Lấn biển phân lô và lời khẩn cầu trên đảo Lý Sơn

27/04/2019 14:09

Dự án khu đô thị lấn biển The Sea Eyes 54,65 ha ở Lý Sơn đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều cho việc hỗ trợ phát triển một đảo đặc thù về tài nguyên, các giá trị văn hóa lịch sử, chủ quyền lãnh hải. Trong xu hướng phát triển với nhiều dự án đầu tư tìm về, một bài toán về quy hoạch tổng thể cho Lý Sơn cần được nhìn nhận thấu đáo hơn.

Từ cảng Sa Kỳ ra Lý Sơn chừng 30 phút cano, giờ đây đã có nhiều chuyến trong ngày, từ sáng sớm đến 3g chiều, với 5 tàu tư nhân hiện đại.

Nhìn từ biển, mặt tiền Lý Sơn lô nhô cao thấp những mái nhà lộn xộn. Vừa cập bến, đồng thời cũng là cảng cá An Vĩnh, nhiều phụ nữ nước da mặn mòi mau mắn vây kín khách, mời chào về nhà nghỉ của họ. Có khi khách chưa kịp quyết định thì người đã một nơi, hành lý một nẻo. Dẫn chúng tôi vào phòng, chu đáo hướng dẫn thêm nhà bếp, dịch vụ thuê xe máy... chị Hoa phân trần: “Em an tâm, chị là chủ nhà nghỉ, mùa này ế khách quá nên ngày nào chị cũng phải ra bến”. Nhà nghỉ gồm 12 phòng, được xây lên từ hơn 3 tỉ đồng vay ngân hàng. Sau hơn ba năm hoạt động, gia đình chị còn nợ hơn 1 tỉ đồng. Chị Hoa cho biết thêm, nhiều chủ nhà nghỉ khác thậm chí còn bị vỡ nợ vì vay ngân hàng tới vài chục tỉ đồng để đầu tư phòng ốc, trả nợ không kịp.

Huyện đảo Lý Sơn gồm hai đảo là đảo Lớn (cù lao Ré, gồm hai xã An Hải, An Vĩnh) và đảo Bé (cù lao Bờ Bãi, xã An Bình). Rộng gần 10km2 nhưng có tới gần 23.000 người dân sinh sống; từ khi điện về đảo Lớn năm 2015, du lịch phát triển, việc xây phòng ở cho du khách ở đây tăng chóng mặt. Hiện đảo có hơn 50 nhà nghỉ, hơn 50 dịch vụ homestay, và 7 khách sạn quy mô trên 100 phòng. Trung bình mỗi ngày đảo đón khoảng 500 khách, cuối tuần 600 - 1.000 khách. Vào mùa cao điểm, rơi vào ba tháng hè, ngày lễ, có tới 3.000 - 3.500 khách/ngày.

Đất chật, người đông. Giá đất tăng nhanh, có khi tới 25 triệu đồng/m2 cho nơi mặt tiền biển. Chính quyền huyện bắt đầu phải tính cắt bớt đất nông nghiệp để làm đất ở. Tháng 5.2018, tỉnh Quảng Ngãi đưa xuống Lý Sơn một dự án lấn biển Khu đô thị thương mại The Sea Eyes rộng 54,65 ha tại Vũng Nước Cạn, xã An Vĩnh. Bước đầu đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hợp Nghĩa khảo sát, lập quy hoạch và lập đề xuất dự án, do ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bút phê. Gần như ngay lập tức, dự án vấp phải hàng loạt phản đối của người dân, và sự lo ngại của giới chuyên gia. Sau gần một năm dự án xuất hiện, những ngày này, đi đâu trên đảo cũng nghe người dân bàn lo, bức xúc về dự án. Thậm chí đó còn là mối quan tâm của nhiều khách du lịch: “Dự án lấn biển nằm ở đâu?”.

