Làm thế nào để khơi dậy động lực ngay cả khi bạn đang tụt mood ?

04/06/2019 14:34

https://images.fastcompany.net/image/upload/w_1153,ar_16:9,c_fill,g_auto,f_auto,q_auto,fl_lossy/wp-cms/uploads/2019/06/p-1-how-to-summon-motivation-when-you-feel-like-you-dont-have-any.jpg

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả Aytekin Tank - Nhà sáng lập JotForm

Có lẽ ai ai cũng biết việc duy trì động lực khó đến thế nào…

Dù là ở bất cứ lĩnh vực gì, cũng sẽ có những ngày mà chúng ta không muốn thể hiện, sẽ luôn có những bài tập mà ta không muốn bắt đầu, hay những bản báo cáo mà ta chả muốn viết. Sẽ có những trách nhiệm mà ta không muốn gánh vác, sẽ có những ngày tệ đến mức toàn bộ năng lượng và cảm xúc của bản thân đều tụt ở dưới đáy.

Sự dao động đó là một phần của cuộc sống, và ai cũng phải đối mặt với những thử thách này như nhau. Để chống lại những ngày chán nản, tôi đã phát triển một phương pháp mà ngay bây giờ tôi sẽ chia sẻ với các bạn để giúp mọi người có thể giữ được động lực ngay cả khi không thích thú gì.

Bóng chày có thể dạy bạn điều gì về động lực?

Tôi đã chơi bóng chày trong 17 năm, hầu hết là ở vị trí ném bóng. Ở mùa giải cuối cùng, tôi được lựa chọn vào đội hình xuất sắc nhất, vinh dự nhận giải vận động viên nam tiêu biểu của trường đại học.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi thứ cũng dễ dàng như thế…

Chỉ vài năm trước, trong đội tuyển đi từ trường trung học lên, tôi là người duy nhất bị loại. Sau đó, tôi phải chơi cho đội hình hai trong suốt quãng thời gian tiếp theo, cho đến khi được trở lại đội hình chính thức nhờ kết quả luyện tập tốt.

Có hàng tá lý do giải thích cho sự khác nhau giữa trung học và đại học (đồng đội, huấn luyện viên, triết lý v.vv..), nhưng có một điều tôi đã làm được ở đại học mà tôi ước rằng mình có thể biết đến nó sớm hơn.

Tôi đã nghĩ ra cách khởi động có thể giúp tôi chơi thật tốt sau đó, bất kể có động lực hay không.

Một điều khiến bóng chày khác biệt với các môn thể thao khác là số lượng trận đấu. Ở Major League Baseball, mỗi đội phải chơi 162 trận 1 mùa, nhiều gấp đôi so với NBA hay vài lần so với NFL. Ngay cả đội bóng trung học cũng phải chơi 40-60 trận 1 năm.

Với mật độ dày đặc như vậy, sẽ luôn có những ngày mà cơ thể bạn mệt mỏi, hay đầu óc bạn chả muốn hướng đến trận đấu nữa. Vì lý do đó, mà tôi nói bóng chày rất giống với cuộc sống, khi có những lúc những điều quan trọng với mình lại trở thành gánh nặng.

Dù bạn có muốn chơi hay không, thì trận đấu vẫn diễn ra, nên tự bản thân bạn cần phải tìm cách để vượt qua được sự chán nản đó. Với phương pháp khởi động của riêng mình, tôi luôn thoát khỏi sự sợ hãi để vượt lên chính mình khi thi đấu.

Quá trình khởi động này tốn khoảng 20-25 phút, và trước trận đấu nào tôi cũng làm tương tự như vậy.

Bài khởi động trên không chỉ giúp tôi làm ấm cơ thể, mà quan trọng hơn, còn đưa tôi vào trạng thái tinh thần tốt nhất để thi đấu. Kể cả trước đó không hào hứng, thì sau khi khởi động xong, tôi đều thấy rất sẵn sàng cho trận đấu trước mắt.

Hãy để ý những chuyên gia ở mọi lĩnh vực, bạn sẽ thấy họ có những thói quen của riêng mình. 1 vận động viên NBA luôn làm những cử chỉ giống nhau mỗi khi ném phạt, 1 nghệ sĩ hài luôn nói những câu tương tự nhau mỗi khi lên sân khấu. Hay 1 dự án hàng sáng luôn luôn thực hiện 1 buổi họp trước khi bắt đầu 1 ngày làm việc.

