Trong khi nhiều người bày tỏ cái nhìn tiêu cực và có phần lo ngại về văn hóa đọc của người trẻ hiện nay, anh Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc NXB Trẻ lại có quan điểm khá tích cực trước vấn đề này.
Hội thảo quốc gia về xây dựng văn hóa đọc tổ chức tại Đà Nẵng tháng 6 vừa qua chỉ ra một con số đáng giật mình nhưng không còn mới: Người Việt chỉ đọc mỗi năm khoảng 1-2 cuốn sách, thuộc nhóm ít đọc nhất thế giới. Một thống kê trước đó từ Hội Xuất bản cũng cho kết quả tương tự: Trừ sách giao khoa, người Việt đọc trung bình 1 quyển sách/năm.
Những con số này khiến nhiều người cảm thấy lo ngại về thói quen đọc sách của người Việt nói chung cũng như các bạn trẻ nói riêng. Tuy nhiên, từ quan điểm của một người trong ngành, anh Nguyễn Thành Nam, Phó giám đốc NXB Trẻ lại có cái nhìn khá tích cực về vấn đề này.
Anh cho biết: "Tôi thấy không đáng lo ngại lắm vì số lượng sách xuất bản ngày càng nhiều hơn, chứng tỏ độc giả ngày càng quan tâm đến sách, đến việc đọc sách. Ngoài chuyện đọc sách giấy theo kiểu truyền thống thì nhiều bạn cũng có thể đọc bằng ebook hay nghe audio. Đó thật ra cũng là một cách đọc".
Cũng theo anh Nam, khẩu vị đọc của đa số các bạn trẻ ngày càng nâng cao hơn. Những cuốn sách ngoài thị trường có nội dung "nhạt", không sâu sắc sẽ tự bị đào thải vì không được đón nhận dễ dàng như trước đây nữa.
"Các bạn đọc đã bắt đầu chú ý tới những quyền sách có hàm lượng trí thức cao hơn, bên cạnh các dòng sách về văn chương, tản văn, tiểu thuyết… để bồi bổ tinh thần, bồi bổ giá trị sống. Mặc dù ít nhưng đã có biểu hiện đó. Còn các sách nhạt nhẽo sẽ bị người trẻ trẻ từ chối trong khi trước đọ họ đón nhận khá dễ tính".
Trước ý kiến cho rằng một bộ phận người trẻ sẵn sàng bỏ tiền mua trà sữa thay vì đọc sách, phó giám đốc NXB Trẻ khẳng định so sánh như vậy có phần "hơi khập khiễng", vì hai nhu cầu này khác nhau, một bên là nhu cầu ăn uống còn một bên là nhu cầu giải trí hoặc bổ sung kiến thức. Anh khẳng định vấn đề quan trọng là phải hình thành thói quen đọc sách, "như vậy sẽ không cần so sánh việc bỏ tiền mua sách hay bỏ tiền đi uống trà sữa".
"Muốn hình thành thói quen ấy thì phải bắt đầu từ gia đình và từ lừa tuổi rất nhỏ. Tôi nghĩ gia đình là nơi quan trọng nhất để phát triển thói quen đọc sách cho mỗi thiếu nhi. Nếu gia đình không tạo điều kiện để trẻ tiếp cận sách ngay từ nhỏ thì lớn lên các em sẽ khó hình thành thói quen đọc sách, cho dù xã hội có làm bao nhiêu thứ để tăng cường thói quen này đi nữa’, anh Nam nhấn mạnh.
Nhật Anh
Theo Trí Thức Trẻ