“Xin Tổ quốc thiêng liêng gia hộ độ trì”

Buổi chiều cuối ngày ở Vũng Nước Cạn rộng mênh mông, mặt trời dần buông, xa xa là ghe tàu neo đậu, phía gần là những thuyền thúng hững hờ. Vài người dân vừa lội lên bờ với rổ rau biển, ốc hoặc nhum. Một buổi xuống vũng, họ có thể có được trung bình 200 ngàn đồng.

Chỉ ranh giới từ cảng Bến Đình đang xây dựng, chạy dọc theo tuyến đường cơ động bao quanh đảo dài khoảng 2,5km tiếp giáp biển, bà Trương Thị Tư khoát tay ra phía biển thành một vòng ôm và bảo đó là khu đô thị lấn biển. “Họ quá tham lam!”, bà nói khi đang chuẩn bị mồi câu cho chồng đi biển đêm gần bờ. Đây là khu vực cá vào đẻ. Làm dự án lấn biển cũng có nghĩa những ngư dân như gia đình bà Tư mất đi một nguồn lợi thủy sản. Cùng chung tâm trạng, ông Trần Nay, 55 tuổi, đang ngồi hóng gió biển gần đình làng An Vĩnh kể: trước đây, ông đi biển ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa thì bị Trung Quốc đánh bắt, dọa nạt. Lớn tuổi rồi nên ông chuyển sang đi biển gần bờ nhưng cũng thưa dần, vì cá ngày một ít. Vậy mà người ta còn muốn lấp biển diệt nguồn cá.

Khu vực lấn biển làm dự án 54, 65ha The Sea Eyes.

“Nếu chủ đầu tư cho mỗi nhà chúng tôi 500 triệu đồng, chúng tôi cũng không đồng ý. 500 triệu đồng ăn rồi cũng hết, nhưng biển nuôi chúng tôi lâu dài...”, bà Tư nhăn mặt khi ai đó nói đùa “nếu chủ đầu tư cho nhiều tiền...”.

Theo đề xuất của chủ đầu tư, dự án khu đô thị thương mại có khoảng 3,6ha nằm trên đất liền, hơn 51ha còn lại là mặt biển. Dự án được quy hoạch thành hai chức năng chính là thương mại dịch vụ và ở; bốn phân khu là đô thị biển, ba khu cộng đồng dân cư với tổng mức đầu tư 1.713 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 - 2022. Sau khi được thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, chủ đầu tư sẽ đền bù giải phóng mặt bằng, tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng, và tổ chức kinh doanh đất nền.

Đang kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ trên đảo, anh Dương Văn Thu cho rằng dự án lấn biển 54,65ha là một dự án bán đất, công ty thấy phần “ngon” nhất đảo nên đầu tư vào. Tuy nhiên, dân đảo chắc chắn không có tiền mua. “Muốn làm gì thì cũng cần giữ lại các giá trị lịch sử, văn hóa, khu dân cư đang sinh sống ổn định. Mặt tiền biển còn là giá trị cho người dân làm du lịch”, anh Thu nói thêm.

Giữa tháng 1.2019, hàng loạt bô lão, đại diện Ban Khánh tiết, Ban Tư vấn nhà Tiền hiền và Đình làng An Vĩnh; Ban Khánh tiết Đình làng An Hải; Ban Tế tự Vạn Vĩnh Thạnh; hai xóm và bảy lân - đại diện bốn ban vận động đội đua thuyền truyền thống (Long, Lân, Quy, Phụng), và đại diện cán bộ và nhân dân xã An Vĩnh đã phải làm đơn khẩn thiết yêu cầu các cấp tỉnh, huyện điều chỉnh địa điểm dự án. Cuối thư là đoạn khẩn cầu: “Cán bộ và nhân dân xã An Vĩnh nói riêng, đảo Lý Sơn nói chung, khẩn thiết cầu xin Tổ quốc thiêng liêng gia hộ độ trì cho quý cấp xem xét, cân nhắc không cấp phép cho Công ty Hợp Nghĩa tại khu vực này, để thế hệ con cháu đời sau khỏi đắc tội với tổ tiên thuở trước...”.

