Làm thế nào để vượt qua ranh giới “Nhà buôn”?

14/08/2020 21:33

Tâm lý “nhà buôn” hay kinh doanh tiểu thương đã hạn chế khả năng cạnh tranh của nhiều nhà cung cấp, vì thế đơn vị nào vượt lên ranh giới của tư duy ngắn hạn này sẽ giành thế thắng trên thị trường.

Phi thương bất phú, kinh doanh theo thời vụ

Dẫu vẫn biết, phi thương bất phú nhưng người làm kinh doanh cũng muôn màu, muôn vẻ, điển hình nhất là “nhà buôn”, thường được biết đến với vai trò kết nối các giao dịch hàng hóa vốn được sản xuất bởi bên thứ ba. Cụ thể họ chỉ đảm nhận công việc kinh doanh, phân phối, vận chuyển hay giao hàng lại các sản phẩm từ nhà sản xuất hoặc phụ trách đặt hàng thay cho khách hàng. 

Vì các hoạt động chỉ diễn ra khi có đơn hàng cụ thể nên giữa nhà buôn và khách hàng chỉ duy trì một mối quan hệ ngắn hạn. Nói cách khác, nhà buôn chỉ xem trọng đơn đặt hàng và khả năng thu lợi nhuận và không để tâm đến tâm lý, hành vi tiêu dùng hay nhu cầu, nguyện vọng của khách hàng.

Khi giao dịch chỉ dừng lại ở việc “mua đứt bán đoạn”, sự phát triển và gắn kết giữa đôi bên rất khó để xác lập. Cũng bởi vậy, các hình thức kinh doanh “bắt trend” hay kinh doanh theo thời vụ cũng chẳng mấy chốc mà rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”.

Để bước lên một tầm cao mới trong vai trò cung ứng dịch vụ, các nhà cung cấp phải thay đổi nhận thức về việc đi sâu hơn vào việc tìm hiểu thị hiếu khách hàng. Đương nhiên, quá trình này không dễ dàng và cũng tốn nhiều lao lực. Trước đó, cần phải khảo sát và tìm hiểu xem thị trường cần gì và có xu hướng như thế nào. Cần liên tục lắng nghe “nhịp đập nhu cầu” của khách hàng để dễ dàng tư vấn và cung cấp sản phẩm tốt, phù hợp nhất cho họ. 

Để nâng tầm dịch vụ các doanh nghiệp cần chủ động và liên tục nắm bắt nhu cầu thị hiếu của khách hàng.

Bằng cách này, khi khách hàng phát triển thì các nhà cung cấp cũng theo đó mà phát triển theo, tránh tình trạng hàng tồn kho quá nhiều khi dự báo sai về nhu cầu hay để khách hàng phải tìm sang nhà cung cấp khác do không đáp ứng đủ và kịp thời về số lượng. Có như vậy, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp mới thật sự lâu dài và bền vững. 

Hiểu thấu khách hàng, hiểu sâu sản phẩm

Tuy nhiên, hiểu khách hàng thôi là chưa đủ. Để có thể “bẻ lái” thành thương hiệu dịch vụ, nhà cung cấp phải cùng lúc đảm bảo ba yếu tố: Hiểu thấu khách hàng, hiểu sâu sản phẩm và xây dựng hệ thống phục vụ có thể đảm bảo luôn đồng hành cùng khách hàng.

Bởi, khi người tiêu dùng mong muốn sản phẩm phải cung cấp đa dạng thì các nhà sản xuất cũng cần nhiều hơn các lựa chọn cho các nguyên vật liệu tương ứng. 

Khách hàng luôn đòi hỏi sản phẩm đa dạng từ mẫu mã đến chất liệu.

Chỉ riêng việc thấu hiểu khách hàng và đưa ra sản phẩm làm hài lòng họ là một bài toán khó khiến các doanh nghiệp phải đau đầu. Vốn đi theo tư duy “lối mòn” của nhà buôn, các doanh nghiệp thường không nắm được đâu là yêu cầu từ người tiêu dùng, từ đó rất khó để giải mã các bài toán cụ thể đặt ra  từ nhà sản xuất.

Mặt khác, đầu tư vào sản phẩm không chỉ là vấn đề hình thức mà chất liệu mới chính là yếu tố “then chốt” chinh phục và giữ chân khách hàng.  Điều này có thể liên tưởng đến cách “ghi điểm” thực khách của các nhà hàng. Khách hàng thường dễ bị thu hút bởi cách bố trí và không gian song yếu tố giữ chân họ lại là thái độ phục vụ của nhân viên và những trải nghiệm mà nhà hàng đó mang lại.

Vậy nên, để đáp ứng được yêu cầu mới của khách hàng, nhà sản xuất cần nhiều hơn một nhà buôn.

Thương hiệu dịch vụ từ những điều nhỏ nhặt

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp biết kết hợp thành công hai yếu tố nhà buôn và thương hiệu dịch vụ nghĩa là họ đang trang bị cho mình lợi thế để có thể “biến hóa khôn lường” trong bất kì tình huống nào của thị trường.

