Mỗi khi đi ra ngoài, tôi luôn chắc chắn trong ví chồng đã có đủ tiền, nếu chưa, tôi bỏ thêm vào và để anh là người được trả tiền.
Vợ chồng tôi năm nay 35 tuổi, đã kết hôn được 10 năm, có hai con và đang sống cùng bố mẹ chồng ở Hà Nội. Tôi xin chia sẻ quan điểm và cách sống của gia đình tôi khi thu nhập của vợ cao hơn của chồng.
Tôi làm doanh nghiệp nước ngoài, chồng làm nhà nước. Từ khi lấy nhau, lương tôi đã cao hơn lương chồng khá nhiều. Sau này, thu nhập của tôi càng tăng nhanh hơn, gấp nhiều lần của anh, tôi cũng là người đặt ra các mục tiêu kinh tế của gia đình và cùng chồng từng bước hoàn thành các mục tiêu đó. Hiện giờ, chúng tôi đã có bất động sản, tiền tiết kiệm và đã mua được ôtô cho chồng đi làm, còn tôi vẫn đi xe máy. Chúng tôi sống hòa thuận, hạnh phúc đến bây giờ, chỉ thỉnh thoảng có giận dỗi chứ chưa bao giờ cãi nhau. Tôi rất hài lòng và biết ơn cuộc sống của mình.
Quan điểm của tôi là ai ước mơ gì, người đó nên chịu trách nhiệm thực hiện. Sau nhiều lần tâm sự, tôi cũng hiểu được chồng là người thích sống an nhàn, bình dị, không bon chen, anh chỉ cần cuộc sống đủ ăn với lương hiện tại, không có nhu cầu làm giàu và cũng không tự tin để làm giàu. Còn tôi luôn mơ ước sẽ có nhà, có xe, có tiền, sẽ sống thế này thế kia... Nhiều khi, vì phấn đấu làm việc kiếm tiền mà tôi vô cùng mệt mỏi và cô đơn trong hành trình của mình. Nhưng tôi luôn tâm niệm, mua nhà hay mua xe đó là mơ ước của tôi, tôi ước mơ thì phải thực hiện nó, phải cố gắng để đạt được.
Nếu chồng không lấy tôi mà lấy một người có công việc và thu nhập tương đương, có lẽ anh chỉ cần sống đủ ăn qua ngày là được, không phải cố gồng mình lên với những ước mơ của vợ, không phải thấy vợ bơ phờ mệt mỏi hay nghe vợ than phiền những vất vả và bất mãn trong công việc. Tôi nên tôn trọng sự khác biệt của anh. Đàn ông cũng có người thích xông pha bên ngoài, có người thích yên phận, đàn bà cũng thế. Mỗi người có một khả năng, sở trường và nguyện vọng khác nhau, không có lý gì bắt người chồng phải ra ngoài lăn lộn kiếm tiền nếu anh không muốn.
Chồng tôi có điểm tốt là rất thương yêu vợ con và chịu khó làm việc nhà. Từ đi chợ, nấu cơm, rửa bát, chăm con, anh không quản ngại điều gì cả. Anh có ít bạn bè, những lúc rảnh rỗi, anh chỉ thích loanh quanh bên vợ con. Anh không thích và cũng không muốn nghĩ đến đầu tư hay làm ăn thêm bên ngoài, anh hay sợ thất bại. Tôi không thấy thế là xấu, trái lại còn nghĩ với tính cách liều lĩnh và sốc nổi như tôi thì việc cân nhắc, đắn đo, sợ thất bại như anh lại kéo tôi về một nhịp trước khi đưa ra những quyết định mạo hiểm.
Tôi nghĩ những người đàn ông có thu nhập thấp hơn vợ thường tự trọng và sĩ diện. Nếu người vợ cũng tỏ ra trên cơ thì chồng sẽ xuất hiện tâm lý tự ti, lâu dần sẽ trở nên mặc cảm. Người vợ càng có thu nhập cao hơn chồng thì càng nên tế nhị, quan tâm đến cảm xúc của chồng và tôn trọng anh ấy. Đừng mang tiền ra để đánh giá giá trị con người. Tôi cũng quan niệm vợ có thể làm trụ cột kinh tế nhưng chồng nhất định phải làm trụ cột gia đình. Đối với tôi chồng lương thấp hay thu nhập thấp hơn vợ không có nghĩa là kém cỏi hơn vợ. Trong gia đình, quan trọng nhất là sự hòa hợp và yên ấm, sau đó là sự sung túc.
Để chồng đảm nhất tốt hơn vai trò trụ cột gia đình, tôi thường xuyên chia sẻ với anh về công việc, mơ ước và kế hoạch của mình để anh cùng đồng cảm và giúp đỡ tôi trong khả năng. Tôi không bao giờ rạch ròi chuyện tiền vợ, tiền chồng, nhà tôi chỉ có một quỹ chung. Tôi cũng chủ động kéo anh vào cùng quản lý thu chi trong gia đình. Sau khi bàn bạc cần chi tiêu cái gì, tôi đều để anh là người chi tiền trực tiếp. Mỗi khi đi ra ngoài tôi luôn chắc chắn trong ví chồng đã có đủ tiền, nếu chưa đủ thì tôi bỏ thêm vào, nhưng đã ra ngoài rồi thì chồng luôn là người chi tiền hoặc tôi chi tiền trong ví của anh. Nhiều sổ tiết kiệm tôi cũng bảo chồng mang gửi đứng tên anh.
Tôi cũng thường xuyên tâm sự về vai trò là người con trưởng của anh trong gia đình để anh quan tâm hơn đến bố mẹ, anh chị em và các mối quan hệ họ hàng. Tôi không phải là nữ cường nhân, tôi chỉ khá hơn chồng ở giai đoạn này khi tạo ra kinh tế giỏi hơn. Nhưng tôi cũng dựa dẫm chồng nhiều thứ và giúp anh cảm thấy mình là chỗ dựa vững chắc và bảo vệ được tôi. Ví dụ, tôi là người "mù đường" và lười tìm hiểu, nên đi đâu tôi cũng nhờ chồng đưa đi. Giao dịch tiền nong quan trong hay có các buổi gặp mặt với người mới, người lạ, tôi cũng rủ chồng đi cùng.
Ngay cả chuyện thuốc thang cho con khi ốm, tôi cũng nhờ chồng lo cả, tôi chỉ làm nhiệm vụ cho con uống thuốc theo lời dặn của anh. Anh thuộc hết tên thuốc, liều dùng cho các bệnh của con, khiến mấy lần đi khám bác sĩ, tôi còn tưởng anh làm cùng ngành. Chồng nấu ăn rất khéo nên tôi thích ăn món gì lại rủ chồng cùng làm và anh luôn chiều tôi ngay. Tôi luôn trân trọng những đồng tiền anh mang về cho gia đình, dù là nhỏ bé những tôi vẫn khen ngợi khích lệ, kiểu như "ôi may quá lại có thêm tiền để mai mua cái này cái kia rồi", "thế là ngày mai hai vợ chồng lại được đi ăn sáng bên ngoài rồi"...
Tôi nghĩ mình lấy được anh đúng là một may mắn. Nếu lấy một người chồng cũng mải mê kiếm tiền bên ngoài, có lẽ tôi đã chẳng được chăm sóc như hiện tại. Cuộc sống của mỗi người đều không hoàn hảo, được cái này sẽ mất cái kia. Điều cốt lõi là mỗi người phải nhận ra giá trị của mình và trân trọng giá trị của người đồng hành trong cuộc sống.
Theo Vnexpress