Vì khu vực dự án nằm trước mặt tiền của xã An Vĩnh đã được tổ tiên khai phá, bảo vệ, phát triển và trao truyền cho con cháu suốt hơn 400 năm qua. Đây là mặt tiền di tích của một hòn đảo tâm linh mà tổ tiên xưa gọi là “minh đường” - điểm linh thiêng tích tụ tài lộc, thanh bình; đồng thời cũng là vành đai chắn sóng, bảo vệ đảo. Dự án cũng chồng lấn phạm vi người dân thường xuyên tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh quan trọng như Lễ Khao lề thế lính, hội đua thuyền truyền thống của người Lý Sơn gắn liền với tinh thần bảo vệ lãnh hải của đội hùng binh Hoàng Sa...

Mâu thuẫn phát triển - bảo tồn

Cho tới ngày 22.1.2019, báo cáo thẩm định do Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi thực hiện cho thấy dù “dự án phù hợp định hướng UBND tỉnh về huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu dân cư, cơ bản được thống nhất đồng thuận của các sở ban ngành, huyện và người dân”, với nhiều đề xuất hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đảm bảo theo pháp lý, nhưng đồng thời cũng cho thấy nhiều mối lo.

Đánh giá của Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh cho thấy cần đánh giá tác động của dự án trong bối cảnh nguy cơ tai biến địa chất và biến đổi khí hậu trong trường hợp gia tăng dân số trên đảo. Theo chương trình Núi lửa toàn cầu, do Viện nghiên cứu Smithsonian Hoa kỳ thực hiện, cụm núi lửa Lý Sơn vẫn nằm trong danh mục các núi lửa đang hoạt động (lần hoạt động mới nhất ở biển Việt Nam xảy ra ở đảo Tro, Bình Thuận, vào năm 1923).

Đình làng An Vĩnh nhìn ra khu lấn biển.

Trao đổi với Người Đô Thị, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: trước hàng loạt ý kiến phản đối của người dân, huyện đã có văn bản từ chối dự án gửi UBND tỉnh. Huyện ủy Lý Sơn cũng có văn bản trả lời, trong đó đưa ra hàng loạt vấn đề chủ đầu tư phải giải quyết như an ninh quốc phòng, đánh giá kỹ tác động dự án với môi trường, hệ sinh thái biển, khảo sát địa chất, đảm bảo trường đua truyền thống cho người dân, khu vực trước các lăng, đình làng chỉ bố trí công trình công cộng, cây xanh, không che khuất tầm nhìn ra hướng biển...

“Nếu chủ đầu tư không đảm bảo được các yêu cầu thì huyện không chấp nhận dự án”, ông Nguyễn Viết Vy - Bí thư Huyện ủy nói.

Sang lấp biển bằng chất thải của nhà máy thép 

Đảo Lý Sơn thiếu nước ngọt. Mùa này cho đến tháng 9, rất nhiều giếng nước bị nhiễm mặn. Ngưỡng cho phép khai thác nước ngọt trên đảo, theo cơ quan chuyên môn, tối đa là 16.000m3/ngày, nhưng hiện nay đảo đã khai thác đến 23.000m3/ngày. Nước đâu cung cấp thêm cho một khu đô thị dịch vụ mới, với thêm 4.500 người nữa mà chắc gì đã là dân đảo?

Câu hỏi này, ông Trần Văn Pha, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn (công ty con của Hợp Nghĩa) đã tiếp nhận lại dự án, trả lời Người Đô Thị: trước mắt công ty sẽ dùng nước ngầm và từ dự án bể trữ nước đang xây của huyện dành cho dân đảo; về lâu dài sẽ có nguồn nước ngọt đưa từ đất liền ra theo chủ trương của Chính phủ. “Về nhà ở trong dự án, chúng tôi sẽ bán rộng rãi với giá ưu đãi cho dân Lý Sơn, bao nhiêu thì đang phải tính toán”, ông Pha nói.