Các bạn nghĩ những người đó luôn cảm thấy có động lực ư? Không bao giờ. Sẽ luôn có những ngày đến những nhân tài kiệt xuất cũng trở nên lười biếng rệu rã. Thế nhưng, họ biết cách “khởi động theo thói quen” để đưa họ vào trạng thái tốt nhất.

Hãy nghĩ về việc bạn có 1 thói quen có thể giúp bạn đưa bản thân vào “chế độ công việc” hay “chế độ luyện tập”, bất chấp động lực từ ban đầu là có hay không. Khi đó, bạn có thể sử dụng nó để vượt qua mọi rào cản trì trệ và bắt đầu học tập, làm việc v.vv..

Dưới đây tôi sẽ mô tả về cách tạo ra 1 thói quen như vậy.

3 bước giúp hình thành thói quen tạo động lực làm việc

Bước 1: Hình thành một màn khởi động thật đơn giản, khiến bản thân không thể nói không. Bạn không cần cảm hứng để bắt đầu bước khởi động này.

Ví dụ như:

  • Thói quen viết lách của tôi luôn được bắt đầu với việc đi lấy một cốc nước. Một công việc đơn giản, tôi không thể nói không.
  • Thói quen nâng tạ của tôi bắt đầu bằng việc tôi mang vào chân đôi giầy cử tạ của mình. Một công việc đơn giản, tôi không thể nói không.
  • Thói quen tập ném bóng của tôi bắt đầu bằng việc nhặt trái bóng và đôi găng bắt bóng của mình lên. Một công việc đơn giản, tôi không thể nói không. (Đương nhiên, huấn luyện viên của tôi cũng sẽ quát tháo nếu tôi không làm việc này)

Phần quan trọng nhất của mỗi nhiệm vụ chính là việc bắt đầu nó. Nếu bạn không cảm thấy có hứng ngay từ ban đầu thì bạn nên biết rằng sự hứng thú thường đến sau khi bạn bắt đầu vào việc. Đó là lí do tại sao màn khởi động của bạn phải vô cùng dễ dàng để bắt đầu.

Đơn cử như việc bạn có thể tạo một thói quen tập thể dục bằng cách bắt đầu nó với việc đổ đầy nước uống vào bình đựng. Bằng cách này, khi cảm thấy không muốn tập luyện, bạn có thể nói với bản thân rằng “Chỉ là đổ nước vào bình thôi mà!”. Mục tiêu duy nhất của bạn lúc đó là bắt tay vào việc và tiếp tục nó từ điểm bắt đầu đó.

Bước 2: Thói quen của bạn cần phải dẫn dắt bạn hướng về đích đến cuối cùng.

Trong hầu hết các trường hợp, việc xây dựng thói quen nên bao gồm các công việc đòi hỏi vận động cơ thể. Cũng khó lòng có thể tưởng tượng rằng bản thân có thể lấy được động lực từ việc vận động.

Và đây là lí giải tại sao…

Những biểu hiện của cơ thể nào xuất hiện khi bạn cảm thấy thiếu động lực hoặc thiếu năng lượng?

Đáp án: Bạn vận động không đủ nhiều. Những hành động bạn làm chỉ tựa như một giọt nước đang chậm chạp lăn quanh, từ từ ngấm dần vào sân cỏ. Việc cơ thể thiếu vận động có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thiếu hụt năng lượng cho trí não.

Và điều ngược lại cũng đúng. Nếu như cơ thể được vận động và giữ cho bận rộn, bạn sẽ cảm thấy được đầu óc mình cũng đang vận động theo và luôn tràn đầy năng lượng. Ví dụ như trong việc nhảy múa, đầu óc không thể không cảm nhận được sự rung động, tỉnh táo và tràn đầy nhiệt huyết khi cơ thể di chuyển.

Trong khi bước đầu của thói quen nên được xây dựng càng đơn giản càng tốt, lịch trình này nên được chuyển đổi hướng dần sang các hoạt động vận động thể chất. Đầu óc và cảm hứng của bạn sẽ tự động cuốn theo các hoạt động thể chất này.