Cụ thể, đại dịch Covid-19 đã mở ra cho thị trường dệt may Việt Nam bước chuyển mình mới - xuất khẩu hàng dệt may từ vải nhập khẩu. Để có được vị trí chiếm ưu thế trong cuộc đua, doanh nghiệp phải định vị được thương hiệu của mình.

Đại diện cho doanh nghiệp cung ứng vải, chị Vũ Thị Kim Anh Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quốc tế Hoa Lâm cho rằng, đặc trưng của ngành kinh doanh nguyên liệu có phần khắc nghiệt hơn. Lý do là vì nhà sản xuất phải luôn chạy theo thị hiếu của người tiêu dùng, do đó họ cũng đòi hỏi sự đa dạng nguồn hàng của nhà cung cấp, phải luôn đảm bảo sự cung ứng kịp thời và kinh doanh linh hoạt theo thời điểm.

“Hiểu rõ được “thực tế kinh doanh” này, ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã chọn định vị “thế giới vải” thể hiện sự phong phú và đa dạng cũng như nhiều sắc màu. Công ty cũng đặt tên là Hoa Lâm, là hoa trong rừng, rừng hoa, rừng vải, mang đến thông điệp nhà sản xuất có nhiều con đường để khám phá “thiên nhiên tươi đẹp”, khẳng định doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là nhà buôn, mà còn là một thương hiệu dịch vụ”. Chị Kim Anh chia sẻ. 

Chị Vũ Thị Kim Anh - Giám đốc công ty vải Hoa Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng nguồn hàng và nguyên liệu vải cho nhà sản xuất. 

Thế mạnh của Hoa Lâm là hiểu biết rất sâu về sản phẩm, từ nguồn gốc, chất liệu, mẫu mã, màu sắc, mật độ vải, độ dày của sợi, … Các sản phẩm vải của Hoa Lâm không chỉ đa dạng về thành phần của nguyên liệu và nguồn cung ứng mà giá trị của từng loại sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng được Hoa Lâm “cân đo đong đếm”.

Tập trung vào chất lượng nguyên liệu là một trong số những yếu tố được các thương hiệu dịch vụ chú trọng.

Để làm được điều đó, đối với các doanh nghiệp sở hữu lợi thế thị trường có tiềm năng phát triển, họ phải trang bị những kiến thức đa dạng không chỉ về sản phẩm mà còn phải thấu hiểu hành vi và thị hiếu của thị trường. Đồng thời, không quên bỏ qua những vấn đề cốt lõi trong kinh doanh của nhà sản xuất là hiệu quả kinh tế nên chất lượng của nguyên liệu cũng phải đi đôi với giá thành hợp lý. Nhà cung cấp cũng không thể “bỏ rơi” khách hàng hay chỉ tập trung vào “đơn hàng” như cách mà các nhà buôn vận hành.

Chị Kim Anh cho biết thêm, sự chung tay cùng với khách hàng được khẳng định ở chính Slogan của công ty: “Luôn đồng hành cùng khách hàng” và “Luôn đồng hành” thể hiện ở rất nhiều khía cạnh. Từ việc đội ngũ nhân viên tư vấn cho khách hàng chọn nguyên liệu, sản phẩm, nhập đơn hàng, tư vấn, chia sẻ về các kiến thức chuyên môn và hỗ trợ khách hàng cho đến khi đã hoàn thành đơn hàng. Hơn nữa, công ty luôn thực hiện theo tiêu chí làm bạn trước bán hàng sau, kết nối các mối quan hệ khi cần sự hỗ trợ và quan tâm khách hàng ngay cả trong cuộc sống đời thường.

Cụ thể, đối với người làm kinh doanh, các chi phí tưởng rất nhỏ như vận chuyển đôi khi cũng là bài toán lớn ảnh hưởng đến các quyết định mua hàng hay trung thành với nhà cung cấp nào. Chính vì vậy, ở Hoa Lâm, nhân viên kho bãi, nhân viên kinh doanh, hoặc thậm chí ban lãnh đạo đều được học lái xe, từ đó có thể chủ động trong các vấn đề giao hàng khi cần thiết. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng giá cả trong vận chuyển, tăng thêm sự hài lòng của khách hàng vào dịch vụ. Ngoài ra, công ty hỗ trợ giao hàng vào cả cuối tuần và ngày nghỉ, với trách nhiệm phải đảm bảo tiến độ vận chuyển và đến tay khách hàng sớm nhất có thể.

Chủ động trong vận chuyển sẽ giúp doanh nghiệp và khách hàng giảm áp lực chi phí phát sinh.

Đã hết thời kinh doanh độc quyền hay tình trạng hàng “hiếm”, giờ đây sản phẩm nào cũng luôn đầy rẫy các nhà cung cấp. Vì thế, để có thể đứng vững trên thị trường, tư vấn dựa theo thị hiếu là một bí quyết hữu dụng mà doanh nghiệp không nên bỏ qua nếu mong muốn củng cố niềm tin vững chắc vào doanh nghiệp và phá vỡ ranh giới giữa nhà buôn và thương hiệu dịch vụ.

Hoàng Anh/Theo VBI