Cho biết dự án ra đời từ một phần nhu cầu cần tận dụng 15 triệu đất đá, bùn cát nạo vét từ dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất để lấn biển, ông Pha hứa hẹn dự án sẽ đưa ra một bài toán khả thi hơn, để hài hòa lợi ích các bên theo ý kiến người dân, sau khi chỉnh sửa lại theo yêu cầu của người dân, các sở ngành...

Hiện Lý Sơn không chỉ có một dự án lấn biển 54,65ha. Dự án 20ha của Tập đoàn FLC nằm ở phía bắc đảo, từ hang Câu kéo dài tới thôn Đồng Hộ, hiện đang ở mức trình và xem xét ý tưởng. Một số dự án tư nhân nhà hàng ăn uống đang được xây dựng; dự án khu dân cư An Hải 4ha đang lấy ý kiến dân do nằm trên đất nông nghiệp, cùng hàng loạt dự án chỉnh trang Lý Sơn và phục vụ du lịch như trung tâm hành chính, quảng trường, vườn hoa, cảng mới Bến Đình, cải tạo nâng cấp đường có sẵn... Lý Sơn đang như một “công trường” xây dựng. Bụi bặm, rác thải, xô bồ. Phát triển quá nhanh và thiếu độ lùi là cảnh báo mà nhiều nhà khoa học, quy hoạch đang cảnh báo với hòn đảo tiền tiêu này.

Ông Phạm Thoại Tuyền, một hậu duệ họ Phạm có công khai mở hòn đảo lịch sử kiêu hùng này nói với chúng tôi rằng: Lý Sơn đang phát triển như con dao hai lưỡi. Làm sao quy hoạch Lý Sơn cho hợp tình hợp lý, đảm bảo lợi ích của dân, người dân được thừa hưởng chính mồ hôi nước mắt của mình. Cho xây dựng tùy tiện thì dân ngày càng xa chính quyền. “Không phải nhiều tiền thì hạnh phúc”, ông nói.

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn: 

Phải ưu tiên phát triển Lý Sơn cho chính người dân Lý Sơn

TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, Lý Sơn đang được quản lý dựa trên quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2.000 huyện Lý Sơn. Nhưng với một đảo có những giá trị văn hóa, lịch sử, địa chất độc đáo và vai trò đặc biệt quan trọng trong chủ quyền lãnh hải như Lý Sơn thì như vậy chưa đủ.

Lý Sơn đang rất cần được các nhà khoa học, chuyên môn ở các lĩnh vực đánh giá toàn diện về môi trường, các giá trị vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, tài nguyên nước, điện... để có biện pháp quản lý phù hợp, trong đó, cần quản lý số lượng du khách tới Lý Sơn hàng năm. Thậm chí cần rà lại quy hoạch hiện nay với dự kiến đến năm 2030 dân số 26.000 người, nhưng khả năng tối đa có thể tiếp nhận bao nhiêu du khách? Các con số này có hợp lý và khả thi không? Những nguy cơ phát triển gây ảnh hưởng đến bảo tồn di sản và bảo vệ môi trường là gì?...

Mọi phát triển phải dựa trên hạ tầng có thể cung ứng. Lý Sơn cần trước hết ưu tiên đảm bảo đời sống người dân, bảo vệ các di sản lịch sử văn hóa, giá trị thiên nhiên… sau đó mới tính đến các giá trị cộng thêm như các dự án du lịch. Cần quan tâm những dự án cải thiện đời sống cho Lý Sơn là chính, chứ không phải dự án phục vụ khách du lịch là chính. Dự án du lịch phải đảm bảo các yếu tố tự cung tự cấp (về nước ngọt, điện, xử lý rác thải...) cho chính dự án, chứ không được tạo thêm áp lực và gánh nặng cho địa phương.

Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn:

Quy hoạch 1/2.000 vẫn còn sai sót, chưa phù hợp

Kinh tế biển và dịch vụ du lịch là hai mũi nhọn trong phát triển mà Lý Sơn đang hướng tới. Hiện nay nghề đi biển chiếm 38%,  trong đó đánh bắt xa bờ ở ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa là 130 chiếc, đánh bắt gần bờ có 200 tàu nhỏ công suất dưới 90 CV; 30% là nông nghiệp (trồng tỏi, hành và một số hoa màu khác); còn lại 32% là dịch vụ du lịch. Trong tương lai, huyện định hướng sẽ giảm từ 300ha trồng tỏi như hiện nay còn khoảng 200ha, nhưng phải nâng cao giá trị và chất lượng (nông sản sạch); vận động người dân chuyển đổi từ đánh bắt gần bờ qua đi biển xa bờ, nhằm đảm bảo công tác bảo tồn, nguồn lợi thủy sản về lâu dài.

Đây thực sự là một thách thức lớn, trong khi Quy hoạch xây dựng tỉ lệ 1/2.000 - cơ sở quản lý của chính quyền - dù mới được phê duyệt năm 2017 nhưng có nhiều điểm sai sót so với thực tế, lẫn chưa phù hợp. Chúng tôi đang tiến hành rà soát lại những điểm này, đề xuất sửa đổi. Hy vọng quy hoạch hoàn chỉnh hơn, và nếu Công viên địa chất toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh được UNESCO công nhận, Lý Sơn sẽ có thêm cơ sở, nền tảng phát triển bền vững.

Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty du lịch Lửa Việt:

Nghề của người dân ở đây vẫn là đi biển

Tôi cho rằng, quản lý cần thay đổi suy nghĩ về du lịch, chống tư duy nhiệm kỳ, đặt lợi ích trong cộng đồng về lâu dài. Thực tế cho thấy đảo Lớn Lý Sơn không nên phát triển du lịch thêm nữa, chỉ tập trung chấn chỉnh lại cái hiện nay đang có, cho nề nếp, phải có bộ quy chuẩn chung trong dịch vụ du lịch. Thứ hai là phải đảm bảo môi trường vệ sinh, có thể được ít tiền nhưng lợi bất cập hại, không cấp những dự án du lịch lớn nữa mà tập trung làm du lịch trong dân, cộng đồng.

Tôi cho rằng du lịch không thể là thu nhập chính cho người dân ở đảo Lớn, nó chỉ là bổ sung thêm. Nghề của người dân ở đây vẫn là đi biển. Đảo làm sao vẫn giữ được văn hóa, sinh hoạt, đình đường theo chuẩn du lịch bền vững, chính du lịch bền vững này giúp xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, tương tác hỗ trợ cho nhau. 

Hàn Ngọc Tin, Giám đốc Công ty du lịch Xuyên Việt:

Khách đến Lý Sơn là để tìm hiểu văn hóa lịch sử 

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, khách chủ yếu tìm tới Lý Sơn vì văn hóa lịch sử địa phương, khám phá cảnh quan tự nhiên. Địa chất Lý Sơn tương tự như đảo Jeju của Hàn Quốc, nhưng Lý Sơn có cảnh biển đẹp hơn, với những câu chuyện giá trị văn hóa lịch sử. Nếu khai thác phải kết hợp bảo tồn các giá trị này. Để khách hứng thú với lịch sử, văn hóa thì phải đầu tư vào con người, mà người dân bản địa làm du lịch sẽ là một lợi thế nếu họ được đào tạo thêm về cung cách dịch vụ, kỹ năng khai thác câu chuyện… 

Lê Quỳnh/Nguồi Đô Thị

 

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Lấn biển phân lô và lời khẩn cầu trên đảo Lý Sơn" tại chuyên mục Tiêu điểm.