Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Lao động, doanh nghiệp đuối sức vì giấy xét nghiệm

10/07/2021 12:09

Hàng loạt tỉnh thành đều yêu cầu người đi và về từ TP.HCM phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV. Quy định này khiến người lao động, doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn.

Mỗi ngày xe hàng của công ty anh Võ Minh Tuấn tại TP.HCM phải đi giao thực phẩm đến nhiều địa phương. Mỗi tỉnh lại yêu cầu thời hạn của giấy xét nghiệm khác nhau khiến doanh nghiệp này gặp rất nhiều khó khăn.

"Chi phí xét nghiệm cũng không hề rẻ chút nào, nhất là doanh nghiệp tôi có đến hàng trăm tài xế, phụ xe", anh Tuấn cho hay.

Không chỉ vậy, chủ doanh nghiệp vận tải này cho biết việc kiểm tra giấy xét nghiệm khiến cửa ngõ các tỉnh, thành phố lớn bị ùn tắc nghiêm trọng. Do đó, chất lượng, tiến độ cung ứng hàng hóa tươi, sống vào vùng dịch đều bị ảnh hưởng.

Thực tế, việc hàng loạt địa phương yêu cầu người ra vào tỉnh phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 đang khiến người lao động, doanh nghiệp rơi vào thế khó. Nhiều tài xế chở hàng vào TP.HCM buộc phải quay đầu xe vì không xuất trình đầy đủ giấy tờ cần thiết.

Giay xet nghiem Covid-19 anh 1

Hàng nghìn phương tiện ùn tắc tại điểm chốt kiểm soát. Ảnh: Phạm Ngôn.

Tốn hàng chục triệu đồng/lần xét nghiệm

Chị Hồng Thanh - công nhân của một công ty trong khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B (Bình Dương) và có nhà ở TP Thủ Đức - cho biết mỗi tuần chị phải đi xét nghiệm hai lần. "Mỗi lần xét nghiệm nhanh khoảng 300.000 đồng, nếu một tháng làm đến 8 lần, xin nghỉ làm rất mất thời gian, công sức và tiền bạc", chị than thở.

Tương tự, anh Quang Huề (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cũng chật vật vì giấy xét nghiệm. Công ty của anh ở Đồng Nai, mỗi ngày người đàn ông này phải di chuyển liên tục qua các tỉnh để chăm sóc khách hàng nuôi heo.

"Xét nghiệm xong lại phải đợi thêm 3 tiếng mới có kết quả và giấy xác nhận này chỉ có giá trị trong 7 ngày. Cứ một tuần tôi phải đến bệnh viện xét nghiệm, mỗi lần mất 338.000 đồng, tính ra mất thêm 1,3 triệu đồng/tháng tiền xét nghiệm", anh nói. Anh Huề mong chính quyền địa phương có giải pháp gọn nhẹ và giảm bớt kinh phí.

Ông Trương Chí Thiện - Giám đốc điều hành Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt - cho biết mỗi ngày công ty có khoảng 30 chuyến xe chở thực phẩm cung cấp cho các tỉnh phía Nam.

Trong khi các bệnh viện công lập quá tải, doanh nghiệp phải tìm đến bệnh viện tư nhân với chi phí lên đến hơn 500.000 đồng/người/lần.

Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc điều hành Công ty CP thực phẩm Vĩnh Thành Đạt.

Theo ông Thiện, quy định yêu cầu tài xế phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

"Từ 3-7 ngày công ty lại cho nhân viên xét nghiệm, tốn hàng chục triệu đồng/lần. Trong khi các bệnh viện công lập đang quá tải, phải tìm đến bệnh viện tư nhân với chi phí lên đến hơn 500.000 đồng/người/lần", ông than thở.

AhaMove, một đơn vị giao hàng khu vực nội thành TP.HCM và lân cận cũng cho hay sau khi có yêu cầu kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 đối với người lao động di chuyển từ TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai và ngược lại khiến các đơn hàng liên tỉnh của công ty bị ùn ứ.

"Diễn biến dịch bệnh nhanh khiến cho các lệnh ban hành và áp dụng khá đột ngột, chỉ trong vòng hơn một ngày, trong khi thực tế thời gian có kết quả xét nghiệm tập trung thường nhiều hơn một ngày", đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Đại diện AhaMove cũng đề xuất rằng hiện nay doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cần được hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, tiêm vaccine cho nhóm tài xế sớm bởi đây là lực lượng quan trọng, cần hoạt động xuyên suốt mùa dịch và tiếp xúc với nhiều người.

Giay xet nghiem Covid-19 anh 2

Nhiều xe hàng phải mất vài giờ mới có thể qua trạm kiểm soát dịch để chở rau củ vào TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nên áp dụng quy tắc vận tải an toàn phòng dịch Covid-19

Hiện nay, người dân từ vùng dịch khi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng... làm việc và vận chuyển hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 3-5-7 ngày (tùy nơi).

Thậm chí, người đến Tiền Giang phải có kết quả âm tính qua xét nghiệm nhanh một ngày và bằng phương pháp Realtime RT-PCR không quá 3 ngày. Tại TP.HCM, ngày 8/7, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu tất cả người đến thành phố bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19.

Mới đây, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam - có văn bản kiến nghị về việc áp dụng quy tắc vận tải an toàn phòng dịch Covid-19 mà không cần xét nghiệm PCR.

Giay xet nghiem Covid-19 anh 3

Việc kiểm soát y tế đối với từng người, từng phương tiện khiến nhiều xe chở hàng hóa về TP.HCM bị chậm trễ. Ảnh: Phạm Ngôn.

Để giảm thiểu sự rủi ro ảnh hưởng của dịch đến hoạt động vận tải - logistics trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Hiệp hội kiến nghị các phương án như khi ra vào vùng dịch, tài xế xe tải chỉ ngồi trong cabin xe, và được trang bị bảo hộ phòng dịch, không ra khỏi xe khi giao nhận hàng.

"Lái xe khi ở bên trên cabin thực hiện nguyên tắc không tiếp xúc, sẽ không còn là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng”, ông Lê Duy Hiệp khẳng định.

Lái xe khi ở bên trên cabin thực hiện nguyên tắc không tiếp xúc, sẽ không còn là nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng cho biết Sở Công Thương TP.HCM sẽ đề nghị Sở Giao thông Vận tải cấp phép cho xe tải 2,5 tấn trở xuống chạy vào nội đô trong giờ cao điểm (ban ngày) để vận chuyển hàng hóa đến các điểm trung chuyển, điểm phân phối.

Trước đó, ngày 8/7, Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng có liên quan tạo điều kiện thuận lợi, tạo luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển đã có thẻ nhận diện phương tiện được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian nhanh nhất.

Loại hình vận chuyển được cấp thẻ nhận diện phương tiện gồm ôtô từ các tỉnh khác vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp được lưu thông đi đến, đi qua TP.HCM và ngược lại, ôtô vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua địa bàn TP.HCM.

Thanh Thương/Zing News
Bạn đang đọc bài viết "Lao động, doanh nghiệp đuối sức vì giấy xét nghiệm" tại chuyên mục Tiêu điểm.