Lưu ý: Hoạt động thể chất không bắt buộc phải là việc tập thể dục. Ví dụ, nếu mục tiêu là viết lách, thói quen của bạn nên hướng bạn dần tới các hoạt động vật lý của việc viết.

Bước 3: Bạn cần phải tuân thủ một khuôn mẫu nhất định cho mọi lần thực hiện

Mục tiêu ban sơ của việc xây dựng thói quen khởi động là tạo ra một chuỗi những sự kiện mà bạn luôn thực hiện trước khi làm bất cứ công việc nào. Thói quen khởi động này sẽ nhắc nhở đầu óc bạn rằng: “Đây là những gì xảy ra trước khi tôi…”

Sau cùng, thói quen này sẽ gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện công việc của bạn. Bằng cách bắt tay vào khởi động, bạn nhắc nhở tinh thần mình rằng đây là bước dạo đầu cho công việc phải thực hiện. Khi đó, thứ bạn cần không phải là động lực mà là bắt đầu thói quen của mình.

Màn khởi động thực chất chỉ đơn thuần là việc tạo ra một lời nhắc nhở dành cho bản thân. Việc bắt tay vào một công việc quen thuộc đóng vai trò tương tự như một cú hích cho việc bắt đầu lịch trình làm việc của bạn ngay cả khi bạn thấy kém hứng thú với việc thực hiện nó.

Việc hình thành thói quen rất quan trọng, bởi một khi bạn đã cảm thấy mất hứng thì các công việc cần được giải quyết sẽ trở nên lộn xộn quá tải và bản thân không thể quyết định xem nên làm gì tiếp theo. Khi phải đối diện với thêm một quyết định, bạn sẽ có xu hướng lựa chọn việc bỏ cuộc. Tuy nhiên, việc thực hiện màn khởi động có thể giải quyết được vấn đề này bởi nó giúp bạn xác định được chính xác bản thân cần phải làm gì tiếp theo mà không cần tự đấu tranh hay đưa ra quyết định lựa chọn.

Những gì bạn cần làm chỉ là tuân theo một lịch trình đã định sẵn.

Lựa chọn xuất sắc trở thành thói quen

Bạn có thể rèn luyện bản thân để thành công, cũng như để mặc cho bản thân quen với thất bại.

Ngày hôm nay bạn có thể nói rằng: “Tôi cần phải có động lực để hoàn thành dù là việc gì”, nhưng tôi xin đảm bảo rằng không nhất thiết bạn phải như vậy.

Lịch trình hay thói quen được lặp đi lặp lại mỗi ngày cuối cùng sẽ trở thành một dạng nhận định khiến bản thân tin tưởng vào và dần trở thành hành động mà bạn thực hiện. Bạn có thể thay đổi những nhận định của mình và biến bản thân trở thành hình mẫu một người không cần động lực cũng có thể hoàn thiện tốt công việc.

Đây là lý do tại sao việc thực hiện thường xuyên những thói quen đã đặt ra lại trở nên quan trọng, không chỉ khi bạn phải loay hoay với việc thiếu đi động lực. Những hành động dù là bé nhỏ cũng giúp củng cố những thói quen tốt và tạo ra những cảm giác tích cực. Không sớm thì muộn, hoạt động khởi động sẽ đóng vai trò không chỉ là một cú hích để bản thân bắt tay vào việc, mà nó còn là một lời nhắc nhở về những gì bạn đang cố gắng đạt được và hình mẫu con người mà bạn đang hướng tới.

Đây là sự khác biệt trong việc tiếp cận cuộc sống giữa một người chuyên nghiệp và một người nghiệp dư.

Nếu bạn chỉ làm việc khi có hứng thì bạn sẽ không bao giờ đủ kiên định để có thể trở thành một chuyên gia. Nhưng nếu bạn có thể tự gây dựng những thói quen và lịch trình nho nhỏ để giúp bản thân mình vượt qua việc tự tranh đấu mỗi ngày, thì bạn có thể dần dà tiếp tục cuộc hành trình chinh phục những điều vĩ đại ngay cả khi nó trở nên vô cùng khắc nghiệt.

Ý Nhi/Theo Fast Company