong trò chơi - vốn khiến người dùng không hài lòng. Quảng cáo chỉ tạo ra chưa đến 3% trong doanh thu của công ty.

Anh chia sẻ thêm: "Đây là một thách thức lớn đối với chúng tôi khi chuyển sang phát triển game miễn phí. Đây thực sự là một việc hoàn toàn khác biệt. Game miễn phí không phải là những game bạn phát triển, phát hành và tiếp tục với một sản phẩm khác. Nó là những dịch vụ được hỗ trợ liên tục khi người dùng đang chờ đợi bản cập nhật thường xuyên."

Playrix lại cực kỳ thành công trong quá trình chuyển đổi này, và nhận được sự đón nhận trên khắp thế giới trong 3 năm qua với tựa game nổi tiếng - Gardenscapes, và bản tiếp theo với Homescapes. Cả hai game này đều thuộc thể loại Match-3, trong đó người chơi phải kết nối ít nhất 3 'item' cùng màu gần nhau để hoàn thành các level và quá trình được hình thành theo một cốt truyện riêng. Người chơi sẽ nhận được sự giúp đỡ của một quản gia tên Austin trong việc cải tạo một khu vườn và ngôi nhà.

Làm game bắt chước Candy Crush mà chẳng cần quảng cáo, hai anh em vùng sâu vùng xa nước Nga vẫn trở thành tỷ phú nhờ đam mê - Ảnh 3.

Đồ hoạ đẹp, cốt truyện thú vị và hạn chế quảng cáo là những yếu tố thu hút người dùng của Playrix.

Tại Mỹ, người chơi sẵn sàng chi trung bình khoảng 32 USD mỗi tháng để chơi Homescapes - tựa game nổi tiếng nhất của họ. Dù Playrix vẫn chưa tung ra sản phẩm mới nào từ năm 2017, nhưng gần đây họ đã mua lại một số studio để mở rộng sang các thể loại mới, Igor cho hay.

Hồi tháng 2, Information đưa tin Playrix có thể được bán với giá 3 tỷ USD, iDreamSky Technology và FunPlus Game của Trung Quốc có thể là nhà đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, hai anh em đã nhanh chóng phủ nhận tin đồn này. Dmitry nói: "Chúng tôi sẽ không bán công ty mình với giá 3 tỷ USD", bởi hiện tại Playrix đang cân nhắc về những lựa chọn hợp tác, đặc biệt lưu ý tới các cuộc hợp với những ngân hàng lớn ở Phố Wall.

Hiện tại, mục tiêu của hai anh em là trở thành một "công ty sản xuất game hàng đầu", đủ sức cạnh tranh với những "ông lớn" Activision Blizzar, Electronic Arts, NetEase và Tencent. Họ chia sẻ không có con số thần kỳ có thể thuyết phục họ bán Playrix, bởi tiền chỉ là thứ yếu để phục vụ cho sở thích của họ. Dmitry nói: "Một số người có thể nghĩ rằng khi có nhiều tiền, mọi thứ sẽ khác biệt và thú vị hơn và bạn bắt đầu làm nhiều thứ khác. Nhưng không, chúng tôi sẽ chỉ tiếp tục làm việc."

theo Bloomberg