Một chiếc chìa khóa xe máy dù có cố đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng thể điều khiển nổi động cơ của một chiếc ô tô hay chưa?
Tất thảy chúng ta cũng đều khao khát bản thân mình đạt được những thành tựu cho riêng ở mỗi lĩnh vực mà chúng ta đang theo đuổi, phấn đấu. Đều đó vừa là động lực để cho chúng ta phát triển, cũng vừa là vinh quang khiến gia đình và người thân được "hãnh diện lây".
Nhưng có bao giờ các bạn nghĩ, một chiếc chìa khóa xe máy dù có cố đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng thể điều khiển nổi động cơ của một chiếc ô tô hay chưa?
Cô bạn tôi từ nhỏ đã ước ao trở thành phóng viên truyền hình. Cô thường xuyên tập đọc bản tin, theo dõi các chương trình có những "thần tượng" dẫn dắt để học lời ăn tiếng nói, cách khai thác tin, phản ứng tình huống và mở rộng vốn kiến thức. Nhưng, gia đình của cô lại toàn theo nghiệp giáo viên. Bố mẹ và anh chị cũng đều là những người có "địa vị" nhất định trong lĩnh vực giáo dục, vì thế ngay từ nhỏ gia đình đã định hướng và uốn nắn cho cô bạn tôi nối tiếp theo truyền thống từ xưa của gia đình. Theo họ, phóng viên truyền hình là một nghề phù phiếm, hào nhoáng đấy nhưng quá nhiều cạm bẫy, chưa kể lại quá vất vả, phải đi đêm về hôm - không phù hợp với phụ nữ.
Cuối cùng, "một cánh én nhỏ chẳng thể làm nên mùa xuân", dù giải thích và năn nỉ thế nào đi chăng nữa, ước nguyện làm MC truyền hình của cô bạn tôi vẫn chẳng thể được gia đình "phê duyệt". Điều gì đến cũng phải đến, mùa thi đại học năm ấy, cô bạn tôi buộc phải thi sư phạm chuyên ngành địa lý.
Những tưởng sau khi có giấy báo nhập học, sau 2 năm ổn định học tập cô ấy đã "nguôi ngoai" với nguyện vọng ban đầu kia. Thế nhưng không, khi bước vào đầu năm thứ hai cô ấy đã "lén" gia đình để đăng kí thi Học viện báo chí. Kết quả không phụ lòng người, cô ấy đã đỗ và theo học đúng theo nguyện vọng của bản thân. Lần này đương nhiên gia đình cô ấy chẳng thể ngăn cản trước một ý chí quá mạnh của cô ấy.
Danh vọng đúng là rất quan trọng, ai cũng cần và khao khát điều đó cho riêng mình. Nhưng nếu như chỉ vì danh vọng mà phải miễn cưỡng với bản thân, miễn với sự phù hợp của chính mình thì quả thực là một sự đáng tiếc.
"Năng lực của mày mà phải làm ở công ty đó à?
Làm ở công ty đó chán òm, như tao đọc tên công ty ra một cái là ai ai cũng biết. Còn mày đọc xong mọi người "nghệt ra" mà có biết đó là công ty gì đâu ?
Tôi dám chắc không ít trong số các bạn đã từng một vài lần được nghe những lời càm ràm như thế từ bạn bè, người thân của mình, nhất là với những bạn vừa mới ra trường đang trên con đường lập nghiệp, hoặc là những bạn đã đi làm được một vài năm nhưng chưa rõ định hướng tiếp theo ra sao?
Dù không trực tiếp nói ra, nhưng từ sâu trong thâm tâm, ai cũng muốn mình được làm ở những công ty có danh tiếng, có sự tương tác nổi trội về mặt thương hiệu (cho dù ở đó có bất cập đến thế nào nhiều người vẫn cố sống bám trụ ở đó), thậm chí đó còn là cả niềm hãnh diện mỗi khi bạn về quê được tự hào "khoe lớn" với người thân, họ hàng rằng cháu/anh/em đang làm ở đó đó.
Nhưng cho dù là công ty nhỏ hay là công ty lớn, thì chúng đều có một chức năng chung đó là tạo ra cơ hội nghề nghiệp cho sự phát triển bản thân của các bạn sau này.
Quan niệm theo quy mô lớn hay nhỏ của công ty đặt trong bối cảnh hiện tại nó cũng không thực sự là đúng nữa, bởi nếu bạn cảm thấy mình phù hợp với vị trí công việc ở công ty này, cảm thấy mỗi ngày đi làm là một ngày vui, có ý nghĩa thì dù cho đó là công ty nhỏ cũng chẳng sao, hãy coi đó là nơi bạn rèn giũa nhiều hơn nữa những kĩ năng, phẩm chất tạo tiền đề thật tốt cho sự phát triển sau này. Điều đó sẽ có ý nghĩa hơn so với việc bạn cứ phải "cố sống cố chết" để vào một công ty to to nhưng mãi lẹt đẹt chẳng làm nổi một cái gì.
Xã hội luôn là một sự phân công lao động trải đều, "làm lớn ở công ty nhỏ hay làm nhỏ ở công ty lớn" điều đó ở hiện tại đã không còn quá quan trọng. Điều cốt yếu chính là bạn phải luôn cảm thấy mình "hợp" với những gì mà bản thân cố gắng.
Thứ quan trọng nhất, là dù làm ở công ty nhỏ hay là công ty lớn, việc giữ lấy ngọn lửa đam mê của mình mới thật sự cần thiết. Bởi vậy, thay vì bạn cố phải chạy theo tiếng gọi của danh vọng, theo hình mẫu của ai đó thì bạn hãy luôn là chính mình, luôn làm theo những gì bản thân mình cần. Việc chạy theo một hình mẫu nào đó ở nhà, ở công ty, hay ở khu phố nhà bạn... xét cho cùng càng khiến cuộc sống của bạn rối rắm, hỗn loạn. Chọn những gì bạn cảm thấy ỔN mới là biểu hiện của người sống có trách nhiệm với bản thân và là dấu hiệu của người trưởng thành.
Những hình mẫu thành công ở ngoài kia luôn chỉ mang "tính chất tham khảo", tức là bạn có thể nhìn vào đó để ngưỡng mộ, học tập và phấn đấu. Chứ không phải là bạn phải gồng mình để hoàn thiện một cách cứng nhắc bản thân theo quy chuẩn mà mình không hề biết. Loài cá bơi ở nước ngọt không thể nào có thể hòa hợp ở vùng nước mặn cho dù nó có cố gắng đến thế nào, món ăn ngon là phải kết hợp với đúng gia vị chứ không phải là bạn cứ thích cho vào theo tùy hứng.
Đến một lúc nào đấy, khi bạn đã tích lũy đủ cho mình cả về kinh nghiệm lẫn vốn sống thì lựa chọn một môi trường phù hợp khác là hoàn toàn có thể. Khi ấy hành trang của bạn sẽ chắc chắn và mạch lạc hơn rất nhiều so với lúc bạn bỡ ngỡ khi đi theo sự lựa chọn của một ai khác.
Con người chúng ta cũng tương tự, chọn làm lớn hay làm nhỏ cũng phải phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực của bạn, nơi đâu bạn cảm thấy mình hợp thì nơi đó mới chính là môi trường sống lý tưởng để bạn phấn đấu.
Vì thế dù cho bạn có làm bình thưởng ở một công ty bình thường nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc, điều đó sẽ giá trị hơn rất nhiều lần so với việc bạn ở một công ty to nhưng chẳng hề thấy phù hợp.
Phạm Ngọc Anh
Theo Trí Thức Trẻ